II. Bảo hiểm kinh doanh
4. Các hình thức bảo hiểm kinh doanh
Trên thị trường bảo hiểm thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều nghiệp vụ bảo hiểm khác nhau :
- Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu;
- Bảo hiểm thân tàu;
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu;
- Bảo hiểm xe cơ giới;
- Bảo hiểm tai nạn con người;
- Bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt;
- Bảo hiểm xây dựng lắp đặt;
- Bảo hiểm thăm dò và khai thác dầu khí;
- Bảo hiểm sinh mạng cá nhân;
- Bảo hiểm nhân thọ;
- Bảo hiểm cây trồng;
- Bảo hiểm chăn nuôi;
Các sản phẩm trên đều được phân loại theo từng đặc trưng riêng. Tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu và quản lý nghiệp vụ, sẽ có các tiêu thức khác nhau được lấy làm tiêu chí phân loại. Chẳng hạn, theo đối tượng được bảo hiểm, các đối tượng bảo hiểm có thể được xếp vào các loại: bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm dân sự hay bảo hiểm con người. Nếu hình thức tham gia được lấy làm tiêu thức thì các nghiệp vụ bảo hiểm có thể được chia thành 2 loại: bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc. Ở phần này, chúng ta sẽ đi cụ thể hơn vào ba loại bảo hiểm được phân chia theo đối tượng được bảo hiểm, đó là:
4.1. Bảo hiểm tài sản
Đây là hình thức bảo hiểm có lịch sử phát triển lâu dài. Là loại bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là giá trị tài sản. Mục đích của loại bảo hiểm này là nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất cho người tham gia bảo hiểm khi xảy ra các sự cố bất ngờ như: thiên tai, hỏa hoạn, trộm cắp....làm cho tài sản của họ bị hư hỏng, mất mát hoặc bị tiêu hủy toàn bộ. Mức tiền bồi thường cho người tham gia bảo hiểm cao hay thấp tùy thuộc vào tính chất của từng lọai tài sản được bảo hiểm,
phương thức bảo hiểm và mức độ thiệt hại thực tế. Sau đây là những loại bảo hiểm tài sản thông dụng nhất:
- Bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu; bảo hiểm hàng hoá vận chuyển trong nước
- Bảo hiểm thân tàu biển; bảo hiểm thân tàu, thuyền khác - Bảo hiểm thân máy bay và bảo hiểm tổn thất hệ quả - Bảo hiểm thiệt hại vật chất xe cơ giới
- Bảo hiểm công trình xây dựng, lắp đặt - Bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt
- Bảo hiểm máy móc thiết bị; bảo hiểm máy móc thiết bị điện tử - Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh
- Bảo hiểm vật nuôi, cây trồng - Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu - Bảo hiểm tiền; bảo hiểm trộm cắp
- Bảo hiểm công trình ngoài khơi, giàn khoan, đường ống...trong thăm dò và khai thác dầu khí.
Bảo hiểm tài sản áp dụng nguyên tắc bồi thường khi thanh toán chi trả bảo hiểm. Số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được trong mọi trường hợp không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự cố bảo hiểm. Nguyên tắc thế quyền hợp pháp khi xuất hiện người thứ ba có lỗi và do đó có trách nhiệm đối với thiệt hại của người được bảo hiểm
Trong bảo hiểm tài sản, nếu một đối tượng bảo hiểm đồng thời được bảo đảm bằng nhiều hợp đồng bảo hiểm cho cùng một rủi ro với những doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau, những hợp đồng bảo hiểm này có điều kiện bảo hiểm giống nhau, thời hạn bảo hiểm trùng nhau, và tổng số tiền bảo hiểm từ tất cả những hợp đồng này lớn hơn giá trị của đối tượng bảo hiểm đó thì gọi là bảo hiểm trùng. Trong trường hợp có bảo hiểm trùng, tùy thuộc vào nguyên nhân xảy ra để giải quyết. Thông thường, bảo hiểm trùng liên quan đến sự gian lận của người tham gia bảo hiểm nhằm trục lợi bảo hiểm. Do đó, về nguyên tắc, doanh nghiệp bảo hiểm có thể hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm nếu phát hiện thấy bảo
hiểm trùng có gian lân. Nếu các doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bồi thường thì lúc này, trách nhiệm của mỗi công ty đối với tổn thất sẽ được phân chia theo tỷ lệ trách nhiệm mà họ đảm nhận.
4.2. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Đây là hình thức bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm dân sự.
Đây là loại hình bảo hiểm mới đuợc ra đời trên cơ sở sự tiến bộ văn hóa, khoa học kỹ thuật và sự phát triển trong công nghệ quản lư của nhà nước pháp quyền.
