CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ NHỮNG YẾU TỐ RỦI RO VÀ NHỮNG YẾU TỐ BẢO VỆ TRONG VIỆC HÌNH THÀNH RỦI RO VÀ NHỮNG YẾU TỐ BẢO VỆ TRONG VIỆC HÌNH THÀNH
1.1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ở nước ngoài
Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại từ những năm giữa thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI đã và đang tác động đến mọi mặt trong đời sống kinh tế xã hội của con người, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội đã nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của con người, đưa loài người bước sang một nền văn minh mới, văn minh trí tuệ. Chính nền văn minh trí tuệ đã đòi hỏi con người càng phải nâng cao trình độ học thức chuyên môn, trình độ văn hoá, tổ chức, làm thay đổi thói quen, tập tục lỗi thời. Những thay đổi này đã khiến cho con người phải chịu nhiều áp lực rất lớn về tâm lý cũng như phải gánh chịu những hậu quả từ những thành tựu mà cuộc cách mạng này mang lại. Chẳng hạn, tỷ lệ người bị căng thẳng ở nơi làm việc, lo âu, trầm cảm, tỷ lệ người tự tử do phá sản, người nghiện trò chơi trực tuyến, nghiện cờ bạc, bạo lực nơi làm việc...ngày càng tăng.
Những vấn đề của xã hội cũng đã và đang là vấn đề xảy ra ở học đường. Học sinh ngày nay đi học đang gặp phải rất nhiều yếu tố rủi ro. Các em đang bị áp lực về học tập nên dễ dàng dẫn đến sự căng thẳng, lo âu, trầm cảm; học sinh cũng dễ dàng bị hấp dẫn bởi các chất kích thích luôn có sẵn ngoài xã hội, những trò chơi trực tuyến trên mạng vốn hấp dẫn hơn rất nhiều so với việc học ở trường… Vì vậy ở học đường ngày càng xảy ra tình trạng bạo lực, nghiện trò chơi trực tuyến, học sinh phạm pháp, học sinh bỏ học, nghiện chất kích thích… Đây là những vấn đề của tất cả các trường học trên thế giới khiến cho các nhà tâm lý học, giáo dục học, xã hội học, công tác xã hội… phải tìm cách nghiên cứu nguyên nhân để tìm ra giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng này ở trường học. Chính từ hoàn cảnh này mà các câu hỏi thường được các nhà nghiên cứu đặt ra là: “Học sinh đi học ở trường sẽ gặp những yếu tố rủi ro nào? Có những yếu tố nào hỗ trợ hay bảo vệ các em để chống
lại yếu tố rủi ro? Những đặc điểm tâm lý gì được hình thành khi học sinh gặp phải những yếu tố rủi ro và yếu tố bảo vệ?”… Do đó, những vấn đề lý luận mà hiện nay các nhà học giả trên thế giới đang quan tâm là cần phải xác định được “những yếu tố rủi ro” (A.S. Masten, 1994) mà học sinh hay gặp phải và phải xác định được
“những yếu tố bảo vệ” (David Howe, 1997) để giúp các em “hình thành được khả năng vượt khó” (M. Ungar, 2004), từ đó học sinh mới có thể thành công ở học đường.
Những yếu tố rủi ro và những yếu tố bảo vệ trong việc hình thành khả năng vượt khó của học sinh là vấn đề đã được các nhà tâm lý học, giáo dục học, xã hội học…
trên thế giới quan tâm nghiên cứu từ cách đây hai thập kỷ, vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Ngày nay kết quả những công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài về vấn đề này đã tạo ra một kho tàng kiến thức rất có giá trị trong việc phòng chống và ngăn ngừa những vấn đề xảy ra trong trường học, như tình trạng học sinh phạm pháp, bạo lực học đường, bỏ học, lạm dụng chất kích thích, tình trạng nghiện trò chơi trực tuyến… Có nhiều học thuyết của các tác giả khác nhau đã được hình thành, chẳng hạn, thuyết tội phạm học của Ronald L. Akers and Christine S. Sellers (2004), Mô hình phát triển xã hội (Arthur, Hawkins, et al., 1994, Hawkins, Catalano, Miller, 1992), Thuyết khả năng vượt khó (Adrian DuPlessis VanBreda, 2001), Thuyết những yếu tố rủi ro và những yếu tố bảo vệ của thanh thiếu niên phạm tội (R. Loeber and D.P. Farrington, 2001).
