II. Nội dung của ngân sách Nhà nước
3. Cân đối ngân sách Nhà nước
Cân đối ngân sách Nhà nước là một trong những cân đối vĩ mô quan trọng của nền kinh tế, phản ánh sự điều chỉnh mối quan hệ tương tác giữa thu và chi ngân sách Nhà nước nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế- xã hội mà Nhà nước đã đề ra ở tầm vĩ mô cũng như trong từng lĩnh vực và địa bàn cụ thể.
Mối tương quan giữa thu và chi ngân sách Nhà nước trong một năm tài chính được biểu hiện qua 3 trạng thái sau:
- Ngân sách Nhà nước cân bằng (cân đối): Nhà nước huy động nguồn thu vừa đủ để trang trải nhu cầu chi tiêu.
- Ngân sách Nhà nước bội thu (thặng dư): Thu ngân sách Nhà nước lớn hơn chi ngân sách Nhà nước.
- Ngân sách Nhà nước bội chi (thâm hụt): Chi ngân sách Nhà nước lớn hơn thu ngân sách Nhà nước.
Bội thu hay bội chi ngân sách Nhà nước không hẳn là biểu hiện của tình trạng kinh tế tốt hay xấu. Song bội chi ngân sách Nhà nước là tình trạng được quan tâm đặc biệt. Bởi vì nó biểu hiện cho sự thiếu hụt nguồn lực so với nhu
cầu, có tác động đa chiều đối với nền kinh tế và chứa đựng nhiều mâu thuẫn nội tại. Bội chi kéo dài sẽ làm cho nợ công gia tăng, tạo sức ép đối với chính sách quản lý nợ và chèn ép đầu tư của khu vực tư, áp lực gia tăng lạm phát...
Nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước Việt Nam:
Thực hiện cân đối ngân sách Nhà nước có thể tiến hành theo một trong hai nguyên tắc sau.
Nguyên tắc thứ nhất:
Thu ngân sách nhà nước (không kể khoản vay nợ) – Chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước > 0
Nguyên tắc thứ hai
Thu ngân sách Nhà nước – Chi thường xuyên = Chi đầu tư + Chi trả nợ Theo các nguyên tắc này, thu ngân sách Nhà nước không bao gồm các khoản vay nợ của Nhà nước. Việc loại bỏ các khoản vay ra khỏi khoản thu ngân sách Nhà nước nhằm phản ánh đúng số thực thu của Nhà nước, thể hiện chính xác số bội chi và tỷ lệ bội chi, nhằm tránh sự lẫn lộn giữa thực tế thu và số đi vay để chi của Nhà nước. Thu ngân sách Nhà nước chủ yếu từ thuế phí lệ phí và các khoản thu ngoài thuế khác trước hết phải đảm bảo cho nhu cầu chi thường xuyên và còn để chi đầu tư phát triển và trả nợ.
Cân đối ngân sách nhà nước là một trong các nội dung cơ bản nhất của nền tài chính quốc gia và là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự ổn định lành mạnh cho nền tài chính quốc gia. Theo luật ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 thì Ngân sách nhà nước phải được cân đối theo nguyên tắc tổng thu về thuế, phí và lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và dành một phần tích luỹ ngày càng cao cho đầu tư phát triển. Bội chi được bù đắp bằng nguồn vay nợ trong và ngoài nước.
Ngân sách địa phương được cân đối theo nguyên tắc tổng số chi không vượt quá tổng số thu.
Cân đối ngân sách Nhà nước xảy ra khi tổng thu ngân sách bằng với tổng chi ngân sách. Bội chi ngân sách là số chênh lệch giữa chi lớn hơn thu. Bội chi ngân sách có thể xảy ra do thay đổi chính sách thu chi của ngân sách Nhà nước
gọi là bội chi cơ cấu. Bội chi ngân sách có thể xảy ra do thay đổi của chu kỳ kinh tế gọi là bội chi chu kỳ.
Tuy nhiên số thu ngân sách Nhà nước có hạn, trong khi đó, nhu cầu chi của Nhà nước không ngừng tăng lên dẫn đến bội chi ngân sách Nhà nước. Bội chi ngân sách, cùng với lạm phát trở thành phổ biến đối với hầu hết các quốc gia với những mức độ khác nhau:
Bội chi ngân sách Nhà nước trên quy mô lớn được coi là một nguyên nhân trực tiếp gây ra lạm phát có thể tạo ra những tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống các tầng lớp nhân dân...
Các giải pháp khống chế bội chi, kiềm chế lạm phát gồm các giải pháp sau:
(1) Các giải pháp kích cầu nền kinh tế: tăng thu giảm chi ngân sách Nhà nước.
(2) Vay nợ trong và ngoài nước để bù đắp bội chi (phát hành trái phiếu, tín phiếu...)
(3) Phát hành tiền giấy để bù đắp
Xét 3 giải pháp trên, trước hết, nếu Chính phủ phát hành tiền giấy để chi tiêu cho ngân sách Nhà nước vượt quá yêu cầu lưu thông tiền giấy sẽ làm giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng lên, lạm phát xảy ra. Thứ hai, vay nợ là giải pháp tối ưu.
Nhưng nếu đầu tư không hiệu quả có thể dẫn đến tình trạng không trả được nợ, khi đó phải tăng thuế hoặc vay nợ mới để trả nợ cũ. Vấn đề này tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng tài chính và suy giảm uy tín của quốc gia. Vì vậy, khi tiến hành vay nợ, Nhà nước nên cân nhắc qui mô vay, lựa chọn hình thức vay, lãi suất vay, các điều kiện kèm theo của các khoản vay, tổ chức quản lý sử dụng có hiệu quả tiền vay … Như vậy, tăng thu giảm chi là giải pháp tốt nhất để cân đối ngân sách Nhà nước nhằm ổn định hình hình tài chính vĩ mô. Tuy vậy, việc tăng thu và giảm chi đều có giới hạn. Việc tăng thu ngân sách phải nằm trong mức chịu đựng của nền kinh tế, Chính phủ tăng thu bằng các biện pháp khai thác mọi nguồn thu, thay đổi và áp dụng các sắc thuế mới nhưng đồng thời phải có chế độ bồi dưỡng, nuôi dưỡng nguồn thu, chính sách thuế mới phải mang tính khuyến
khích, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế. Đối với giảm chi, có những khoản chi cắt giảm được, nhưng cũng có những khoản chi không thể cắt giảm, nếu cắt giảm quá mức, xét về lâu dài sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường cho tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị xã hội.
Như vậy, giải pháp để có nguồn bù đắp thâm hụt ngân sách Nhà nước hợp lý là kết hợp tăng thu, giảm chi và các nguồn vay nợ trong, ngoài nước. Xét về lâu dài, để giảm tỷ lệ bội chi, cải thiện tình trạng thâm hụt thì Nhà nước cần phải đảm bảo tính hợp lý của các khoản thu và tính hiệu quả của các khoản chi.