Thị trường tiền tệ

Một phần của tài liệu giáo trình kinh tế học của trường cao đẳng kinh tế kế hoạch đà nẵng (Trang 171 - 179)

Thị trường tiền tệ là một bộ phận của thị trường tài chính được chuyên môn hóa đối với các nguồn tài chính được trao quyền sử dụng ngắn hạn.

Thị trường tiền tệ là một bộ phận của thị trường tài chính, là nơi diễn ra hoạt động mua bán quyền sử dụng các nguồn tài chính nhàn rỗi trong thời gian ngắn.

Thị trường tiền tệ là thị trường vốn ngắn hạn. Hoạt động của thị trường này chủ yếu diễn ra thông qua hoạt động của hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng, vì các ngân hàng thương mại là chủ thể quan trọng trong việc thu hút và cung cấp các nguồn vốn ngắn hạn.

Đối tượng của thị trường tiền tệ là quyền sử dụng các nguồn tài chính có thời hạn ngắn, (< 1 năm) nên thị trường tiền tệ cung ứng các nguồn tài chính có khả năng thanh toán cao và những người tham gia ít gặp rủi ro.

Thị trường tiền tệ có một số đặc điểm sau: Thời gian luân chuyển vốn ngắn;

công cụ của thị trường tiền tệ là các khoản vay hay các chứng khoán ngắn hạn trong thời hạn 1 năm, có độ an toàn cao, cung cấp lợi tức cho nhà đầu tư từ nguồn vốn tiết kiệm; hình thức tín dụng gián tiếp thông qua chủ yếu ngân hàng thương mại đóng vai trò người cho vay với người đi vay là tổ chức kinh tế, cá nhân...; Về phương diện tổ chức, thị trường tiền tệ không được tổ chức thành một nơi gặp gỡ trực tiếp giữa người cần vốn và người cung ứng vốn ở một nơi duy nhất. Thị trường tiền tệ thường được diễn ra ở những phòng giao dịch của các ngân hàng trong hệ thống vi tính, internet, thông tin liên lạc tinh vi hiện đại và liên lạc với khắp nơi. Điều này cho thấy phạm vi hoạt động của thị trường tiền tệ không thể tách rời hệ thống ngân hàng. Phạm vi hoạt động của thị trường tiền tệ chủ yếu trong hệ thống ngân hàng; Lãi suất trên thị trường tiền tệ bị ảnh hưởng bởi quan hệ cung – cầu tiền tệ và bởi chính sách can thiệp của ngân hàng trung ương.

2. Công cụ của thị trường tiền tệ

Trên thị trường tiền tệ có nhiều công cụ khác nhau

- Tín phiếu kho bạc: Là loại chứng nhận nợ ngắn hạn của Chính phủ do Kho bạc nhà nước phát hành nhằm bù đắp thiếu hụt tạm thời ngân sách Nhà nước. Đây là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện chính sách tiền tệ. Tín phiếu kho bạc được xem là công cụ tài chính có độ an toàn cao nhất trên

thị trường tiền tệ bởi vì hầu như không có khả năng vỡ nợ từ người phát hành.

Tuy nhiên mức lãi suất của nó thường thấp hơn các công cụ khác lưu thông trên thị trường tiền tệ. Tín phiếu kho bạc thường được phát hành theo từng lô bằng phương pháp đấu giá. Người mua chủ yếu là các ngân hàng, các công ty tài chính và các trung gian tài chính khác. Tín phiếu kho bạc được xem là công cụ có tính lỏng cao nhất trên thị trường tiền tề do nó được mua bán nhiều nhất. Vì vậy, tín phiếu kho bạc có độ an toàn cao, khối lượng phát hành lớn, có tính thanh khoản cao.

- Thương phiếu: Là chứng chỉ có giá ghi nhận lệnh yêu cầu thanh toán hay cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định trong một khoảng thời gian nhất định.

Thương phiếu có 2 loại:

+ Hối phiếu là tờ mệnh lệnh vô điều kiện do một người ký phát để đòi tiền người khác bằng việc yêu cầu người này, khi nhìn thấy hối phiếu, hoặc đến một ngày nhất định; hoặc đến một ngày có thể xác định trong tương lai, phải trả một số tiền nhất định cho người hưởng lợi quy định trên hối phiếu, hoặc theo lệnh của người này trả cho người khác; hoặc trả cho người cầm phiếu.

