IV. Chi phí sản xuất kinh doanh, giá thành sản phẩm, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp
1. Chi phí sản xuất kinh doanh
1.1. Khái niệm và nội dung của chi phí sản xuất kinh doanh
1.1.1. Khái niệm
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra trên các lĩnh vực sản xuất, xây dựng cơ bản, thương mại dịch vụ,… là để sản xuất và cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng nhằm thu được lợi nhuận. Để đạt mục tiêu kinh doanh, nhất thiết các doanh nghiệp phải bỏ ra những chi phí nhất định.
Các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ bao gồm chi phí cho việc sản xuất sản phẩm như chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hao mòn máy móc thiết bị, công cụ, dụng cụ, trả lương,… Ngoài ra doanh nghiệp còn phải chi phí cho việc tiêu thụ sản phẩm và các chi phí bằng tiền khác.
Như vậy, chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền toàn bộ các hao phí về vật chất và lao động mà doanh nghiệp bỏ ra để sản xuất kinh doanh trong một thời kỳ nhất định.
1.1.2.. Nội dung của chi phí sản xuất kinh doanh: Gắn liền với các hoạt động của doanh nghiệp phi tài chính. Chi phí bao gồm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh và chi phí hoạt động khác.
- Chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm: Chi phí hoạt động sản xuất tiêu thụ sản phẩm và chi phí hoạt động tài chính.
* Chi phí hoạt động sản xuất tiêu thụ sản phẩm là tất cả các loại chi phí liên quan đến việc sản xuất tiêu thụ sản phẩm, bao gồm:
Chi phí sản xuất: Là chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để chế tạo sản phẩm. Chi phí sản xuất gồm: Chi phí nguyên vật liệu được sử dụng trực tiếp để chế tạo sản phẩm trong kỳ; chi phí nhân công trực tiếp sản xuất sản phẩm; chi phí phục vụ sản xuất phát sinh trong quá trình chế tạo sản phẩm ở phân xưởng sản xuất bao gồm: Chi phí vật liệu, dụng cụ sản xuất; Chi phí khấu hao tài sản cố định thuộc bộ phận sản xuất; Chi phí nhân viên phân xưởng; Chi phí dịch vụ mua ngoài;...
Chi phí bán hàng: Là chi phí phát sinh trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Chi phí bán hàng bao gồm: Chi phí lưu thông liên quan tới bảo quản, đóng gói, vận chuyển, bốc xếp, bán hàng...; Chi phí tiếp thị gắn liền với việc đẩy mạnh khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường; Chi phí giới thiệu sản
phẩm (quảng cáo, tham gia hội chợ, chào hàng), bảo hành, khuyến mại, hội nghị khách hàng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp là chi phí bỏ ra để duy trì hoạt động của bộ máy quản lý doanh nghiệp (ban giám đốc và các phòng ban), gồm chi phí quản lý kinh doanh, chi phí quản lý hành chính và các chi phí khác. Chi phí quản lý doanh nghiệp bao gồm những chỉ tiêu sau: Chi phí vật liệu, đồ dùng văn phòng; Chi phí khấu hao tài sản cố định ở bộ phận quản lý; Chi phí nhân viên quản lý; Thuế, phí, lệ phí như thuế môn bài, thuế nhà đất...
* Chi phí hoạt động tài chính là các khoản chi phí đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp nhằm mục đích sử dụng hợp lý các nguồn vốn, tăng thêm thu nhập và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và phân tán rủi ro của doanh nghiệp, bao gồm: Chi phí liên doanh, liên kết; Chi phí cho thuê tài sản; chi phí mua bán cổ phiếu, trái phiếu, kể cả các khoản tổn thất trong đầu tư;
Khoản dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán; Chi phí trả lãi vay cho số vốn huy động trong kỳ; Giá trị ngoài tệ bán ra, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; Chi phí chiết khấu thanh toán cho người mua hàng hóa, dịch vụ thanh toán tiền trước hạn; Chi phí khác liên quan đến hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
- Chi phí hoạt động khác: Đây là các khoản chi phí do các sự kiện hay các nghiệp vụ riêng biệt với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mang lại. Các khoản chi phí này xảy ra không thường xuyên, không đem lại doanh thu cho doanh nghiệp. Gồm những khoản chi phí sau: Chi phí thanh lý, nhượng bán tài sản cố định; Chi phí về tiền phạt do vi phạm hợp đồng kinh tế, chi phí về thu tiền phạt; Việc thu hồi các khoản nợ đã xoá sổ kế toán; Các khoản chi phí khác...
Nghiên cứu chi phí có ý nghĩa trong việc tính toán đúng kết quả kinh doanh (lãi, lỗ), tránh hiện tượng lãi giả lỗ thật do không hạch toán đầy đủ chi phí. Đồng thời giúp tính giá thành sản phẩm để từ đó phát hiện nguyên nhân dẫn đến chi phí bất hợp lý để có biện pháp khắc phục và để xác định giá bán. Các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc quản lý chi phí, tiết kiệm chi phí, bởi vì nếu chi phí không hợp lý, không đúng với thực tế đều gây ra những trở ngại trong quản
lý và làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, quản lý chi phí trong doanh nghiệp có vai trò sau:
- Quản lý chặt chẽ chi phí sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí từ đó hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận.
- Quản lý chi phí giúp doanh nghiệp tính được giá thành sản phẩm một cách chính xác để đưa ra giá bán đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp mà vẫn có thể cạnh tranh với đối thủ khác trên thị trường.
- Quản lý chi phí và sử dụng hiệu quả chi phí sẽ hạn chế và ngăn chặn được những khoản chi phí không hợp lý, chống lãng phí.
Biện pháp quản lý chi phí trong doanh nghiệp
- Tính toán trước mọi chi phí sản xuất kinh doanh kỳ kế hoạch.
- Xây dựng được ý thức thường xuyên tiết kiệm để đạt được mục tiêu kinh doanh mà doanh nghiệp đề ra.
- Phân biệt rõ các loại chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với từng loại chi phí đó.