I. Những vấn đề cơ bản về bảo hiểm
2. Khái niệm và đặc điểm của bảo hiểm
Có rất nhiều khái niệm khác nhau về bảo hiểm được xây dựng dựa trên từng góc độ nghiên cứu xã hội, pháp lý, kinh tế, kĩ thuật, nghiệp vụ…)
Theo Dennis Kessler: Bảo hiểm là sự đóng góp của số đông vào sự bất hạnh của số ít.
Theo Monique Gaullier: Bảo hiểm là một nghiệp vụ qua đó, một bên là người được bảo hiểm cam đoan trả một khoản tiền gọi là phí bảo hiểm thực hiện mong muốn để cho mình hoặc để cho người thứ ba trong trường hợp xảy ra rủi ro sẽ nhận được một khoản đền bù các tổn thất được trả bởi một bên khác: đó là người bảo hiểm. Người bảo hiểm nhận trách nhiệm đối với toàn bộ rủi ro và đền bù các thiệt hại theo các phương pháp của thống kê.
Tập đoàn bảo hiểm AIG của Mỹ định nghĩa: Bảo hiểm là một cơ chế, theo cơ chế này, một người, một doanh nghiệp hay một tổ chức chuyển nhượng rủi ro cho công ty bảo hiểm, công ty đó sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm các tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm và phân chia giá trị thiệt hại giữa tất cả những người được bảo hiểm.
Luật Kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam (2000): Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Các khái niệm trên ít nhiều đã lột tả được bản chất của bảo hiểm trên các khía cạnh về rủi ro, sự chuyển giao rủi ro giữa người được bảo hiểm và người bảo hiểm thông qua phí bảo hiểm và số tiền bồi thường hoặc chi trả khi người được bảo hiểm gặp phải rủi ro tổn thất. Trên cơ sở các khía cạnh đó, khái niệm về bảo hiểm có thể được hiểu như sau: “Bảo hiểm là một hoạt động dịch vụ tài chính, thông qua đó một cá nhân hay một tổ chức có quyền được hưởng bồi thường hoặc chi trả tiền bảo hiểm nếu rủi ro hay sự kiện bảo hiểm xảy ra nhờ vào khoản đóng góp phí bảo hiểm cho mình hay cho người thứ ba. Khoản tiền bồi thường hoặc chi trả này do một tổ chức đảm nhận, tổ chức này có trách nhiệm trước rủi ro hay sự kiện bảo hiểm và bù trừ chúng theo quy luật thống kê”.
2.2. Bản chất của bảo hiểm
Mục đích chủ yếu của bảo hiểm là góp phần ổn định cuộc sống và sản xuất cho những người tham gia và kiến tạo nguồn vốn để phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Chính vì vậy, bản chất của bảo hiểm là quá trình phân phối lại tổng sản phẩm quốc nội giữa những người tham gia bảo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu về tài chính phát sinh khi rủi ro hay sự kiện bảo hiểm xảy ra với đối tượng bảo hiểm. Tuy nhiên, phân phối trong bảo hiểm chủ yếu là phân phối không đều
và phần lớn không mang tính bồi hoàn trực tiếp (loại trừ một số loại hình bảo hiểm như: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tiền hưu trí).
Ngoài ra, bản chất của bảo hiểm còn được thể hiện ở các khía cạnh cụ thể sau đây:
* Rủi ro và sự tồn tại rủi ro là nguồn gốc của bảo hiểm. Theo nghĩa thông dụng nhất, rủi ro là một biến cố gây thiệt hại và không mong đợi. Để đối phó với rủi ro, con người luôn phải tìm cách phòng vệ, bảo hiểm là một biện pháp khắc phục hậu quả của rủi ro một cách hữu hiệu nhất.
* Cơ chế chuyển giao rủi ro trong bảo hiểm được thực hiện giữa bên tham gia bảo hiểm và bên bảo hiểm thông qua các cam kết bảo hiểm. Theo nguyên tắc này, bên tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí, bên bảo hiểm cam kết bồi thường, chi trả khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
* Phí bảo hiểm mà bên tham gia bảo hiểm phải nộp trước khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Ngược lại, khoản chi trả của bên bảo hiểm đối với bên tham gia chỉ thực hiện sau khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
* Việc san sẻ, bù đắp tổn thất trong bảo hiểm được bên bảo hiểm tính toán và quản lý dựa vào số liệu thống kê rủi ro và tình hình tổn thất cũng như quỹ bảo hiểm mà họ thiết lập được dựa trên nguyên tắc số đông bù số ít.
* Bảo hiểm là một hoạt động dịch vụ tài chính chứ không phải là hoạt động kinh doanh sản xuất. Chính vì vậy, lợi ích của các bên phải được luật hoá rất cụ thể và vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là rất quan trọng và không thể thiếu được đối với mỗi quốc gia.
