Tham gia Kế hoạch hành động tập thể (CAP)

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ: Quan hệ hợp tác giữa các khối nước trong diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với Việt Nam qua trường hợp khối Bắc Mĩ và khối ASEAN (1998 - 2005) (Trang 46 - 49)

CHệễNG 1 DIỄN ĐÀN HỢP TÁC KINH TẾ CHÂU Á – THÁI BÌNH

1.2. HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆT NAM TRONG APEC

1.2.2. HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆT NAM TRONG APEC

1.2.2.2. Tham gia Kế hoạch hành động tập thể (CAP)

CAP là các chương trình hành động chung trên tất cả các lĩnh vực của IAP của các thành viên APEC, chủ yếu tập trung vào việc tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Các hoạt động tiêu biểu trong CAP bao gồm nghiên cứu chính sách, tổ chức các cuộc hội thảo để phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức, các hoạt động phục vụ trực tiếp cho doanh nghiệp như hài hoà các tiêu chuẩn, đơn giản hoá các thủ tục hải quan, cải tiến các qui định về đi lại của doanh nhân...

Các hoạt động của CAP cũng được triển khai trong 15 lĩnh vực như IAP.

Khi gia nhập APEC, và trước đó, Việt Nam cũng tham gia vào các Kế hoạch hành động tập thể của diễn đàn này. Do các lĩnh vực hợp tác trong CAP quá rộng, cho nên, Việt Nam chỉ tham gia vào hai lĩnh vực hợp tác chính là tiêu chuẩn và chứng nhận hợp chuẩn (SCSC) và thủ tục hải quan (SCCP).

Hợp tác về tiêu chuẩn và chứng nhận hợp chuẩn:

Việt Nam chủ yếu tham gia vào các hoạt động:[55,tr163]

Thứ nhất, là hài hoà hoá các tiêu chuẩn của Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế theo danh mục ưu tiên hài hoà hoá trong APEC. Đến nay, Việt Nam đã hài hoà hoá trên 1200 tiêu chuẩn quốc gia với các tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam tham gia vào Thoả thuận công nhận lẫn nhau về chứng nhận hợp chuẩn đối với các thiết bị điện - điện tử. Hiện nay, APEC chỉ mới triển khai phần 1, và đang xem xét khả năng thực hiện phần 2 của chương trình này, do đó, Việt Nam cũng chỉ tham gia vào những hoạt động mà APEC đã triển khai trong giới hạn đó. Hiện nay, Việt Nam cũng xem xét khả năng tham gia vào các thoả thuận công nhận lẫn nhau về an toàn thực phẩm, đồ chơi....

Ngoài ra, trong lĩnh vực này, Việt Nam cũng đãtham gia vào các dự án của APEC về nâng cao năng lực kỹ thuật cho các phòng thí nghiệm về chất lượng và đo lường...

Hợp tác trong lĩnh vực thủ tục hải quan

Hợp tác hải quan là một trong những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong tiến trình tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại trong APEC. Do đó, mục tiêu chủ yếu của chương trình hành động tập thể trong lĩnh vực này là nhằm đơn giản hoá và thực hiện hài hoà các thủ tục hải quan ở các nền kinh tế thành viên APEC, tạo điều kiện cho hàng hoá được thông quan nhanh chóng với thủ tục đơn giản, gọn, nhẹ.

Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu mà Việt Nam tham gia gồm:

- Xây dựng hệ thống tự động hóa hải quan: là hoạt động hưởng ứng chương trình Thương mại phi giấy tờ của APEC với mục tiêu thực hiện vào năm 2005 - 2010. Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển công nghệ thông tin trong toàn ngành hải quan giai đoạn 2001 - 2005

- Tham gia Công ước Kyoto sửa đổi

- Chuẩn bị cho việc áp dụng phương pháp xác định trị giá hải quan theo Hiệp định trị giá hải quan của GATT/WTO ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO

