Dự toán ngân sách gắn với năm ngân sách, khi năm ngân sách này kết thúc lại bắt đầu một năm ngân sách mới nên hoạt động ngân sách có tính chu kỳ, hình thành nên các chu trình ngân sách liên tục.
Chu trình ngân sách Nhà nước là quá trình nối tiếp nhau bao gồm các khâu:
hình thành ngân sách, chấp hành ngân sách và quyết toán ngân sách.
1. Hình thành ngân sách Nhà nước
Hình thành ngân sách Nhà nước là quá trình bao gồm các công việc: lập ngân sách, phê chuẩn ngân sách và thông báo ngân sách. Trong chu trình ngân sách, lập ngân sách là công việc khởi đầu có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ các khâu của chu trình quản lý ngân sách Nhà nước.
Lập ngân sách Nhà nước thực chất là dự toán các khoản thu - chi của ngân sách trong một năm ngân sách.
Trong thực tế để phát huy vai trò tích cực của kế hoạch ngân sách, trong thực tiễn, khi lập ngân sách phải đáp ứng các yêu cầu nhất định:
- Bảo đảm việc xây dựng dự toán thu - chi ngân sách Nhà nước dựa trên hệ thống chế độ, chính sách và tiêu chuẩn định mức đúng đắn phù hợp với thực tiễn kinh tế - xă hội.
- Xây dựng dự toán thu chi ngân sách tiến hành đúng với trình tự và thời gian quy định.
- Bảo đảm mối quan hệ đúng đắn giữa kế hoạch hiện vật và kế hoạch giá trị thông qua việc thiết lập dự toán thu chi của ngân sách Nhà nước trong bối cảnh cung cầu giá cả có sự biến động.
Để dự toán ngân sách biến thành hiện thực khi lập dự toán phải dựa vào những căn cứ sau:
- Dựa vào phương hướng, chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của Đảng và Nhà nước trong năm tài chính và những năm sau.
- Lập dự toán ngân sách Nhà nước phải dựa vào hệ thống các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức thu - chi của ngân sách Nhà nước.
- Lập dự toán ngân sách Nhà nước phải căn cứ vào kết quả phân tích việc thực hiện dự toán ngân sách trong thời gian qua.
2. Chấp hành ngân sách Nhà nước
- Tổ chức chấp hành dự toán thu: Không ngừng bồi dưỡng phát triển nguồn thu, tìm mọi biện pháp động viên khai thác, đảm bảo tỷ lệ động viên chung mà Quốc hội đã phê chuẩn, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước đã được hoạch định trong dự toán chi. Để tổ chức chấp hành dự toán thu phải thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
+) Xác lập, hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ động viên thích hợp vừa đảm bảo khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo mức động viên của nhà nước.
+) Nâng cao công tác tuyên truyền chính sách, chế độ thu làm mọi người thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước.
+) Kiện toàn tổ chức bộ máy thu theo nguyên tắc thống nhất, nâng cao hiệu lực của bộ máy, đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả cao.
- Tổ chức chấp hành dự toán chi: Mục đích đảm bảo đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí của ngân sách cho hoạt động của bộ máy Nhà nước và thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội đã được hoạch định trong năm kế hoạch.
Để đạt được mục đích trên cần phải thực hiện các yêu cầu sau:
+) Thực hiện cấp kinh phí trên cơ sở thống nhất các định mức, tiêu chuẩn, bổ sung những định mức mới, xóa bỏ những định mức lạc hậu.
+) Bảo đảm việc cấp kinh phí theo theo kế hoạch được duyệt
+) Triệt để thực hiện nguyên tắc thanh toán trực tiếp, nghĩa là mọi khoản kinh phí chi trả từ ngân sách phải do Kho bạc trực tiếp thanh toán.
- Xây dựng dự toán thu - chi tháng, quý: Thực chất là kế hoạch tiến độ thực hiện nhiệm vụ của dự toán thu - chi năm.
3. Quyết toán ngân sách Nhà nước
Quyết toán ngân sách Nhà nước là khâu cuối cùng trong chu trình quản lý ngân sách Nhà nước. Thông qua quyết toán ngân sách Nhà nước cho thấy bức tranh toàn cảnh về hoạt động kinh tế - xã hội của Nhà nước trong thời gian qua.