Bên cạnh đó cũng có nhiều nghiên cứu của các học giả thế giới về mối liên hệ giữa yếu tố rủi ro với những hậu quả mà nó mang lại. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh có mối liên hệ giữa những yếu tố rủi ro của học sinh với những hành vi bạo lực học đường, chơi game, lạm dụng tình dục, sử dụng các chất kích thích, thuốc lá, và rượu (A. J. Zautra, J. S. Hall & K. E. Murray, 2010). Từ thập niên 1970 của thế kỷ XX, nhà tâm lý học Garmezy (1973) là người đầu tiên nghiên cứu về “những yếu tố bảo vệ” và “khả năng vượt khó” của học sinh khi bị bệnh và ảnh hưởng của bệnh tật với thành tích học tập của học sinh. Năm 1982, Emmy Werner đã tìm hiểu khả
năng vượt khó của học sinh khi có hoàn cảnh gia đình nghèo, cha/ mẹ là những người bệnh tâm thần. Từ thập niên 1990 của thế kỷ XX và cho đến nay, các nhà tâm lý học sử dụng khái niệm vượt khó để nghiên cứu tình trạng sức khỏe tinh thần của học sinh trong trường học (A.S. Masten, 1994). Vượt khó là khái niệm mô tả một học sinh được mong đợi thành công một cách xuất sắc trong học tập, thậm chí bản thân phải trải nghiệm những khó khăn làm cản trở cho sự phát triển của mình.
Những yếu tố rủi ro làm cản trở thành tích học tập của học sinh như: sự nghèo khó của gia đình, điều kiện kinh tế thấp, cha mẹ không có khả năng lao động. Những yếu tố rủi ro này có thể khiến cho học sinh có nhận thức không đúng về môi trường sống trong xã hội và có thể tự mình thực hiện những hành vi nguy hiểm cho bản thân như đánh nhau, nghiện ngập, có hành vi bạo lực với bạn bè, nghiện games (S.
S. Luthar & D. Cicchetti, 2000). Nghiên cứu của các nhà tâm lý học còn tập trung vào tìm hiểu những yếu tố bảo vệ và sự phát triển khả năng vượt khó của học sinh theo từng lứa tuổi, đặc biệt là tuổi vị thành niên (A. S. Masten & J. Obradovic, 2006). Một số nghiên cứu cho thấy khi học sinh đang phải đối diện với những yếu tố rủi ro (chẳng hạn: bị bạn xấu lôi kéo, gia đình nghèo…) và lại có yếu tố bảo vệ (chẳng hạn: giáo viên rất quan tâm đến học sinh, có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường,…) nên đã hình thành khả năng vượt khó, do đó em học sinh đó không có những hành vi có vấn đề và phát triển nhân cách tốt. Hơn nữa, các em còn trở nên tích cực hơn và có trách nhiệm với xã hội. Những thành tích tốt này là kết quả của những yếu tố bảo vệ như có cha mẹ tốt hay chính những học sinh đó có những trải nghiệm tích cực ở trường học (M. Ungar, 2004; và A. J. Zautra, J. S. Hall
& K. E. Murray, 2010).
Từ thành tựu trong việc xây dựng những lý thuyết nền móng cho đến những công trình nghiên cứu lý luận để xác định những yếu tố rủi ro và yếu tố bảo vệ và việc hình thành khả năng vượt khó của học sinh, các nhà nghiên cứu đã tiến đến áp dụng nghiên cứu vào thực tiễn bằng việc xây dựng những bảng điều tra để tìm hiểu thực trạng những yếu tố bảo vệ và yếu tố rủi ro trong việc hình thành khả năng vượt khó của học sinh phổ thông (A. Dawes & D. Donald, 2000). Hiện nay, ở nhiều nước
trên thế giới, các nhà quản lý giáo dục đã coi việc khảo sát toàn diện hiện trạng các vấn đề nảy sinh ở trường học là việc làm bắt buộc và được áp dụng ở mọi cấp học.
Những số liệu thu được từ các cuộc khảo sát hàng năm sẽ giúp cho các nhà quản lý giáo dục, các nhà chính trị biết được tình hình học đường, hiện trạng những vấn đề đang xảy ra trong học đường (như tình trạng nghiện games, sử dụng chất kích thích, bạo lực học đường,…). Từ đó có thể đưa ra được các giải pháp để cải thiện tình trạng học đường và xây dựng những chính sách đầu tư phù hợp cho giáo dục (B.
Leadbeater, D. Dodgen & A. Solarz, 2005).
