Cán cân vãng lai (Tài khoản vãng lai)

Một phần của tài liệu giáo trình kinh tế học của trường cao đẳng kinh tế kế hoạch đà nẵng (Trang 212 - 215)

III. Cán cân thanh toán quốc tế

2. Nội dung của cán cân thanh toán quốc tế

2.1. Cán cân vãng lai (Tài khoản vãng lai)

Cán cân vãng lai còn được gọi là tài khoản vãng lai được sử dụng để ghi chép phản ánh giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu và các khoản thu chi dịch vụ, các khoản chuyển giao một chiều giữa một nước với các nước và những khoản thu chi khác có liên quan với nước ngoài về hàng hóa, dịch vụ. Đặc trưng cơ bản

của cán cân vãng lai là phản ánh các khoản thu và chi mang tính thu nhập. Cán cân vãng lai bao gồm bốn cán cân tiểu bộ phận là: Cán cân thương mại; cán cân dịch vụ; cán cân thu nhập và cán cân chuyển giao vãng lai một chiều.

- Cán cân thương mại: Cán cân này ghi chép phản ánh những khoản thu, chi về xuất nhập khẩu hàng hóa trong một thời kỳ nhất định. Đây là hình thức lâu đời nhất và mang tính chất truyền thống của hoạt động kinh tế quốc tế. Khi xuất khẩu làm phát sinh cung ngoại tệ và cầu nội tệ trên thị trường ngoại tệ nên được ghi có (+) trong cán cân thanh toán; và nhập khẩu làm phát sinh cầu ngoại tệ và cung nội tệ trên thị trường ngoại hối nên được ghi nợ (-) trong cán cân thanh toán. Khi thu nhập từ xuất khẩu lớn hơn chi cho nhập khẩu hàng hoá, thì cán cân thương mại thặng dư (hay nước đó tình trạng xuất siêu và cán cân thương mại của nước đó bội thu). Ngược lại, khi thu nhập từ xuất khẩu thấp hơn chi cho nhập khẩu hàng hoá, thì cán cân thương mại thâm hụt (hay nước đó ở tình trạng nhập siêu và cán cân thương mại nước đó bội chi). Kim ngạch ghi vào cán cân thương mại được đánh giá theo giá FOB nếu là hàng hóa xuất khẩu và theo giá CIF nếu là hàng hóa nhập khẩu, tỷ giá sử dụng là tỷ giá tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ. Cán cân thương mại thường chiếm tỷ trọng lớn trong cán cân thanh toán quốc tế, nên sự bội thu hay bội chi của cán cân thương mại quyết định bội thu, bội chi của cán cân tổng thể.

- Cán cân dịch vụ: Cán cân này phản ánh các khoản thu, chi ngoại tệ có liên quan đến việc cung cấp dịch vụ cho nước ngoài và các khoản dịch vụ nhận được của nước ngoài. Các dịch vụ quốc tế phổ biến bao gồm dịch vụ tài chính do các ngân hàng cung cấp cho các nhà xuất nhập khẩu nước ngoài, dịch vụ về vận tải (cước phí chuyên chở, thuê tàu, bến bãi, ...) bảo hiểm, du lịch, dịch vụ xây dựng, hàng không, thông tin... Xuất khẩu dịch vụ làm phát sinh cung ngoại tệ (cầu nội tệ) được phản ánh vào bên có và có (+) của cán cân thanh toán; nhập khẩu dịch vụ làm phát sinh cầu ngoại tệ (cung nội tệ) nên được phản ánh vào bên nợ và có dấu (-). Trong những năm gần đây doanh số xuất nhập khẩu dịch vụ đã tăng nhanh chóng cả về số tuyệt đối lẫn số tương đối so với doanh số xuất nhập khẩu hàng hoá.

- Cán cân thu nhập: Phản ánh thu nhập của người lao động và thu nhập nhận được bởi những người cư trú trong nước từ đầu tư của họ ở nước ngoài hay thu nhập thanh toán cho người nước ngoài từ khoản đầu tư vào trong nước. Các phần thu nhập chủ yếu là: các khoản tiền lương, lợi tức cho vay, lợi tức cổ phần, lợi tức trái phiếu, chuyển lợi nhuận về nước do đầu tư trực tiếp. Cán cân thu nhập bao gồm:

+ Thu nhập của người lao động: là các khoản tiền lương, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác bằng tiền, hiện vật do người không cư trú chi trả cho người cư trú và ngược lại.

+ Thu nhập về đầu tư: là các khoản thu từ lợi nhuận đầu tư trực tiếp, lãi từ đầu tư vào các chứng từ có giá và các khoản lãi đến hạn phải trả của các khoản vay giữa người cư trú và người không cư trú.

Các khoản thu nhập của người cư trú từ người không cư trú làm phát sinh cung ngoại tệ (cầu nội tệ) được phản ánh vào bên có (+) của cán cân thanh toán và các khoản thu nhập trả cho người không cư trú làm phát sinh cầu ngoại tệ (cung nội tệ) nên được phản ánh vào bên nợ (-).

- Cán cân chuyển giao một chiều: bao gồm các khoản thu, chi mà không có sự bù đắp lại một cách tương ứng, như quà biếu tặng, giúp đỡ nhân đạo, kiều hối, các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản bồi thường hoặc nhận bồi thường và các khoản khác. Các khoản thu làm phát sinh cung ngoại tệ (của nội tệ) nên được ghi vào bên có (+); các khoản chi làm phát sinh cầu ngoại tệ (cung nội tệ) nên được ghi vào bên nợ (-).

Như vậy, cán cân vãng lai được biểu diễn:

Cán cân vãng lãi = Cán cân thương mại + Cán cân dịch vụ + Cán thu nhập + Cán cân chuyển giao một chiều.

Cán cân vãng lai là bộ phận quan trọng nhất của cán cân thanh toán quốc tế.

Trong cán cân vãng lai, tùy theo điều kiện của mỗi quốc gia mà cán cân thương mại hay cán cân dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng số thu chi của cán cân vãng lai.

Một phần của tài liệu giáo trình kinh tế học của trường cao đẳng kinh tế kế hoạch đà nẵng (Trang 212 - 215)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(231 trang)
w