Hối phiếu thực chất là một phiếu ghi nợ do chủ nợ (người ký phát) lập ra để ra lệnh cho người thiếu nợ (người bị ký phát) trả một số tiền nhất định cho người thụ hưởng. Người thụ hưởng có thể là chủ nợ hoặc một người nào đó do chủ nợ chỉ định.

+ Lệnh phiếu: Là chứng chỉ có giá do người phát hành lập, cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời gian nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.

Lệnh phiếu thực chất là một phiếu nhận nợ do người thiếu nợ (người phát hành) lập ra để cam kết trả một số tiền nhất định cho người thụ hưởng khi có yêu cầu hoặc vào một thời gian nhất định.

Thương phiếu có đặc điểm: Thứ nhất: Mang tính trừu tượng. Thương phiếu không ghi rõ nguyên nhân dẫn đến quan hệ tín dụng, không nêu cụ thể nội dung nghiệp vụ gốc dẫn đến nợ mà chỉ có các yếu tố như tổng số tiền nợ, người được

hưởng, người nợ và thời hạn thanh toán; Thứ hai: Mang tính bắt buộc. Nghĩa vụ trả nợ theo thương phiếu là bắt buộc, được điều chỉnh theo pháp luật. Đến hạn thanh toán, người đi vay phải thanh toán ngay cho người thụ hưởng đầy đủ số tiền ghi trên thương phiếu một cách vô điều kiện mà không có quyền từ chối hay trì hoãn. Tính bắt buộc vô điều kiện của thương phiếu được pháp luật bảo hộ;

Thứ ba: Mang tính thanh khoản. Trong thời gian hiệu lực, thương phiếu được sử dụng như phương tiện thanh toán. Người sở hữu thương phiếu có thể chuyển thành phương tiện lưu thông như tiền bằng cách ký hậu chuyển nhượng, bán ra thị trường tiền tệ, chiết khấu tại các ngân hàng.

- Chứng chỉ tiền gửi ngân hàng

Chứng chỉ tiền gửi là một công cụ nợ do các ngân hàng phát hành, cam kết trả lãi định kỳ cho các khoản tiền gửi và sẽ hoàn trả vốn gốc (được gọi là mệnh giá của chứng chỉ) cho người gửi tiền khi đến ngày đáo hạn.

- Tín phiếu ngân hàng

Là chứng chỉ vay nợ do ngân hàng trung ương phát hành bán cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.

- Vốn dự trữ bắt buộc: Là khoản vốn mà các ngân hàng thương mại bắt buộc phải dự trữ dưới dạng tiền gửi ở ngân hàng trung ương. Đây là công cụ để ngân hàng thương mại này có thể vay ngân hàng thương mại khác thông qua hệ thống chuyển tiền của ngân hàng trung ương.

Ngoài ra, để mua bán trên thị trường tiền tệ, còn có các công cụ khác như các chấp phiếu ngân hàng, hợp đồng mua lại…

3. Các chủ thể tham gia trên thị trường tiền tệ

Theo nghĩa rộng chủ thể tham gia trên thị trường tiền tệ bao gồm chủ thể cho vay (cung về vốn) như ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác..., chủ thể đi vay (cầu về vốn) như ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, kho bạc nhà nước, chủ thể trung gian môi giới…

Theo nghĩa hẹp có nhiều chủ thể tham gia thị trường tiền tệ với những mục đích khác nhau, bao gồm:

Ngân hàng trung ương

Ngân hàng trung ương là chủ thể quan trọng trên thị trường tiền tệ, có nhiệm vụ cung cấp cho cả hệ thống ngân hàng thương mại khả năng thanh toán cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu chính sách kinh tế - xã hội. Ngân hàng trung ương giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại, điều tiết vĩ mô thị trường tiền tệ qua ba công cụ chủ yếu: Lãi suất tái cấp vốn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc và nghiệp vụ thị trường mở. Ngân hàng trung ương hoạt động với tư cách là người điều hoà hoạt động của thị trường tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ.

