II. Nội dung của ngân sách Nhà nước
2. Chi ngân sách Nhà nước
2.2. Nội dung chi ngân sách Nhà nước
Chi ngân sách Nhà nước là quá trình phân phối có kế hoạch các nguồn tài chính đã được tập trung vào ngân sách Nhà nước để Nhà nước thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình. Vì vậy, nội dung chi ngân sách Nhà nước rất đa dạng, phong phú gồm nhiều khoản mục, cho nhiều mục đích khác nhau. Để tổ chức sử dụng có hiệu quả các khoản chi ngân sách Nhà nước ta phải tiến hành phân loại. Hiện nay có các cách phân loại chi ngân sách Nhà nước sau:
2.2.1. Phân loại chi ngân sách Nhà nước theo tính chất và phương thức quản lý ngân sách Nhà nước
Cách phân loại này được áp dụng phổ biến trên thế giới, cho phép xem xét đánh giá được mối quan hệ chi ngân sách nhà nước cho tăng trưởng kinh tế và duy trì hoạt động thường xuyên của nhà nước trong từng thời kỳ nhất định.
Theo tiêu thức phân loại này, toàn bộ khoản chi ngân sách Nhà nước được chia thành các nhóm:
- Các khoản chi thường xuyên: Bao gồm các chi nhằm đảm bảo cho các hoạt động thường xuyên của Nhà nước gắn liền với chức năng quản lý kinh tế - xã hội của nhà nước. Các khoản chi thường xuyên mang tính ổn định khá rõ nét.
Tính ổn định của chi thường xuyên bắt nguồn từ tính ổn định trong từng hoạt động cụ thể mà mỗi bộ phận cụ thể thuộc guồng máy của Nhà nước phải thực hiện. Đại bộ phận các khoản chi thường xuyên mang tính chất tiêu dùng. Chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước được chia làm 2 bộ phận cơ bản. Một bộ phận vốn được sử dụng để đáp ứng nhu cầu quản lý kinh tế - xã hội chung của
Nhà nước và một bộ phận để đáp ứng các nhu cầu của dân cư trong lĩnh vực phát triển văn hóa, xã hội, có mối quan hệ trực tiếp với thu nhập của dân cư và nâng cao mức sống dân cư. Chi thường xuyên của nhà nước bao gồm:
* Chi cho hoạt động quản lý hành chính Nhà nước: Đây là các khoản chi nhằm đảm bảo sự hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các cơ sở hoạt động của Đảng và hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội. Đây là khoản chi mang tính chất tiêu dùng, mặc dù khoản chi này không liên quan trực tiếp đến sản xuất, nhưng rất cần thiết cho xã hội. Khoản chi này đảm bảo kinh phí hoạt động cho các cơ quan hành chính và cơ quan chính quyền Nhà nước. Qui mô chi phụ thuộc vào bộ máy quản lý hành chính (tức đội ngũ công chức, viên chức nhà nước). Bộ máy nhà nước càng cồng kềnh thì khoản chi này càng chiếm tỷ trọng cao và ngược lại.
* Chi sự nghiệp văn hóa - xã hội là các khoản chi của ngân sách cho các nhu cầu của xã hội về đào tạo, giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, phúc lợi xã hội và trợ cấp xã hội... nhằm nâng cao trình độ văn hoá, chăm lo bảo vệ sức khoẻ cho quần chúng nhân dân; xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho quần chúng nhân dân cũng như thực hiện các nhiệm vụ thông tin tuyên truyền các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Đây là khoản chi cần thiết không thể thiếu đối với xã hội vì khoản chi này liên quan trực tiếp đến việc nâng cao dân trí, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân mà những vấn đề này lại có mối quan hệ mật thiết với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Qui mô chi cho sự nghiệp văn hóa xã hội phụ thuộc vào: Khả năng của ngân sách Nhà nước; Chính sách xã hội của Nhà nước.
Ngoài ra, chi sự nghiệp văn hóa – xã hội còn là phương tiện để Nhà nước thực hiện quá trình phân phối lại thu nhập nhằm mục tiêu công bằng xã hội.
* Chi cho hoạt động sự nghiệp kinh tế: Đây là những khoản chi nhằm phục vụ cho yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Bao gồm chi cho hoạt động khảo sát, thiết kế, thăm dò; hoạt động tuyên truyền phổ biến khoa học kỹ thuật, hoạt động nông lâm nghiệp, thuỷ lợi, công cộng ...
Hoạt động sự nghiệp kinh tế mang tính chất phục vụ chứ không nhằm mục đích kinh doanh lấy lãi, do đó hoạt động của các đơn vị sự nghiệp kinh tế không theo nguyên tắc hạch toán kinh doanh mà được đảm bảo bởi kinh phí ngân sách Nhà nước.
* Chi quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội: Là khoản chi nhằm củng cố nền an ninh chính trị quốc gia. Bao gồm các khoản chi đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng, chi mua sắm, bảo dưỡng các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động quốc phòng, chi trang bị cho quân đội, chi nuôi quân và chi phí khác...Qui mô khoản chi phụ thuộc vào: Tình hình chính trị và an ninh quốc phòng của mỗi nước trong từng thời kỳ. Chi an ninh quốc phòng thường được gọi là chi tiêu dùng đặc biệt, khoản chi này thường là gánh nặng cho ngân sách Nhà nước nhưng không thể không duy trì lực lượng phòng thủ quốc gia.
