III. Vốn kinh doanh của doanh nghiệp
2. Nguồn hình thành vốn kinh doanh của doanh nghiệp
Tùy theo loại hình doanh nghiệp và đặc điểm cụ thể, mỗi doanh nghiệp có thể có các phương thức tạo vốn và huy động vốn khác nhau. Có nhiều tiêu thức phân loại nguồn vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
2.1. Căn cứ vào phạm vi tài trợ
- Nguồn vốn bên trong: Là nguồn vốn có thể huy động từ hoạt động của bản thân doanh nghiệp bao gồm tiền khấu hao tài sản cố định, lợi nhuận để lại và các khoản dự trữ dự phòng, các khoản thu từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định…
- Nguồn vốn bên ngoài: Là nguồn vốn có thể huy động như vay vốn của ngân hàng và các tổ chức kinh doanh khác, phát hành trái phiếu, nợ người cung cấp, nguồn vốn liên doanh liên kết và các khoản nợ khác…
2.2. Căn cứ vào thời gian tài trợ
- Nguồn vốn tài trợ ngắn hạn: Tín dụng thương mại, các khoản chiếm dụng về tiền lương, tiền thuế, tín dụng ngắn hạn ngân hàng và các khoản phải trả khác...
- Nguồn vốn dài hạn: Tín dụng ngân hàng dài hạn, phát hành trái phiếu, huy động vốn góp cổ phần, liên doanh, bổ sung vốn từ lợi nhuận.
2.3. Căn cứ vào nguồn hình thành vốn
Để tiến hành sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần có vốn: vốn đầu tư ban đầu và vốn bổ sung để mở rộng sản xuất kinh doanh. Đối với một doanh nghiệp, vốn đầu tư được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau:
- Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước: Là nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước lúc mới hình thành doanh nghiệp. Đây là nguồn vốn được hình thành từ quỹ tích luỹ của ngân sách Nhà nước và được dùng vào mục đích chi phát triển kinh tế. Hiện nay, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp phát cho các doanh nghiệp Nhà nước có xu hướng giảm đáng kể cả về tỷ trọng và số lượng. Các doanh nghiệp Nhà nước phải chủ động bổ sung vốn bằng các nguồn tài trợ khác.
- Nguồn vốn chủ sở hữu: Là nguồn vốn do chủ đầu tư bỏ ra. Nguồn gốc của vốn chủ sở hữu đó là tiền để dành, tích luỹ được từ lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp hoặc huy động vốn cổ phần do phát hành cổ phiếu.
- Nguồn vốn liên doanh: Là những nguồn đóng góp theo tỷ lệ giữa các chủ đầu tư cùng kinh doanh và cùng hưởng lợi nhuận. Hình thức góp vốn liên doanh thích hợp với các công ty có quy mô nhỏ, tổ chức quản lý sản xuất và quản lý vốn, chia lãi đơn giản. Việc góp vốn liên doanh có thể được hình thành từ nhiều nguồn tuỳ theo từng loại hình doanh nghiệp.
- Nguồn vốn tín dụng: Là khoản vốn mà doanh nghiệp có thể vay dài hạn của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty bảo hiểm hoặc các tổ chức tài chính trung gian khác; huy động từ cán bộ công nhân viên làm việc trong doanh nghiệp; vay nước ngoài theo cơ chế tự vay, tự trả hoặc bằng hình thức doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn cho đầu tư kinh doanh.
2.4. Căn cứ vào tính chất sở hữu nguồn vốn
- Nguồn vốn chủ sở hữu: Là nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp.
Các loại hình doanh nghiệp khác nhau thì có nguồn vốn chủ sở hữu khác nhau chẳng hạn: nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp (đối với các doanh nghiệp nhà nước), nguồn vốn do chủ doanh nghiệp bỏ ra trong các doanh nghiệp tư nhân, nguồn vốn liên doanh, liên kết, nguồn vốn từ phát hành cổ phiếu; ngoài ra, nguồn vốn chủ sở hữu còn được bổ sung từ một số nguồn khác như lợi nhuận không chia, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ tài chính ...