Các ngân hàng thương mại

Ngân hàng thương mại là chủ thể trung gian trên thị trường tiền tệ, vừa đóng vai trò là người huy động vốn để cải thiện tình hình vốn hoặc tăng vốn khi dự đoán nhu cầu vốn tăng, vừa đóng vai trò là người cho vay khi thực hiện huy động vốn tạm thời nhàn rỗi trong xã hội để đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Kho bạc Nhà nước

Kho bạc Nhà nước tham gia tại thị trường tiền tệ chủ yếu để vay nợ nhằm bù đắp sự thiếu hụt tạm thời của ngân sách Nhà nước và thực hiện chính sách tài khóa bằng cách phát hành tín phiếu kho bạc.

Người đầu tư

Người đầu tư gồm tổ chức tài chính tín dụng, tổ chức kinh tế xã hội và cá nhân với mục đích là bù đắp sự thiếu hụt tài chính, cho vay nguồn tài chính để kiếm lời, đề phòng rủi ro, duy trì khả năng thanh toán...

Nhà môi giới

Nhà môi giới là người trung gian giữa người mua và người bán chứng khoán, họ không có quyền mua bán chứng khoán cho chính bản thân mình mà chỉ hưởng hoa hồng khi thực hiện các dịch vụ.

4. Các bộ phận chủ yếu của thị trường tiền tệ Thị trường cho vay ngắn hạn trực tiếp

Bao gồm thị trường chính thức và không chính thức

- Thị trường chính thức là thị trường cho vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng theo những nguyên tắc và điều kiện nhất định.

- Thị trường không chính thức là thị trường cho vay nóng, chơi hụi giữa các doanh nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân dân cư. Thị trường không chính thức có tính rủi ro cao nên lãi suất rất cao.

Thị trường hối đoái giao dịch các loại ngoại tệ

Thị trường hối đoái là thị trường giao dịch các loại ngoại tệ, một bộ phận quan trọng trong kết cấu thị trường tiền tệ. Thị trường hối đoái là nơi mà các doanh nghiệp, các hộ gia đình và Nhà nước có thể mua bán, trao đổi hoặc vay mượn các nguồn tài chính bằng ngoại tệ. Thị trường hối đoái mang nét đặc trưng là tính quốc tế cao, hoạt động của nó đáp ứng những nhu cầu về thương mại, đầu tư ngắn hạn trên phương diện quốc tế. Đồng thời tạo điều kiện cho ngân hàng trung ương nhằm đảm bảo sức mua đối ngoại của đồng nội tệ.

Thị trường liên ngân hàng

Đây là thị trường dành cho các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trao đổi khả năng thanh toán cho nhau. Các thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng khi thiếu khả năng chi trả trong thanh toán bù trừ được Ngân hàng trung ương cho vay vốn để thanh toán. Các thành viên này được các thành viên khác ưu tiên cho vay để trả nợ vay thanh toán bù trừ và mở rộng tín dụng ngắn hạn. Đây là thị trường tín dụng ngắn hạn giữa các ngân hàng thương mại dưới điều hành của ngân hàng trung ương nhằm mục đích điều tiết vốn trong hệ thống ngân hàng thương mại.

- Thị trường chứng khoán ngắn hạn

Là thị trường mua bán các loại chứng khoán ngắn hạn như chứng chỉ tiền gửi ngân hàng, tín phiếu ngân hàng, tín phiếu kho bạc… Đây là thị trường các công cụ nợ ngắn hạn như tín phiếu kho bạc, thương phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, bao gồm cả thị trường phát hành và thị trường lưu hành.

Ngoài các bộ phận trên đây, thị trường tiền tệ có thể chuyển giao quyền sử dụng các nguồn tài chính ngắn hạn qua bộ phận thị trường mua lại các chứng khoán dài hạn sắp đến kỳ hạn thanh toán.

5. Các nghiệp vụ chủ yếu của thị trường tiền tệ - Nghiệp vụ cho vay vốn ngắn hạn

Nghiệp vụ này diễn ra chủ yếu giữa các ngân hàng thương mại thông qua hoạt động kinh doanh tiền tệ. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại có lúc rơi vào trạng thái tạm thời thừa vốn trong khi đó một số ngân hàng thương mại khác rơi vào tình trạng thiếu vốn tạm thời. Từ đó phát sinh quan hệ điều tiết vốn nhằm đảm bảo khả năng thanh toán giữa các ngân hàng thương mại. Khi ngân hàng thương mại không thoả mãn đủ nhu cầu vốn trong thanh toán thì được ngân hàng trung ương thực hiện người cho vay cuối cùng. Đây là nghiệp vụ cho vay vốn ngắn hạn của ngân hàng trung ương hoặc các tổ chức tín dụng có số dư tạm thời về nguồn vốn đối với các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp hay cá nhân đang có khó khăn tạm thời về nguồn vốn và được thực hiện thông qua những hình thức như: cho vay bằng tiền, cho vay dưới hình thức cầm cố, tái chiết khấu các chứng từ có giá.