Tuy nhiên mỗi quốc gia chỉ nên duy trì ở mức chi cần thiết.
* Các khoản chi thường xuyên khác theo qui định của pháp luật: Bao gồm trợ giá theo chính sách của Nhà nước; phần chi thường xuyên thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án Nhà nước; ….
- Chi đầu tư phát triển: Đây là những khoản chi nhằm tạo ra cơ sở vật chất cho các lĩnh vực, nhất là cơ sở kinh tế của Nhà nước và làm tăng sản phẩm quốc nội (GDP). Các khoản chi này có tác dụng góp phần làm cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển. Đây là khoản chi lớn của ngân sách Nhà nước nhưng không mang tính ổn định. Đại đa số các khoản chi đầu tư phát triển mang tích chất tích lũy. Đối tượng đầu tư của Nhà nước thường là các công trình thuộc kết cấu hạ tầng, các ngành kinh tế mũi nhọn then chốt và những công trình kinh tế không thể dựa vào đầu tư tư nhân nhưng hoạt động của chúng cần thiết cho xã hội.
Việc đầu tư phát triển kinh tế thường đòi hỏi số vốn đầu tư lớn thời gian dài, và thường chúng không mang lại lợi nhuận trực tiếp mà hiệu quả của chúng thể hiện ở sự phát triển kinh tế nói chung. Chi đầu tư phát triển kinh tế không chỉ có chi đầu tư mới còn bao gồm cả chi đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu. Trong đó đặc biệt chú ý đầu tư chiều sâu vì hiệu quả kinh tế của chúng thường lớn hơn hiệu quả đầu tư theo chiều rộng vì:
+ Nhu cầu vốn đầu tư nhỏ hơn.
+ Thời gian đầu tư ngắn hơn.
+ Thời gian thu hồi vốn cũng ngắn hơn.
Chi đầu tư phát triển bao gồm những khoản chi cơ bản sau:
+ Chi đầu tư xây dựng cơ bản hay nói cách khác là chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng - kinh tế xã hội không có khả năng thu hồi vốn, các công trình thuộc các doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch được duyệt, các dự án quy hoạch vùng lãnh thổ.
+ Chi đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của Nhà nước
+ Chi góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cần thiết có sự tham gia của Nhà nước
+ Chi đầu tư phát triển thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án Nhà nước.
+ Chi bổ sung dự trữ Nhà nước
+ Các khoản chi đầu tư phát triển khác.
- Chi trả nợ gốc và lãi các khoản tiền tiền do Chính phủ vay: Chi trả nợ bao gồm :
Trả nợ trong nước là những khoản nợ mà Nhà nước vay của các tầng lớp dân cư, tổ chức kinh tế - Xã hội bằng việc phát hành các loại chứng khoán của Nhà nước như: trái phiếu chính phủ, trái phiếu công trình, tín phiếu Kho Bạc ...
Trả nợ nước ngoài các khoản nợ nước ngoài mà Nhà nước vay của Chính phủ các nước, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ quốc tế.
2.2.2. Phân loại chi ngân sách Nhà nước theo mục đích chi tiêu: ngân sách Nhà nước chia thành hai loại chi cho tích lũy và chi cho tiêu dùng
- Chi cho tích lũy là những khoản chi của ngân sách Nhà nước làm gia tăng cơ sở vật chất và tiềm lực cho nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế. Các khoản chi tích lũy gồm có:
+ Chi đầu tư xây dựng cơ bản.
+ Chi cấp vốn lưu động cho các doanh nghiệp.
+ Chi dự trữ vật tư chiến lược của Nhà nước.
+ Các khoản chi tích lũy khác.
- Chi tiêu dùng của ngân sách Nhà nước: Là các khoản chi không tạo ra sản phẩm vật chất - cơ sở vật chất. Chi tiêu dùng bao gồm:
+ Chi cho sự nghiệp kinh tế
+ Chi cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục xã hội.
+ Chi cho sự nghiệp y tế, khoa học, kỹ thuật + Chi cho quản lý hành chính Nhà nước + Chi cho quốc phòng an ninh.
+ Chi cho ngoại giao, cho phát triển quan hệ quốc tế + Chi tiêu dùng khác
Cách phân loại này giúp cho việc nghiên cứu phân tích đánh giá quá trình phân phối kinh phí góp phần giải quyết mối quan hệ cân đối lớn trong nền kinh tế là quan hệ cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng.
2.2.3. Phân loại chi ngân sách Nhà nước theo nội dung chi tiêu, lĩnh vực chi cụ thể.
Theo cách phân loại này chi ngân sách Nhà nước gồm:
+ Chi cho phát triển kinh tế
+ Chi cho phát triển giáo dục, đào tạo
+ Chi cho khoa học - công Nghệ môi trường + Chi cho y tế
+ Chi cho văn hóa, thể dục thể thao +Chi cho xã hội
+ Chi cho quản lý Nhà nước các cấp + Chi cho quốc phòng, an ninh + Chi viện trợ
Cách phân loại này giúp ta phân tích đánh giá hiệu quả, tính đúng đắn của việc phân phối ngân sách Nhà nước gắn với các hoạt động của Nhà nước, thông qua đó xem xét tỷ trọng của các loại chi ngân sách Nhà nước và sự biến đổi của
nó qua các thời kỳ để đánh giá tính đúng đắn của việc phân phối sử dụng nguồn tài chính của Nhà nước.