4. Các bộ phận chủ yếu của thị trường vốn
4.3. Thị trường chứng khoán trung và dài hạn
Thị trường chứng khoán trung và dài hạn: Là bộ phận chủ yếu của thị trường vốn, là nơi diễn ra hoạt động mua bán các loại chứng khoán trung và dài hạn
Hiện nay khi nói đến thị trường vốn người ta chủ yếu đề cập đến thị trường chứng khoán trung và dài hạn. Thị trường chứng khoán trung và dài hạn có thể chia thành hai bộ phận thị trường, đó là thị trường chứng khoán sơ cấp và thị trường chứng khoán thứ cấp.
*Thị trường chứng khoán sơ cấp
Thị trường chứng khoán sơ cấp là thị trường phát hành các loại chứng khoán, cho phép các chủ thể kinh tế có thể tiếp nhận được các nguồn tài chính bằng việc phát hành các chứng khoán mới. Thị trường chứng khoán sơ cấp làm gia tăng vốn đầu tư trong nền kinh tế.
- Đối tượng mua bán: là quyền sử dụng các nguồn tài chính.
- Công cụ tài chính: Chủ yếu là các loại chứng khoán mới phát hành. Các loại chứng khoán này rất phong phú và đa dạng, chủ yếu là cổ phiếu và trái phiếu.
- Những chủ thể tham gia thị trường
+ Các chủ thể cần nguồn tài chính: Các chủ thể này huy động nguồn tài chính bằng cách phát hành các chứng khoán bao gồm: Nhà nước, chính quyền các địa phương, các tổ chức tài chính và ngân hàng, các doanh nghiệp đặc biệt là công ty cổ phần cần huy động nguồn tài chính để hình thành, tăng thêm vốn tự có bằng cách phát hành cổ phiếu.
+ Các chủ thể cung ứng nguồn tài chính: Các chủ thể này mua các chứng khoán mới phát hành với tư cách là người đầu tư, bao gồm: Các hộ gia đình (hay cá nhân), các tổ chức tham gia đầu tư chuyên nghiệp chuyên đầu tư vào chứng khoán để kiếm lời (các công ty đầu tư, công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí...).
Ngoài ra, còn có các công ty chứng khoán, ngân hàng, các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp có nguồn tài chính nhàn rỗi đầu tư mua chứng khoán mới phát hành để kiếm lời.
+ Chủ thể môi giới đóng vai trò bảo lãnh: Trong trường hợp cần huy động nguồn tài chính lớn, phải phát hành một khối lượng chứng khoán lớn, đòi hỏi chủ thể cần nguồn tài chính phải am hiểu thị trường và kỹ thuật phát hành mới đảm bảo thành công; do vậy các chủ thể này thường phải nhờ người bảo lãnh (có thể là công ty chứng khoán, hoặc ngân hàng), người bảo lãnh sẽ cố vấn cho chủ thể này trong việc phát hành và đảm bảo việc tiêu thụ chứng khoán đã phát hành thu nguồn tài chính về cho người phát hành. Người bảo lãnh phải có tư cách pháp nhân.
- Cơ chế hoạt động của thị trường chứng khoán sơ cấp: Cơ chế hoạt động của thị trường này là cơ chế phát hành. Để phát hành chứng khoán, chủ thể cần nguồn tài chính thường nhờ đến người bảo lãnh thực hiện phương thức uỷ thác phát hành hoặc phát hành theo kiểu đấu giá.
+ Ở phương thức uỷ thác phát hành, những người nhận bảo lãnh tập hợp lại thành một tổ chức chung dưới hình thức một tổ hợp phát hành. Các thành viên
của tổ hợp sẽ thoả thuận về phương thức bán và phân phối thù lao, sau đó mỗi thành viên sẽ nhận được một lượng chứng khoán nhất định để bán cho nhà đầu tư theo giá đã công bố.
+ Ở phương thức phát hành theo kiểu đấu giá, các chủ thể phát hành thông báo tiến hành đấu giá. Căn cứ vào bảng tổng hợp xin mua của các tổ chức tham gia đấu giá xếp theo thứ tự giá chào từ cao xuống thấp, chủ thể phát hành đáp ứng mọi lệnh bắt đầu từ giá cao nhất cho tới khi đạt được tổng số tiền mà họ muốn. Để đảm bảo cân đối về cung cầu chứng khoán trên thị trường sơ cấp, các chủ thể phát hành khi phát hành một khối lượng chứng khoán lớn phải đệ trình thông báo tới Uỷ ban phát hành để xét duyệt lịch tŕnh phát hành.
* Thị trường chứng khoán thứ cấp
Thị trường chứng khoán thứ cấp là thị trường lưu thông, thị trường mua đi bán lại các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường chứng khoán sơ cấp, làm thay đổi quyền sở hữu chứng khoán.Thị trường chứng khoán thứ cấp chỉ làm thay đổi chủ thể cung ứng nguồn tài chính mà không thay đổi chủ thể phát hành chứng khoán và không tác động trực tiếp làm tăng vốn trong toàn bộ nền kinh tế.
- Đối tượng mua bán trên thị trường này vẫn là quyền sử dụng các nguồn tài chính nhưng thực hiện dưới hình thức mua bán các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường chứng khoán sơ cấp
- Cơ cấu tổ chức cần thiết cho thị trường chứng khoán thứ cấp:
+ Người đầu tư: Hoạt động mua bán chứng khoán trên thị trường này diễn ra giữa những nhà đầu tư. Thị trường chỉ có thể hoạt động bình thường nếu như thường xuyên có nhu cầu mua và nhu cầu bán các loại chứng khoán đã phát hành trên thị trường vốn sơ cấp. Từ những phân tích riêng và nhu cầu sử dụng các nguồn tài chính của mình, các nhà đầu tư đi đến quyết định bán số chứng khoán mà mình có trong tay hoặc mua lại chứng khoán của nhà đầu tư khác với mục đích thu được những khoản lợi trước mắt hoặc tương lai. Có thể nhà đầu tư bán chứng khoán mình có trong tay chỉ vì muốn giảm rủi ro trong đầu tư.