Ngân hàng trung ương thực hiện việc cho vay vốn đối với các ngân hàng thương mại thông qua điều hành lãi suất tái chiết khấu, quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Qua đó thể hiện vai trò của ngân hàng trung ương trong việc điều hoà lượng tiền trong lưu thông; cụ thể là:

+ Quy định lãi suất tái chiết khấu: Ngân hàng trung ương có vai trò là ngân hàng của các ngân hàng, với tư cách là người cho vay cuối cùng đối với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Thông qua việc quy định lãi suất tái chiết khấu, ngân hàng trung ương có thể tác động đến khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác để điều hòa lưu thông tiền tệ. Nếu muốn tăng lượng tiền trong lưu thông, ngân hàng trung ương giảm lãi suất tái chiết khấu đối với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho các tổ chức này vay vốn của ngân hàng trung ương và cho vay lại để cung thêm vốn cho nền kinh tế. Nếu muốn giảm lượng tiền trong lưu thông, ngân hàng trung ương tăng lãi suất tái chiết khấu và do đó hạn chế khả năng huy động vốn để cho vay của ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.

+ Thay đổi mức dự trữ bắt buộc: Các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng phải ký quỹ bắt buộc tại ngân hàng trung ương với một tỷ lệ nhất định trên vốn điều lệ theo quy định của ngân hàng trung ương. Đây cũng chính là công cụ trực tiếp để ngân hàng trung ương điều hòa lượng tiền trong lưu thông bằng cách tác động đến nguồn vốn hoạt động của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Nếu muốn tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngân hàng trung ương giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, trường hợp muốn giảm khả năng cung ứng vốn của các tổ chức này thì làm ngược lại.

- Nghiệp vụ mua bán giấy tờ có giá ngắn hạn.

Nghiệp vụ này được thực hiện thông qua các trái phiếu ngắn hạn được phát hành từ thị trường tiền tệ sơ cấp và sẽ được tổ chức mua bán tại thị trường tiền tệ thứ cấp. Nghiệp vụ này phát sinh khi một số chủ thể kinh tế cần bổ sung vốn của ḿnh đã phát hành một lượng trái phiếu ngắn hạn ra thị trường và một số chủ thể khác muốn sinh lời từ nguồn vốn nhàn rỗi bằng cách mua các trái phiếu ngắn hạn. Giá mua bán các giấy tờ có giá ngắn hạn trên thị trường tiền tệ cũng chịu tác động của quan hệ cung cầu.

Bên cạnh đó còn có nghiệp vụ mua bán các loại giấy tờ có khác như:

thương phiếu thương mại, kỳ phiếu ngân hàng, các loại thư tín dụng... Đặc biệt phải kể đến nghiệp vụ hoạt động trên thị trường mở của ngân hàng trung ương.

Ngân hàng trung ương tham gia nghiệp vụ thị trường mở khi với tư cách là người trực tiếp mua, bán các loại chứng khoán ngắn hạn trên thị trường để điều tiết lượng tiền trong lưu thông. Nếu muốn tăng lượng tiền trong lưu thông, ngân hàng trung ương tham gia mua các loại chứng khoán trên thị trường để bơm vốn cho nền kinh tế, nếu muốn giảm lượng tiền trong lưu thông thì làm ngược lại.

Nghiệp vụ trên thị trường mở đã trực tiếp tác động đến khả năng cung ứng tín dụng của các ngân hàng thương mại làm ảnh hưởng đến khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế. Đây là công cụ quan trọng để ngân hàng trung ương điều tiết cung cầu về tiền tệ.

Một phần của tài liệu giáo trình kinh tế học của trường cao đẳng kinh tế kế hoạch đà nẵng (Trang 171 - 179)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(231 trang)
w