Quyết toán ngân sách Nhà nước thực hiện các việc sau:
- Soát xét, kiểm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước thông qua số liệu kế toán, báo cáo kế toán tài chính của các đơn vị dự toán.
- Phê duyệt quyết toán và tổng quyết toán ngân sách Nhà nước theo báo cáo đã được cơ quan kiểm toán Nhà nước kiểm toán.
Để đáp ứng yêu cầu trên, cần tập trung cải tiến, hoàn thiện các công việc sau:
+) Soát xét lại toàn bộ chế độ hiện hành về kế toán và quyết toán Ngân sách, đảm bảo cho quyết toán nhanh gọn, chính xác trung thực.
+) Đổi mới quá trình lập, báo cáo phê chuẩn quyết toán và tổng quyết toán ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường trách nhiệm của các đơn vị, địa phương, nâng cao vai trò của cơ quan tài chính, chính phủ và quyền lực của Quốc hội.
+) Nâng cao vai trò của Quốc hội trong việc xem xét, phê chuẩn quyết toán và tổng quyết toán Ngân sách Nhà nước.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
1. Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm.
Ngân sách Nhà nước là hệ thống các quan hệ tài chính giữa Nhà nước và xã hội, gắn liền với quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Ngân sách nhà nước có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và trong hệ thống tài chính. Một là, ngân sách nhà nước có vai trò trong việc huy động nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước. Hai là, ngân sách nhà nước là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Ba là, ngân sách nhà nước có vai trò kiểm tra hoạt động của các khâu tài chính khác trong hệ thống tài chính.
2. Thu ngân sách nhà nước là quá trình nhà nước sử dụng quyền lực của mình huy động một bộ phận của cải xã hội dưới dạng tiền tệ để hình thành nên quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước. Các khoản thu của ngân sách nhà nước bao gồm các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí, thu từ lợi ích kinh tế của nhà nước, thu từ các khoản tự nguyện đóng góp, ủng hộ viện trợ… trong đó thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước.
3. Chi ngân sách nhà nước là quá trình phân phối và sử dụng quỹ ngân sách nhà nước theo những nguyên tắc nhất định cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Nếu theo tính chất và phương thức quản lý, chi ngân sách nhà nước bao gồm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và chi trả nợ gốc tiền do nhà nước vay. Nếu theo mục đích chi tiêu thì bao gồm chi cho tích lũy và chi cho tiêu dùng. Ngoài ra, người ta có thể phân loại chi ngân sách nhà nước theo lĩnh vực hoạt động.
4. Bội chi ngân sách nhà nước là tình trạng thu ngân sách nhà nước không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước. Bội chi kéo dài sẽ làm cho nợ công gia tăng, tạo sức ép đối với chính sách quản lý nợ và chèn ép đầu tư của
khu vực tư, áp lực gia tăng lạm phát...Vì vậy, để khống chế bội chi, Chính phủ có thể sử dụng các biện pháp như tăng thu, giảm chi; tiến hành vay nợ trong và ngoài nước hoặc phát hành tiền giấy. Mỗi một biện pháp đều có những ưu và hạn chế. Việc lựa chọn biện pháp khống chế bội chi phải được cân nhắc, lựa chọn cho hợp lý trong từng thời kỳ.
5. Hệ thống ngân sách Nhà nước là tổng thể các cấp ngân sách gắn bó hữu cơ với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách Nhà nước và được tổ chức theo một cơ cấu nhất định. Hệ thống ngân sách của Việt nam là một thể thống nhất bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Câu hỏi chương 2:
1. Phân tích vai trò của ngân sách nhà nước trong nền kinh tế thị trường?
2. Để gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, Chính phủ cần có những giải pháp nào?
3. Nêu các biện pháp quản lý chi thường xuyên của ngân sách nhà nước.
4. Phân tích tình hình cân đối ngân sách nhà nước tại Việt Nam trong những năm qua? Giải pháp tối ưu nào được Chính phủ sử dụng trong việc khắc phục bội chi ngân sách?
5. Nguyên tắc phân cấp quản lý ngân sách ở nước ta là gì?
CHƯƠNG III