+ Vốn đóng góp ban đầu của các chủ sở hữu: Khi doanh nghiệp mới được thành lập thì nguồn vốn chủ sở hữu hình thành vốn điều lệ do chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư góp vốn, được sử dụng để đầu tư, mua sắm các loại tài sản của doanh nghiệp. Cách thức huy động nguồn vốn chủ sở hữu đối với các loại hình doanh nghiệp khác nhau thì khác nhau, tùy theo đó là công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hay doanh nghiệp nhà nước.... Đối với công ty cổ phần, vốn pháp định là vốn do các cổ đông đóng góp và là yếu tố quyết định hình thành công ty. Trong doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp phải có đủ số vốn pháp định cần thiết để xin đăng ký thành lập doanh nghiệp.
+ Nguồn vốn tài trợ từ lợi nhuận sau thuế: Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp có thể tăng nguồn vốn chủ sở hữu bằng hình thức tự tài trợ từ nguồn lợi nhuận được bổ sung từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nguồn tài trợ này lệ thuộc rất nhiều vào quy mô lợi nhuận kiếm được trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Nguồn vốn tài trợ từ
lợi nhuận sau thuế góp phần làm tăng vốn tự có của doanh nghiệp. Vì vậy, vốn tự có của doanh nghiệp thường lớn hơn nhiều so với vốn pháp định, nhất là sau một thời gian hoạt động và mở rộng kinh doanh.
+ Nguồn vốn bổ sung bằng cách kết nạp thêm các thành viên mới: Khi cần mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc loại hình công ty có thể huy động thêm vốn, kêu gọi thêm các nhà đầu tư mới thông qua phát hành cổ phiếu mới. Tuy nhiên, phải được đại hội cổ đông cho phép và quy định của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
* Vai trò của nguồn vốn chủ sở hữu đối với quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Doanh nghiệp chủ động trong đầu tư lâu dài, không bị áp lực về thời gian sử dụng nguồn vốn. Doanh nghiệp chủ động hoàn toàn trong sản xuất, kịp thời đưa ra các quyết định, quyết sách trong kinh doanh để đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp mà không phải tìm kiếm và phụ thuộc vào nguồn vốn tài trợ.
+ Tạo ra năng lực tài chính mang lại sự an toàn, uy tín trong kinh doanh.
+ Tạo khả năng huy động các nguồn vốn khác.
* Hạn chế của nguồn vốn chủ sở hữu
+ Nguồn vốn chủ sở hữu thường bị hạn chế về quy mô nên không đáp ứng mọi nhu cầu về vốn cho sản xuất kinh doanh.
+ Việc sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu không chịu sức ép chi phí sử dụng vốn và có thể thiếu sự kiểm tra, giám sát hoặc tư vấn của các chuyên gia, các tổ
chức như trong sử dụng nguồn vốn đi vay, do đó có thể hiệu quả sử dụng vốn không cao.
- Các khoản nợ phải trả: Là nguồn vốn mà doanh nghiệp khai thác, huy động từ các chủ thể khác qua vay nợ, thuê mua, ứng trước tiền hàng... Doanh nghiệp được quyền sử dụng tạm thời trong một thời gian sau đó phải hoàn trả cho chủ nợ.
+ Theo tính chất và thời hạn thanh toán gồm có các loại sau:
Nợ ngắn hạn: Là các khoản nợ mà doanh nghiệp phải trả cho chủ nợ trong một thời gian ngắn, bao gồm các khoản như: vay ngắn hạn, phải trả cho người bán, người mua trả tiền trước, thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước, các khoản phải trả, phải nộp khác...
Nợ dài hạn: Là các khoản vốn mà doanh nghiệp nợ các chủ thể khác trên một năm phải hoàn trả, bao gồm vay dài hạn cho đầu tư phát triển, nợ thuê mua tài sản cố định, phát hành trái phiếu.