Mục đích của loại bảo hiểm này là nhằm giải phóng người tham gia bảo hiểm thoát khỏi yêu cầu phải bồi thường tổn thất cho người khác do những hành vi hoạt động của chính họ gây ra. Mặt khác, bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn có tác động phòng ngừa, hạn chế và khắc phục kịp thời thiệt hại về tài sản, sức khỏe, đời sống và tính mạng của đối tượng do hành vi hoạt động của người tham gia bảo hiểm gây nên. Phổ biến nhất là những loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự sau:
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu biển; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu, thuyền khác
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người khai thác máy bay
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới - Bảo hiểm trách nhiệm của chủ sử dụng lao động - Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm
- Bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ ba trong xây dựng, lắp dặt
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong hoạt động tư vấn đầu tư, xây dựng
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ vật nuôi
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số nghề nghiệp đặc biệt như là: Môi giới bảo hiểm; Môi giới chứng khoán; Tư vấn pháp luật; Tư vấn tài chính, kiểm toán; nghề y...
Vì đối tượng được bảo hiểm là phần trách nhiệm dân sự phát sinh của người được bảo hiểm đối với người bị thiệt hại (một người thứ ba khác) nên
trong loại bảo hiểm này, người được bảo hiểm là người có trách nhiệm dân sự cần được bảo đảm thường chính là người tham gia bảo hiểm. Còn người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm lại là người thứ ba khác. Người thứ ba trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự là những người có tính mạng, tài sản bị thiệt hại trong sự cố bảo hiểm và được quyền nhận bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm với tư cách là người thụ hưởng.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm tài sản đều được xếp vào loại bảo hiểm thiệt hại, là loại bảo hiểm bảo đảm cho các thiệt hại phát sinh. Do vậy, bảo hiểm trách nhiệm dân sự cũng áp dụng nguyên tắc bồi thường khi giải quyết bồi thường bảo hiểm.
4.3. Bảo hiểm con người
Hay còn gọi là bảo hiểm thân thể của người được bảo hiểm. Đối tượng bảo hiểm là đời sống, sức khỏe, khả năng lao động, tính mạng của con người. Mục đích của loại hình bảo hiểm này là nhằm thỏa mãn nhu cầu về vật chất cho người tham gia bảo hiểm khi gặp phải những sự cố bất ngờ, có thể là chủ quan hoặc khách quan làm mất khả năng lao động thiệt hại về mặt sức khỏe, bị chết....
Bảo hiểm con người không chỉ có tác dụng phòng ngừa, hạn chế và khắc phục kịp thời hậu quả nặng nề do hiểm họa bất ngờ gây ra cho bản thân con người, bảo đảm cho cuộc sống đời thường được ổn định, mà nó còn thể hiện tinh thần nhân đạo, tính cộng đồng hóa rủi ro, một trong những tiêu chí đạo đức đáng quý của con người. Trên thế giới, hoạt động bảo hiểm con người xuất hiện từ lâu và ngày càng phát triển. Bảo hiểm con người được chia thành bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm con người phi nhân thọ.
- Bảo hiểm nhân thọ có các loại cơ bản sau:
+ Bảo hiểm cho sự kiện tử vong của người được bảo hiểm + Bảo hiểm cho sư kiện còn sống của người được bảo hiểm + Bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp
+ Bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư
- Bảo hiểm con người phi nhân thọ có các dạng chính sau:
+ Bảo hiểm tai nạn (tai nạn cá nhân; tai nạn hành khách; Tai nạn thuyền viên; tai nạn lái xe, phụ xe và người ngồi trên xe cơ giới; Tai nạn nhân viên tổ bay; Tai nạn người đi du lịch; Tai nạn thân thể học sinh...)
+ Bảo hiểm sức khoẻ ( bảo hiểm cho rủi ro bệnh tật, ốm đau) + Bảo hiểm sinh mạng
+ Bảo hiểm kết hợp (bảo hiểm cho nhiều loại rủi ro: tai nạn, bệnh tật, tử vong trong một hợp đồng bảo hiểm)
Nếu như trong bảo hiểm thiệt hại, việc thanh toán bồi thường bảo hiểm được dựa vào nguyên tắc bồi thường thì trong bảo hiểm con người, nguyên tắc chi phối việc giải quyết thanh toán tiền bảo hiểm là “Nguyên tắc khoán”. Khi có sự kiện được bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện chi trả một khoản tiền dựa vào số tiền bảo hiểm đã được thỏa thuận lựa chọn khi ký kết hợp đồng bảo hiểm chứ không dựa vào thiệt hại thực tế. Số tiền bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm con người hoàn toàn không phải là sự biểu hiện giá trị của bản thân người được bảo hiểm mà về cơ bản chỉ có ý nghĩa là một số tiền mà người tham gia bảo hiểm “khoán” cho doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Thực tế hiện nay, phạm vi bảo hiểm của một số nghiệp vụ bảo hiểm con người phi nhân thọ bảo đảm cho cả các chi phí y tế thực tế phát sinh. Do vậy, bên cạnh nguyên tắc khoán, các doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng kết hợp nguyên tắc bồi thường để giải quyết chi trả cho các khoản thiệt hại chi phí y tế khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.