- Tham gia vào một số nội dung mới được đưa vào CAP là liêm chính hải quan, đánh giá tình hình thực hiện các CAP trong lĩnh vực thủ tục hải quan. Việt Nam đã thực hiện việc rà soát và chấn chỉnh công tác cán bộ theo hướng chống tham nhũng, chống tham ô, hối lộ..., nghiên cứu xây dựng bộ quy tắc ứng xử của cán bộ hải quan. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thực hiện việc điều chỉnh và cải tiến qui trình hải quan để giảm thiểu sự phiền hà quấy nhiễu khách hàng, đồng thời, việc công khai hoá các qui định, qui trình, nghiệp vụ để khách hàng biết và giám sát công việc của ngành hải quan cũng được tiến hành.

- Tham gia một số chương trình hỗ trợ kỹ thuật dài hạn của APEC: các quy định về quyền khiếu kiện, các qui định về phân loại hàng hoá tiên tiến, các

qui định về tạm nhập (Công ước Istabul) tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá tạm nhập, tái xuất...

Ngoài hai lĩnh vực chủ yếu trên, Việt Nam cũng tham gia vào một số chương trình hợp tác khác trong việc thực hiện CAP như: bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nhân trong APEC, xây dựng chính sách cạnh tranh, giải quyết tranh chấp...[76]

Quyền sở hữu trí tuệ:

Trong thời đại khoa học và công nghệ, thời đại của nền kinh tế tri thức, các sản phẩm trí tuệ ngày càng có giá trị và sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại không ngừng gia tăng. Do đó, chương trình hành động tập thể về quyền sở hữu ttrí tuệ của APEC nhằm mục đích bảo vệ một cách hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ của các nhà sáng chế và sản xuất trong khu vực.

Ở lĩnh vực này, Bộ khoa học công nghệ và môi trường Việt Nam đã xây dựng và thông qua CAP về sở hữu trí tuệ. Việt Nam cũng phối hợp với Australia tổ chức hội thảo về bảo vệ công nghệ sinh học và tham gia các dự án, hội thảo, hội nghị liên quan.

Sự lưu chuyển của doanh nhân:

Đây là chương trình hợp tác khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân trong khu vực được tự do đi lại và thực hiện công việc kinh doanh của mình trong tất cả các nền kinh tế thành viên APEC.

Thông qua các hoạt động trao đổi thông tin và văn bản pháp lí về xuất nhập cảnh, cư trú của doanh nhân nước ngoàivới một số thành viên APEC, thoả thuận miễn thị thực xuất nhập cảnh hoặc hợp tác về chính sách thị thực với một số nước, Việt Nam cũng đã tích cực tham gia vào hoạt động này. Việt Nam chuẩn bị tham gia vào chương trình Thẻ đi lại của doanh nhân APEC.

Chính sách cạnh tranh:

Chương trình này được APEC đưa ra nhằm cải thiện hơn nữa môi trường cạnh tranh trong khu vực và tối đa hoá hiệu quả của các hoạt động giao dịch thương mại thông qua các phương pháp như xây dựng thêm hoặc duy trì , củng cố các chính sách cạnh tranh, các luật lệ và biện pháp triển khai có hiệu quả, bảo

đảm tính minh bạch của các luật lệ chính sách và thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên.

Chính phủ Việt Nam cũng đã cử nhiều đoàn cán bộ tham dự các hội thảo, các khoá tập huấn về cạnh tranh, góp phần nâng cao trình độ cho cán bộ. Với môi trường cạnh tranh được cải thiện, chúng ta hi vọng sẽ góp phần bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các nhà sản xuất và các nhà kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng.

Thương mại điện tử:

Bộ Thương mại Việt Nam đã thành lập Ban Thương mại điện tử để nghiên cứu và xây dựng đề án cho việc triển khai thương mại điện tử ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ: Quan hệ hợp tác giữa các khối nước trong diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với Việt Nam qua trường hợp khối Bắc Mĩ và khối ASEAN (1998 - 2005) (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(199 trang)