+ Các tổ chức quản lý giám sát thị trường: Để đảm bảo cho thị trường hoat động lành mạnh, có hiệu quả; trên thị trường chứng khoán thứ cấp có các tổ chức quản lý giám sát thị trường nhằm giám sát các hoạt động của thị trường như cấp giấy phép, giám sát các hoạt động của các công ty chứng khoán, kiểm tra tính hợp thức của các nghiệp vụ giao dịch trên thị trường, kiểm tra tính chính xác của các tài liệu thông tin của các doanh nghiệp tham gia thị trường... Ở nước ta, tổ chức này được gọi là Uỷ ban chứng khoán Nhà nước được thành lập ngày 28/11/1996.
+ Người môi giới: Người môi giới là người đóng vai trò trung gian giữa người bán và người mua chứng khoán, làm cho cung và cầu về chứng khoán gặp nhau dễ dàng. Người môi giới có thể là thể nhân hoặc pháp nhân, phải là người thông thạo tình hình của thị trường chứng khoán.
Ở đây, người môi giới chủ yếu là các công ty chứng khoán. Các công ty này có thể thực hiện toàn bộ hay một phần trong các hoạt động chính là bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới mua và bán chứng khoán cho chính mình để thu lợi nhuận.
+ Sở giao dịch chứng khoán hay Trung tâm giao dịch chứng khoán: là trung tâm giao dịch mua bán các loại chứng khoán được tổ chức hết sức chặt chẽ.
Sở giao dịch có các chức năng chủ yếu là: tổ chức, tạo điều kiện cho việc giao dịch, mua bán chứng khoán tiến hành thuận lợi, công khai, đúng pháp luật và cung cấp cho người đầu tư những thông tin cần thiết liên quan đến chứng khoán được giao dịch trên thị trường. Thành viên của Sở giao dịch chứng khoán chủ yếu là những người môi giới như các công ty chứng khoán, các ngân hàng thực hiện vai trò môi giới và các nhà môi giới tư nhân.
+ Các tổ chức khác có liên quan đến nghiệp vụ chứng khoán như: Công ty tư vấn đầu tư chứng khoán, hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán, các tổ chức ký gửi và thanh toán chứng khoán, công ty đánh giá hệ số tín nhiệm...
- Các hoạt động chủ yếu của thị trường chứng khoán thứ cấp
Hoạt động chủ yếu của thị trường này là cung cấp lệnh mua, bán chứng khoán và giao dịch chứng khoán.
+ Cung cấp lệnh mua, bán chứng khoán: Các yêu cầu của những người muốn bán và người muốn mua chứng khoán thể hiện cung và cầu về chứng khoán trên thị trường vốn thứ cấp và được cụ thể hoá bằng những “lệnh” của khách hàng giao cho người môi giới. Nội dung cơ bản của một lệnh giao dịch gồm: tên chứng khoán, lệnh mua hay bán, số lượng chứng khoán, loại lệnh và thời hạn hiệu lực của lệnh.
+ Giao dịch chứng khoán: Là hoạt động trả tiền mua và giao chứng khoán bán. Có 3 phương thức giao dịch:
Giao dịch trả tiền ngay: Việc trả tiền mua và giao chứng khoán đã chấp nhận bán được thực hiện ngay.
Giao dịch theo kỳ hạn: Hợp đồng mua bán chứng khoán được ký kết tại một thời điểm nào đó nhưng phải sau một kỳ hạn nhất mới thực hiện việc thanh toán (người mua trả tiền, người bán giao chứng khoán).
Giao dịch theo hình thức tín dụng: Người mua chứng khoán chỉ phải trả ngay một phần tiền, phần còn lại do người môi giới ở Sở giao dịch chứng khoán ứng ra trả cho người bán. Người mua phải trả lợi tức cho người môi giới về số tiền ứng ra. Đến một kỳ hạn nhất định, nếu người mua không có đủ tiền để thanh toán cho người môi giới thì người môi giới có quyền bán những chứng khoán đó.
Cơ chế hoạt động của thị trường vốn thứ cấp tạo ra tính thanh khoản cao của các chứng khoán, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư di chuyển hướng sử dụng nguồn tài chính từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, từ khu vực này sang khu vực khác. Thị giá chứng khoán được xác định trên thị trường vốn thứ cấp là yếu tố để người phát hành tham khảo cho việc phát hành chứng khoán mới trên thị trường sơ cấp.
Thị trường chứng khoán sơ cấp và thị trường chứng khoán thứ cấp có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Thị trường chứng khoán sơ cấp tạo ra công cụ cho thị trường thứ cấp. Điều này có nghĩa có thị trường chứng khoán sơ cấp thì mới có thị trường chứng khoán thứ cấp. Thị trường chứng khoán sơ cấp hoạt động có hiệu quả phụ thuộc vào sự tổ chức hoạt động của thị trường chứng khoán thứ
cấp. Thị trường chứng khoán thứ cấp tạo ra tính thanh khoản cao cho các chứng khoán bao nhiêu thì việc phát hành chứng khoán trên thị trường chứng khoán sơ cấp càng thuận lợi, huy động được nguồn tài chính nhàn rỗi để cung cấp cho hoạt động kinh tế xã hội.