Các nghiệp vụ chủ yếu của thị trường vốn

Một phần của tài liệu giáo trình kinh tế học của trường cao đẳng kinh tế kế hoạch đà nẵng (Trang 189 - 192)

- Nghiệp vụ cho vay dài hạn: Là hoạt động cho vay các nguồn tài chính dài hạn giữa các chủ thể cung ứng nguồn tài chính dài hạn và chủ thể cần nguồn tài chính dài hạn mà không cần phát hành chứng khoán. Chủ thể cho vay dài hạn trên thị trường vốn chính thức chủ yếu là các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng. Chúng thực hiện các khoản cho vay trên cơ sở nguyên tắc hoạt động của ngân hàng và các quy chế, điều lệ hoạt động của các tổ chức tín dụng. Chính phủ các nước, các tổ chức tiền tệ quốc tế cũng thực hiện các khoản cho vay dài hạn dựa trên các hiệp định được ký kết và quy tắc hoạt động, đường lối chính sách của mỗi Chính phủ và mỗi tổ chức tài chính – tiền tệ quốc tế. Nghiệp vụ cho vay dài hạn không chính thức được thực hiện giữa các cá nhân và tổ chức quên biết tín nhiệm nhau, dựa trên sự thỏa thuận giữa bên cho vay và bên đi vay mà không dựa vào quy chế hoạt động nào khác.

- Nghiệp vụ tín dụng thuê mua hay cho thuê tài chính: Là nghiệp vụ trên thị trường vốn, trong đó người cung ứng nguồn tài chính đóng vai trò là người cho thuê cam kết mua tài sản, thiết bị theo yêu cầu của người thuê và nắm quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê.

Người cần nguồn tài chính sử dụng tài sản thuê và thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn đã được thỏa thuận trong hợp đồng. Thời hạn này phải chiếm phần lớn thời gian hữu dụng tài sản. Tổng số tiền người thuê phải trả cho người cho thuê thường bằng và lớn hơn giá trị thị trường của tài sản cho thuê vào thời điểm ký hợp đồng. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê có quyền chọn mua tài sản thuê với giá thấp hơn giá trị tài sản thuê tại thời điểm mua lại.

Như vậy, người cho thuê đã ứng một nguồn tài chính tương đương với giá trị ban đầu của tài sản, máy móc, thiết bị mà người cho thuê đã mua theo yêu cầu của người thuê. Người thuê được sử dụng nguồn tài chính đó và chỉ phải trả

tiền thuê theo định kỳ gồm tiền vốn gốc, tiền lãi tín dụng, phần lợi nhuận hợp lý và phần chi phí quản lý. Tài sản cho thuê thường là tài sản cố định có thời gian sử dụng dài và theo quy định thời hạn thuê phải chiếm phần lớn thời gian hữu dụng của tài sản thuê nên về thực chất thì thuê tài chính là hình thức vay trung hạn và dài hạn của người thuê tài sản đối với người cho thuê tài sản, thỏa mãn nhu cầu về nguồn tài chính dài hạn cho người đi thuê. Người cho thuê tài sản thường là công ty tài chính, cung cấp nguồn tài chính dài hạn để hưởng phần lãi tín dụng và phần lợi nhuận. Như vậy, giá cả quyền sử dụng nguồn tài chính cao hơn so với thị trường cho vay dài hạn thông thường của hệ thống tín dụng ngân hàng. Nhưng nó lại giúp chủ thể cần nguồn tài chính có nguồn tài chính cần thiết trong khi không có tài sản thế chấp. Vì người cho thuê nắm quyền sở hữu pháp lý đối với tài sản cho thuê nên người đi thuê không đòi hỏi người thuê phải có tài sản thế chấp.

- Nghiệp vụ mua bán chứng khoán trung dài hạn

Là nơi diễn ra hoạt động mua bán các loại chứng khoán trung và dài hạn.

Về hình thức, các hoạt động trao đổi mua bán các chứng khoán chỉ là việc thay đổi các chủ thể sở hữu chứng khoán. Về bản chất, đây là quá trình chuyển giao quyền sử dụng nguồn tài chính từ chủ thể này sang chủ thể khác. Chủ thể tham gia vào nghiệp vụ này là tổ chức phát hành chứng khoán, các nhà đầu tư chứng khoán, các nhà môi giới chứng khoán.

TÓM TẮT CHƯƠNG 5

1. Thị trường tài chính được định nghĩa là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán quyền sử dụng các nguồn tài chính thông qua những phương thức giao dịch và công cụ tài chính nhất định. Bốn vai trò quan trọng nhất của thị trường tài chính là: (i) thu hút và huy động các nguồn tài chính nhàn rỗi trong xã hội để đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế (ii) thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính trong xã hội; (iii) tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các chính sách tài chính - tiền tệ của Nhà nước và (iv) tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài.

2. Thị trường tiền tệ là một bộ phận của thị trường tài chính được chuyên môn hóa đối với các nguồn tài chính được trao quyền sử dụng ngắn hạn. Đối tượng của thị trường tiền tệ là quyền sử dụng các nguồn tài chính có thời hạn ngắn, (dưới 1 năm). Công cụ mua bán trên thị trường tiền tệ thường bao gồm: tín phiếu Kho bạc, thương phiếu, chứng chỉ tiền gửi ngân hàng, giấy chấp nhận thanh toán của Ngân hàng, hợp đồng mua lại và tín phiếu ngân hàng. Chủ thể tham gia gồm có Ngân hàng trung ương; các tổ chức tài chính trung gian; Nhà đầu tư; Người môi giới.

3. Thị trường vốn là một bộ phận của thị trường tài chính, là nơi diễn ra các giao dịch mua bán quyền sử dụng các nguồn tài chính dài hạn. Đối tượng là quyền sử dụng các nguồn tài chính dài hạn nên người mua có thể dùng làm nguồn vốn để đầu tư. Công cụ của thị trường vốn thường là các loại chứng khoán trung và dài hạn như cổ phiếu, trái phiếu. Chủ thể tham gia gồm có chủ thể phát hành chứng khoán; người đầu tư; người môi giới chứng khoán; người kinh doanh chứng khoán; người điều hòa thị trường.

4. Giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Sự phát triển mạnh mẽ và lành mạnh của thị trường tiền tệ sẽ thúc đẩy sẽ phát triển của thị trường vốn. Các tổ chức tài chính trung gian trên thị trường tiền tệ có thể sử dụng kỹ thuật để chuyển đổi các nguồn tài chính có thời hạn sử dụng ngắn thành các nguồn tài chính có thời hạn sử dụng dài cung cấp cho thị trường vốn. Sự phát triển của thị trường vốn sẽ kích thích thị trường tiền tệ phát triển.

Câu hỏi chương 5

1. So sánh chứng khoán vốn và chứng khoán nợ? Để gia tăng vốn kinh doanh, các công ty nên phát hành chứng khoán vốn hay phát hành chứng khoản nợ?

2. Phân biệt thị trường tiền tệ và thị trường vốn?

3. Để huy động vốn trên thị trường tài chính, các chủ thể kinh tế phải đáp ứng những điều kiện gì?

4. Phân tích vai trò của thị trường tài chính?

5. Yếu tố nào làm cho cổ phiếu có độ rủi ro cao hơn so với trái phiếu?

Chương VI

Một phần của tài liệu giáo trình kinh tế học của trường cao đẳng kinh tế kế hoạch đà nẵng (Trang 189 - 192)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(231 trang)
w