Phân loại thị trường tài chính

Một phần của tài liệu giáo trình kinh tế học của trường cao đẳng kinh tế kế hoạch đà nẵng (Trang 165 - 168)

3.1. Căn cứ theo phương thức huy động nguồn tài chính

- Thị trường các công cụ nợ: Trên thị trường này, các chủ thể huy động nguồn tài chính thông qua phương thức chung nhất là đưa ra một công cụ vay nợ. Chúng là sự thoả thuận có tính chất hợp đồng, trong đó người vay phải thanh toán cho người giữ công cụ một khoản tiền cố định trong những khoảng thời gian đều đặn cho tới thời điểm quy định trước là đợt thanh toán cuối cùng được thực hiện. Lúc này người vay phải hoàn trả luôn cả vốn và phần lãi tiền vay còn

lại cho người nắm giữ công cụ. Như vậy, trên thị trường nợ, chủ thể huy động nguồn tài chính chỉ có thể sử dụng nguồn đó trong những khoảng thời gian cố định.

- Thị trường vốn cổ phần: Trên thị trường này, các chủ thể huy động nguồn tài chính thông qua phương thức phát hành cổ phiếu. Các công ty cổ phần có quyền sử dụng nguồn tài chính này suốt trong thời gian tồn tại và hoạt động của công ty. Các cổ đông sẽ là đồng sở hữu công ty cổ phần.

3.2. Căn cứ vào phương thức tổ chức thị trường

- Thị trường sơ cấp: Đây là thị trường phát hành chứng khoán mới và bán cho người đầu tiên mua. Đặc điểm nổi bật của thị trường sơ cấp là nó tạo ra các chứng khoán mới. Sự hoạt động của thị trường sơ cấp huy động nguồn tài chính trong xã hội chuyển thành vốn đầu tư cho nền kinh tế. Thông qua thị trường này, nguồn tài chính vận động từ người đầu tư sang chủ thể phát hành chứng khoán.

Đây là thị trường cung ứng các công cụ tham gia trên thị trường tài chính.

- Thị trường thứ cấp: Đây là thị trường tài chính trong đó thực hiện giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp, đáp ứng nhu cầu chuyển nhượng vốn đầu tư, tạo nên tính thanh khoản cho các công cụ trên thị trường. Thị trường thứ cấp không có tác dụng huy động thêm vốn, không hỗ trợ việc đầu tư mới. Chức năng cơ bản của thị trường thứ cấp là tăng thêm tính thanh khoản cho các công cụ tài chính đã được phát hành có tính hấp dẫn hơn, được ưu chuộng hơn và do đó làm dễ dàng hơn việc phát hành và bán chúng ở thị trường sơ cấp. Qua đó góp phần tăng sức thu hút đối với công chúng tham gia trên thị trường này. Trên thị trường này diễn ra việc mua bán chứng khoán giữa các nhà đầu tư. Thị trường tài chính thứ cấp làm thay đổi chủ thể sở hữu chứng khoán, không làm tăng vốn cho nền kinh tế.

3.3. Căn cứ vào tính chất pháp lý

- Thị trường tài chính chính thức: Là bộ phận thị trường tài chính mà tại đó các hoạt động huy động, cung ứng, giao dịch các nguồn tài chính được thực hiện theo những nguyên tắc, thể chế nhất định, được Nhà nước quy định rõ ràng

trong các văn bản pháp luật. Các chủ thể tham gia thị trường này với quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của họ được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

- Thị trường tài chính không chính thức: Là bộ phận thị trường tài chính mà ở đó các hoạt động huy động, cung ứng, giao dịch các nguồn tài chính được thực hiện theo sự thoả thuận giữa người cung cấp nguồn tài chính và người cần nguồn tài chính mà không theo nguyên tắc, thể chế do Nhà nước quy định.

3.4. Căn cứ vào thời gian sử dụng nguồn tài chính huy động được - Thị trường tiền tệ:

Thị trường tiền tệ là một bộ phận của thị trường tài chính được chuyên môn hoá đối với các nguồn tài chính được trao quyền sử dụng ngắn hạn.

Đặc trưng nổi bật nhất của thị trường tiền tệ là hàng hoá có tính thanh khoản cao, mức rủi ro thấp. Trọng tâm của thị trường tiền tệ là cung cấp phương tiện giúp các cá nhân, doanh nghiệp nhanh chóng điều chỉnh tình hình thanh khoản thực của họ theo số lượng tiền mong muốn. Hình thức tài trợ vốn đặc trưng là tài trợ gián tiếp thông qua hoạt động của ngân hàng thương mại. Chủ thể tham gia thị trường tiền tệ bao gồm các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính phi ngân hàng (công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty tài chính...), các doanh nghiệp, các hộ gia đình. Ngân hàng trung ương tham gia thị trường tiền tệ chủ yếu với vai trò kiểm soát thị trường và điều hoà tiền tệ bằng sự can thiệp vào hoạt động của thị trường thông qua việc tăng hoặc giảm lãi suất tái chiết khấu, tăng hoặc giảm mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại và thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

- Thị trường vốn

Thị trường vốn là một bộ phận của thị trường tài chính được chuyên môn hoá đối với các nguồn tài chính được trao quyền sử dụng dài hạn. Thị trường vốn cung cấp tài chính cho những dự án đầu tư dài hạn, với hình thức tài trợ trực tiếp các chủ thể có nhu cầu sẽ chủ động phát hành chứng khoán trên thị trường để huy động. So với thị trường tiền tệ, thị trường vốn có độ rủi ro cao hơn.

Những người huy động vốn trên thị trường vốn chủ yếu và quan trọng là các

doanh nghiệp. Những người cung cấp vốn trên thị trường vốn là các tổ chức tài chính như: Ngân hàng, công ty bảo hiểm… và công chúng. Thị trường vốn là nhịp cầu để chuyển tiết kiệm của những doanh nghiệp thặng dư qua những doanh nghiệp thiếu hụt. Qua đó thị trường vốn đóng góp vào sự ổn định kinh tế bằng cách cân đối tiết kiệm với đầu tư và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống cho người dân khi thị trường vốn hoạt động có hiệu quả.

Giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Sự phát triển mạnh mẽ và lành mạnh của thị trường tiền tệ sẽ thúc đẩy sẽ phát triển của thị trường vốn. Các tổ chức tài chính trung gian trên thị trường tiền tệ có thể sử dụng kỹ thuật để chuyển đổi các nguồn tài chính có thời hạn sử dụng ngắn thành các nguồn tài chính có thời hạn sử dụng dài cung cấp cho thị trường vốn. Sự phát triển của thị trường vốn sẽ kích thích thị trường tiền tệ phát triển.

Nhìn chung, thị trường tài chính là một loại thị trường có đặc trưng riêng về hàng hoá, cũng như phương thức giao dịch. Thị trường tài chính là tổng hoà các mối quan hệ cung cầu về vốn trong nền kinh tế, do đó rất khó có thể phân loại một cách rạch ròi như các loại thị trường hàng hoá thông thường. Việc phân chia thị trường tài chính thành các bộ phận khác nhau dựa trên hình thức vận động của các nguồn tài chính và cơ chế giao dịch chỉ mang ý nghĩa tương đối.

Một phần của tài liệu giáo trình kinh tế học của trường cao đẳng kinh tế kế hoạch đà nẵng (Trang 165 - 168)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(231 trang)
w