Đối tượng và công cụ của thị trường tài chính

Một phần của tài liệu giáo trình kinh tế học của trường cao đẳng kinh tế kế hoạch đà nẵng (Trang 160 - 165)

Đối tượng của thị trường tài chính bao gồm những nguồn cung và cầu về vốn trong xã hội của các chủ thể kinh tế như nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xă hội và các tầng lớp dân cư. Thị trường tài chính là một thị trường đặc biệt nên đối tượng mua bán trên thị trường tài chính là một loại hàng hoá đặc biệt, đó là quyền sử dụng các nguồn tài chính ngắn hạn hoặc dài hạn. Hàng hoá được đem ra mua bán ở đây không phải là số tiền của người dư thừa mà chính là quyền sử dụng số tiền đó trong một thời gian nhất định. Giá trị sử dụng của hàng

hoá đặc biệt này chính là quyền được sử dụng nguồn tài chính nhàn rỗi của người bán theo mục đích của người mua như là một số vốn để hoạt động. Giá cả mua bán trên thị trường tài chính thể hiện ở phần lợi tức người mua trả cho người bán quyền sử dụng nguồn tài chính. Thông thường giá cả được thoả thuận trước khi diễn ra quan hệ mua bán, tuy nhiên giá cả cũng có thể không xác định trước như trường hợp người mua phát hành cổ phiếu vì giá cả tuỳ thuộc vào kết quả hoạt động của người mua. Hình thức biểu hiện cụ thể của giá cả tuỳ thuộc vào hình thức mua bán, chẳng hạn: Vay nợ thông thường thì giá cả là lợi tức tiền vay; Người mua phát hành cổ phiếu, trái phiếu thì giá cả là lợi tức trái phiếu, lợi tức cổ phần...

Thực chất của các quan hệ giao dịch trên thị trường tài chính là việc mua bán quyền sử dụng các nguồn tài chính thông qua hình thức bên ngoài là mua bán chứng khoán giữa các chủ thể có cung cầu về vốn với nhau. Chủ thể tham gia trên thị trường tài chính là những thể nhân hay những pháp nhân đại diện cho những nguồn cung và cầu về vốn, chủ yếu là các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty bảo hiểm... Chủ thể tham gia trên thị trường bao gồm cả người mua và người bán. Người mua quyền sử dụng nguồn tài chính trên thị trường tài chính là người đang có khó khăn tạm thời về vốn, người phát hành chứng khoán, người bán chứng khoán. Người bán quyền sử dụng nguồn tài chính trên thị trường tài chính là người có nguồn tài chính tạm thời nhàn rỗi, người mua chứng khoán, khi nhượng đi quyền sử dụng nguồn tài chính của mình, người bán quyền sử dụng nguồn tài chính nhận được những chứng khoán xác nhận việc bán đó và quyền lợi có liên quan đến việc bán quyền sử dụng nguồn tài chính đó.

Trên thị trường tài chính diễn ra việc mua đi, bán lại các chứng khoán đã lưu hành và việc mua bán có thể diễn ra nhiều lần. Tuy nhiên về cơ bản người mua chứng khoán vẫn là người có dư thừa vốn nhường lại quyền sử dụng vốn đó trong một thời gian để được quyền hưởng những khoản lợi tức nhất định, còn người bán chứng khoán vẫn là người cần vốn. Vì thế quan hệ mua bán lại chứng

khoán trên thị trường phản ánh sự thay đổi chủ sở hữu chứng khoán, phản ánh sự chuyển dịch quyền được hưởng các khoản lợi tức.

Tóm lại, đối tượng mua bán trên thị trường tài chính là mua bán quyền sử dụng nguồn tài chính ngắn hạn hoặc dài hạn còn đối tượng giao dịch cụ thể trên thị trường là các loại chứng khoán.

2.2 Công cụ của thị trường tài chính

Trên thị trường tài chính để thực hiện việc chuyển giao quyền sử dụng các nguồn tài chính người ta sử dụng các công cụ của thị trường tài chính. Các công cụ được sử dụng trên thị trường tài chính là các chứng khoán.

Theo luật chứng khoán số 70/2006 QH 11 của Quốc hội ngày 29/6/2006.

Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại sau đây:

* Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

* Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán.

- Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

- Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành.

- Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đại chúng.

- Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành kèm theo đợt phát hành cổ phiếu bổ sung nhằm bảo đảm cho cổ đông hiện hữu quyền mua cổ phiếu mới theo những điều kiện đã được xác định.

- Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng khoán được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong thời kỳ nhất định.

- Quyền chọn mua, quyền chọn bán là quyền được ghi trong hợp đồng cho phép người mua lựa chọn quyền mua hoặc quyền bán một số lượng chứng khoán được xác định trước trong khoảng thời gian nhất định với mức giá được xác định trước.

- Hợp đồng tương lai là cam kết mua hoặc bán các loại chứng khoán, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán nhất định với một số lượng và mức giá nhất định vào ngày xác định trước trong tương lai.

Tóm lại: Chứng khoán là chứng từ dưới dạng giấy tờ hoặc ghi trên hệ thống điện tử xác nhận các quyền hợp pháp của người sở hữu chứng khoán đối với tài sản hoặc vốn của tổ chức phát hành.

Trên thị trường tài chính đứng ở gốc độ khác nhau thì chứng khoán đem lại lợi ích như sau:

+ Đối với người sở hữu chứng khoán: Thứ nhất, làm phương tiện đầu tư để thu lời đối với những chủ thể có thừa nguồn tài chính; Thứ hai, sử dụng làm vật thế chấp, trả nợ tiền vay ngân hàng, hoặc có thể mua bán chuyển nhượng tuỳ theo sự quy định có tính pháp lý đối với thể thức của mỗi loại chứng khoán;

+ Đối với các chủ thể cần nguồn tài chính: Chứng khoán có công dụng làm phương tiện huy động, tập trung nguồn tài chính sử dụng cho những mục đích nhất định.