1.1.2. Ở Việt Nam
Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) đã chính thức đưa ra khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội khẳng định: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đường lối chiến lược nhất quán, là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hơn 10 năm qua, kể từ khi Việt Nam bước vào thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu đáng mừng. Tuy nhiên, mô hình kinh tế này đã không thay đổi động lực xã hội của xã hội Việt Nam và làm tăng nhanh những căng thẳng lên gia đình, cộng đồng và trường học. Kết quả của những thay đổi này là học sinh trải nghiệm những áp lực cả ở gia đình và trường học. Do đó thường dẫn đến sự gia tăng số lượng học sinh gặp khó khăn trong học tập, tâm lý và hành vi. Nghiên cứu của Nguyễn Anh Hà và đồng nghiệp (2007) đã cho thấy có 90% học sinh Việt Nam trải nghiệm những khó khăn trong học tập; khó khăn duy trì các mối quan hệ tích cực với cha mẹ, giáo viên và bạn bè; và việc lựa chọn nghề nghiệp (Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Thanh Hương và Trần Văn Tuấn, 2007). Hơn nữa với những mối quan hệ trong học tập vè nghề nghiệp, có hơn 7 triệu học sinh phổ thông gặp những vấn đề về sức khỏe tinh thần như: trầm cảm, lo âu, và những rối nhiễu tâm lý (Nguyễn Hà Anh và đồng nghiệp, 2007). Những áp lực xã hội để có được thành tích học tập cao có thể là một trong những yếu tố khiến cho những vấn đề về sức khỏe tinh thần tăng lên. Khi có hơn 97% cha mẹ muốn con của họ có điểm trung bình về học tập ở nhà trường cao hơn
mức trung bình; có 64.92% học sinh sống trong nỗi lo lắng triền miên khi thành tích học tập dưới mức trung bình và lời trách mắng của cha mẹ, hay giáo viên khiến cho có đến 28.4% học sinh có trải nghiệm ăn không ngon miệng, mệt mỏi và căng thẳng (Hoàng Giang Tâm, 2005).
Bạo lực học đường và những tác hại do game trực tuyến gây ra cũng là mối lo ngại không chỉ của giáo viên mà còn của những nhà quản lý giáo dục và cả xã hội ở Việt Nam. Theo ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng vụ Học sinh - Sinh viên của Bộ Giáo dục & Đào tạo, có 8000 trường hợp học sinh đánh nhau được báo cáo từ 38 tỉnh thành trong thời gian những năm 2003 – 2010. Bà Đỗ Thị Hải, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Những vấn đề môi trường và xã hội, thừa nhận rằng bạo lực học đường là do học sinh thiếu các kỹ năng sống. Một nghiên cứu trên 1000 học sinh cho thấy có 95% không có kỹ năng sống, 77.7% học sinh chưa từng được học kỹ năng sống và 76.4% cần được học kỹ năng sống và lo lắng phải đối diện với những vấn đề mà các em gặp trong cuộc sống (VietnamNet, 2010).
Từ tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước ở trên cho thấy những vấn đề xảy ra ở học đường ngày này ở các nước đều tương tự như nhau, không phân biệt học đường ở nước phát triển cũng như của nước đang phát triển.
Tuy nhiên mức độ xảy ra những vấn đề học đường này (tình trạng bạo lực học đường, nghiện trò chơi trực tuyến, bỏ học, phạm pháp, nghiện chất kích thích…) có thể khác nhau tùy theo điều kiện kinh tế, giáo dục, đặc điểm văn hóa và truyền thống dân tộc ở mỗi nước.
Nghiên cứu về yếu tố rủi ro, yếu tố bảo vệ và hình thành khả năng vượt khó của học sinh là những nghiên cứu mới được phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua trên thế giới. Những nghiên cứu này được nảy sinh do sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, do ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại. Chính vì xuất phát từ yêu cầu thực tế mà những vấn đề lý luận của nghiên cứu đã nhanh chóng được áp dụng để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn.
Những vấn đề học đường ở Việt Nam chúng ta mới được các nhà nghiên cứu thực sự quan tâm chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây khi báo chí liên tục cảnh báo về
tình trạng bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh, tình trạng nghiện trò chơi trực tuyến….Tuy nhiên các nghiên cứu chỉ tập trung vào từng mảng riêng biệt trong những vấn đề xảy ra ở học đường, như: nghiên cứu về những khó khăn trong học tập, nghiên cứu về định hướng nghề nghiệp, tình trạng bạo lực học đường, nghiện game… nên chưa xây dựng được một bức tranh chung về thực trạng những vấn đề học đường hiện nay.
Các nghiên cứu trong nước cũng ít đề cập đến những vấn đề lý luận có tính tổng thể của những vấn đề xảy ra ở học đường mà hiện nay các nhà nghiên cứu ngoài nước đang quan tâm. Hầu như chưa có nghiên cứu nào đưa ra những khái niệm về “yếu tố rủi ro”, “yếu tố bảo vệ”, và “hình thành khả năng vượt khó” vào trong nghiên cứu của mình. Chính vì vậy các nghiên cứu trong nước chưa có đủ cơ sở lý luận vững chắc để giải thích nguyên nhân cơ bản của vấn đề để từ đó có thể đề ra được những giải pháp triệt để cho những vấn đề cần giải quyết.