2.3. Các nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm
- Nguyên tắc chỉ bảo hiểm sự rủi ro, không bảo hiểm sự chắc chắn (Fortuity not certainty): Chỉ bảo hiểm một rủi ro xảy ra bất ngờ, ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của con người chứ không bảo hiểm một cái chắc chắn xảy ra.
- Nguyên tắc trung thực tuyệt đối (utmost good faith): Tất cả các giao dịch kinh doanh cần được thực hiện trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, trung thực tuyệt đối.
Cả người được bảo hiểm và người bảo hiểm đều phải trung thực trong tất cả các vấn đề.
- Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm (insurable interest): Quyền lợi có thể được bảo hiểm là lợi ích hoặc quyền lợi liên quan đến, gắn liền với, hay phụ thuộc vào sự an toàn hay không an toàn của đối tượng bảo hiểm. Nguyên tắc này chỉ ra rằng người được bảo hiểm muốn mua bảo hiểm phải có lợi ích bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm có thể là quyền lợi đã có hoặc sẽ có trong đối tượng bảo hiểm.
- Nguyên tắc bồi thường (indemnity): Theo nguyên tắc bồi thường, khi có tổn thất xảy ra, người bảo hiểm phải bồi thường như thế nào đó để đảm bảo cho người được bảo hiểm có vị trí tài chính như trước khi có tổn thất xảy ra, không hơn không kém. Các bên không được lợi dụng bảo hiểm để trục lợi.
- Nguyên tắc thế quyền (subrobgation): Theo nguyên tắc thế quyền, người bảo hiểm sau khi bồi thường cho người được bảo hiểm, có quyền thay mặt người được bảo hiểm để đòi người thứ ba trách nhiệm bồi thường cho mình.
2.4. Đặc điểm của bảo hiểm
2.4.1. Bảo hiểm là một loại dịch vụ đặc biệt
- Sản phẩm của bảo hiểm là sản phẩm vô hình, không giống như các hàng hóa khác. Người ta thường coi rủi ro là cơ sở của các hoạt động bảo hiểm, là nguồn phát sinh các hoạt động dự trữ bảo hiểm. Để bảo vệ mình, người tham gia bảo hiểm nộp phí cho nhà bảo hiểm, để đổi lấy lời hứa, cam kết của nhà bảo hiểm là sẽ trả tiền bảo hiểm khi rủi ro xảy ra. Như vậy, ở đây chỉ có cam kết từ 2 phía: nhà bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm. Sản phẩm ở đây chỉ là lời hứa mà thôi.
- Sản phẩm bảo hiểm là sản phẩm không mong đợi.
Không giống như những loại sản phẩm khác, khi mua một sản phẩm bảo hiểm thì người tham gia phải thanh toán một khoản phí cho người bảo hiểm nhưng họ chỉ thực sự nhận được giá trị sử dụng của sản phẩm đó khi họ có rủi ro thông qua số tiền bồi thường của bảo hiểm. Do vậy, khi tham gia bảo hiểm khách hàng không mong muốn nhận được số tiền chi trả từ bảo hiểm vì không ai muốn có rủi ro xảy ra đối với mình .
- Chu trình kinh doanh của bảo hiểm là chu trình đảo ngược. Chu trình kinh doanh doanh đảo ngược là sản phẩm được bán ra trước, doanh thu được thực hiện trước rồi sau đó mới phát sinh chi phí. Theo chu trình này, các tổ chức bảo hiểm nhận phí bảo hiểm trước và thực hiện nghĩa vụ sau với bên được bảo hiểm khi xảy ra sự cố bảo hiểm thực tế. Đặc điểm này tạo ra tính nhàn rỗi của vốn bảo hiểm, từ đó cho phép các tổ chức bảo hiểm có thể sử dụng chúng tham gia vào thị trường tài chính để sinh lời.
2.4.2. Bảo hiểm vừa mang tính bồi hoàn vừa mang tính không bồi hoàn (trừ Bảo hiểm nhân thọ)
Trong thời gian bảo hiểm, nếu không có rủi ro xảy ra thì người bảo hiểm không phải bồi thường hay trả tiền bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Ngược lại nếu xảy ra sự cố, thì bên mua bảo hiểm sẽ được bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
Như vậy, quan hệ giữa người bảo hiểm và người mua bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm vừa mang tính chất bồi hoàn, vừa mang tính chất không bồi hoàn. Đặc điểm này đã tạo ra tiền đề khách quan cho tính thương mại của hoạt động bảo hiểm. Nghĩa là khi không có rủi ro bảo hiểm xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi hoàn và phí bảo hiểm sẽ tạo ra thu nhập cho doanh nghiệp bảo hiểm.