+ Đối với nền kinh tế: Chứng khoán còn là phương tiện để phân phối nguồn tài chính giữa các khu vực và các ngành trong nền kinh tế sử dụng có hiệu quả.

Qua đó giúp tập trung được nguồn vốn tiết kiệm chuyển thành nguồn vốn đầu tư nội lực của quốc gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống phúc lợi cho toàn xã hội.

• Căn cứ vào các tiêu thức khác nhau thì có các loại chứng khoán:

+ Căn cứ theo kỳ hạn huy động vốn: Chứng khoán ngắn hạn và chứng khoán trung và dài hạn. Chứng khoán ngắn hạn được sử dụng trên thị trường tiền tệ, còn chứng khoán trung và dài hạn được sử dụng trên thị trường vốn.

+ Căn cứ theo chủ thể phát hành: chứng khoán được chia thành 3 loại.

Chứng khoán chính phủ và chứng khoán chính quyền địa phương: Là các chứng khoán do chính phủ và chính quyền địa phương phát hành. Các chứng khoán này thường là các tín phiếu, trái phiếu được chính quyền địa phương và chính phủ đảm bảo thanh toán tiền gốc và lãi đã được xác định trước, thông qua khoản chi trả nợ vay của ngân sách Nhà nước. Do vậy loại chứng khoán này có mức độ tín nhiêm cao, ít bị rủi ro.

Chứng khoán của ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng: Loại chứng khoán này được phát hành nhằm huy động nguồn tài chính phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng, bao gồm: Chứng chỉ tiền gửi, các loại trái phiếu (ngắn hạn hoặc dài hạn), cổ phiếu.

Chứng khoán của các doanh nghiệp: Là chứng khoán của các doanh nghiệp công nghiệp, thương nghiệp... như cổ phiếu của công ty cổ phần, các loại trái phiếu của doanh nghiệp, thương phiếu.

+ Căn cứ theo lợi ích chứng khoán (theo tính chất thu nhập do chứng khoán đưa lại), chứng khoán được chia thành 2 loại:

Chứng khoán có thu nhập cố định: Là loại chứng khoán đảm bảo cho người sở hữu được hưởng phần thu nhập theo thoả thuận trước, không phụ thuộc vào kết quả hoạt động của người phát hành. Ví dụ: Các loại công trái, tín phiếu kho bạc, trái phiếu công ty...

Chứng khoán có thu nhập biến đổi: Là loại chứng khoán mà người sở hữu được hưởng phần thu nhập phụ thuộc vào kết quả hoạt động của người phát hành. Ví dụ: cổ phiếu của công ty cổ phần.

+ Căn cứ theo tính chất sử dụng nguồn vốn huy động: Chứng khoán có thể chia thành 2 loại

Chứng khoán sơ cấp: Là chứng khoán của các tổ chức, của chính phủ, của chính quyền các địa phương và của các doanh nghiệp phát hành bán lần đầu tiên.

Các chủ thể phát hành chứng khoán sơ cấp sẽ trực tiếp sử dụng nguồn tài chính huy động được do phát hành chứng khoán cho việc sản xuất kinh doanh hay cho các nhu cầu chi tiêu công cộng.

Chứng khoán thứ cấp: Là chứng khoán của các tổ chức tài chính, tín dụng phát hành. Các tổ chức này có được nguồn tài chính do phát hành chứng khoán thứ cấp sẽ sử dụng nó để mua các chứng khoán sơ cấp hoặc cho vay.

+ Căn cứ theo tính chất chứng khoán: Chứng khoán có thể chia thành 3 loại Chứng khoán vốn: Là chứng khoán xác nhận quyền sở hữu một phần công ty cổ phần. Chứng khoán vốn do các công ty cổ phần phát hành. Người sở hữu chứng khoán vốn là người sở hữu một phần công ty cổ phần và có quyền hưởng các khoản thu nhập của công ty.

Chứng khoán nợ: Là chứng khoán xác nhận một khoản nợ của người phát hành đối với người sở hữu chứng khoán. Chứng khoán nợ thể hiện sự cam kết của người phát hành sẽ thanh toán những khoản tiền lãi và tiền gốc vào những thời điểm nhất định.

Chứng khoán phái sinh: Là chứng khoán thể hiện quyền được mua cổ phiếu, trái phiếu theo những điều kiện nhất định đã được thoả thuận trước. Ví dụ: chứng quyền, chứng khế, hợp đồng tương lai, hợp đồng lựa chọn.

- Căn cứ theo tiêu chuẩn pháp lý:

+ Chứng khoán vô danh: Là chứng khoán không ghi tên người chủ sở hữu trên tờ chứng khoán. Việc chuyển nhượng loại chứng khoán này đơn giản, dễ dàng, không cần phải có các thủ tục pháp lý rườm rà.

+ Chứng khoán hữu danh: Là loại chứng khoán có ghi rõ họ tên người chủ sở hữu trên tờ chứng khoán đó. Việc chuyển nhượng loại chứng khoán này được thực hiện bằng thủ tục đăng ký tại cơ quan phát hành.

Một phần của tài liệu giáo trình kinh tế học của trường cao đẳng kinh tế kế hoạch đà nẵng (Trang 160 - 165)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(231 trang)
w