+ Theo hình thức tài trợ, nợ phải trả chia thành:
(1) Nguồn vốn tín dụng ngân hàng
Nguồn vốn vay ngân hàng là một trong những nguồn vốn quan trọng nhất không chỉ đối với sự phát triển của bản thân doanh nghiệp mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế. Sự hoạt động và phát triển của công ty, các doanh nghiệp đều gắn liền với các dịch vụ tài chính do ngân hàng thương mại cung cấp, trong đó
có việc cung ứng các nguồn vốn tín dụng. Ngân hàng thương mại cung cấp vốn tương ứng với thời gian và quy mô mà doanh nghiệp có nhu cầu.
Ưu điểm của nguồn vốn tín dụng ngân hàng:
+ Làm tăng vốn kinh doanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho đầu tư.
+ Lãi tiền vay được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh, nên có sự
chia sẻ về lợi ích kinh tế giữa các nhà đầu tư và nhà nước.
+ Các ngân hàng không chi phối trực tiếp sự quản lý và điều hành kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi sử dụng phương thức tài trợ này yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo cho số tiền vay. Nghĩa là doanh nghiệp phải có khả năng thanh toán cho ngân hàng đúng hạn. Vì vậy, số tiền cho vay không phải là vô hạn. Quy mô vốn vay phụ thuộc vào mức độ tín nhiệm của người đi vay.
(2) Tín dụng thương mại: Nguồn vốn này được hình một cách tự nhiên trong quan hệ mua bán chịu, mua bán trả chậm hay trả góp. Nguồn vốn tín dụng thương mại là một phương thức tài trợ rẻ, tiện dụng và linh hoạt trong kinh doanh, mặt khác nó còn tạo khả năng mở rộng các quan hệ hợp tác kinh doanh một cách lâu bền. Chi phí sử dụng vốn vay của các nguồn vốn tín dụng thể hiện qua lãi suất của các khoản vay, còn tín dụng thương mại thì chi phí lãi vay sẽ
được tính ngay vào giá thành sản phẩm hay dịch vụ. Khi mua bán hàng hóa trả
chậm chi phí này có thể ẩn dưới hình thức thay đổi mức giá.
(3) Huy động phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Tùy theo từng loại hình doanh nghiệp, mà luật pháp cho phép các doanh nghiệp được quyền phát hành trái phiếu để huy động vốn. Trái phiếu là các giấy vay nợ dài hạn và trung hạn bao gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu công ty.
Tuy nhiên không phải trái phiếu nào cũng hấp dẫn đối với công chúng. Chỉ có doanh nghiệp có uy tín, kinh doanh có hiệu quả thì mới có khả năng huy động
được vốn thông qua kênh này. Việc lựa chọn trái phiếu thích hợp là rất quan trọng vì liên quan đến chi phí trả lãi, cách thức trả lãi, khả năng lưu hành và tính hấp dẫn của trái phiếu. Hiện nay thường lưu hành những loại trái phiếu công ty như sau: Trái phiếu có lãi suất cố định; trái phiếu có lãi suất thay đổi; trái phiếu có thể thu hồi; trái phiếu chuyển đổi.
(4) Các nguồn vốn chiếm dụng hợp pháp: Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền thuế chưa nộp, các khoản phải thanh toán khác...
* Vai trò của các nguồn vốn nợ phải trả trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
- Việc huy động các nguồn vốn này là quan trọng đối với doanh nghiệp để
đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh.
- Thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng vốn tiết kiệm và hiệu quả vì nguồn vốn này phải chịu sức ép về chi phí sử dụng vốn vay, thời hạn hoàn trả.
- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tranh thủ chiếm dụng sử dụng các khoản nợ phải trả trong thời hạn cho phép, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và
nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong kinh doanh.
* Hạn chế của nguồn vốn nợ phải trả:
- Doanh nghiệp phụ thuộc vốn vay, tốn kém về chi phí, về thời gian.
- Trong trường hợp không tính toán chính xác và thận trọng, hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi lãi suất tiền vay.