2. Phân loại và miêu tả
2.23. Phương thức vi phạm tiền giả định
ở chương 1, chúng tôi đã trình bày khá rõ về tiền giả định, cũng như quan hệ giữa nó với nghĩa hàm ngôn. Tiền giả định là cái có trước, cái hiển nhiên đúng kể cả khi phát ngôn bị phủ định.
Ví dụ: Trời tạnh rồi.
Câu trên có tiền giả định là trước đó trời mưa, khi phủ định: "Trời chưa tạnh" thì tiền giả định vẫn không thay đổi.
Tuy nhiên, trong giao tiếp, nếu vi phạm tiền giả định hoặc bắt đầu từ một tiền giả định sai thì phát ngôn sẽ sai. Dĩ nhiên, dù vô tình hay cố ý thì câu nói đó cũng chứa đựng hàm ngôn.
a) Phương thức vi phạm tiền giả định
Ví dụ: Tết năm ấy. Có một cán bộ ở một bộ nọ đến thăm, chúc Tết nhà thơ Thanh Tịnh. Ông ta như lạc vào thế giới của quá khứ, cứ ngơ ngẩn hết hỏi đến cái lư đồng này thời nào, lại hỏi pho tượng vũ nữ nọ nguồn gốc
Đến trước bàn thờ, người khách hỏi: ảnh trên đây có phải là thân sinh ra bác không?
Thanh Tịnh kính cẩn: Dạ phải. Đấy là bố tôi! Người khách hỏi tiếp: Cụ nhà khoẻ chứ?
Thanh Tịnh điềm nhiên đáp: Dạ cụ khoẻ vĩnh viễn ! Người khách tỏ vẻ vui mừng miệng lẩm bẩm: Tốt! Tốt!
Thanh Tịnh buồn rầu trước câu hỏi ngớ ngẩn của người khách...
(Chuyện đố nhịn được cười- tr.100).
Ông khách vi phạm tiền giả định, vì người có ảnh trên bàn thờ thì không thể nào đưa ra câu hỏi: "Cụ nhà khoẻ chứ?" được. Nhưng thông qua đó, chuyện muốn phê phán những cán bộ vô tâm, quan liêu trong công việc, cái gì cũng "Tốt! Tốt!" mặc dù không biết nó như thế nào.
b) Phương thức dùng tiền giả định sai
Như trên đã nói, tiền giả định là cái có trước khi nói câu nói đó, là cái luôn luôn đúng ngay cả khi câu nói bị phủ định. Thế nhưng có những câu nói lại bắt đầu từ một tiền giả định sai. Đây cũng là một phương thức tạo hàm ngôn khá phổ biến trong tiếng Việt.
Ví dụ: Thế có ghê không
Cũng lại hai anh nói khoác gặp nhau. Một anh nói:
- Đời tớ gặp rất nhiều chuyện nguy hiểm! Một lần tớ gặp một con hổ dữ, tay không, đánh nhau với nó hàng nửa ngày. Nhưng rồi cuối cùng tớ bị con hổ xé ra từng mảnh nhỏ. Thế có ghê không?
Anh khi nói: Chưa ghê bằng tớ! Một lần tớ gặp con trăn. Nó đớp được hai chân tớ nuốt gần hết, tớ giang thẳng hai cánh tay ra ngáng lại. Nhưng đến phút cuối cùng, vừa đau vừa mỏi, tớ đành buông xuôi hai tay cho nó nuốt tụt vào bụng rồi gọi người làng ra cứu [18,168].
Nói khoác là "nói những điều qúa xa sự thật, quá xa những gì mình đã có làm hoặc có thấy, để người ta phục mình" [Từ điển tiếng Việt- Hoàng Phê].
Hai anh trong truyện cũng nói khoác nhưng những điều nói khoác đó không những không khiến cho người ta nể phục mà lại làm cho người ta buồn cười vì những điều họ nói bắt nguồn từ một tiền giả định sai: Không có ai mà bị hổ xé ra từng mảnh mà còn sống, cũng không có ai trăn nuốt vào trong bụng rồi còn gọi người ra cứu được. Điều phi lí này chứng tỏ rằng cả hai anh đều là những tay nói phét siêu hạng cũng như dốt không ai bằng!
Lại xét ví dụ khác: Có nuôi được không
Một anh, vợ có thai hơn bảy tháng đã đẻ ra đứa con trai. Anh ta sợ nuôi không được, gặp ai cũng hỏi.
Một hôm, gặp người bạn, người bạn an ủi:
- Không can gì mà ngại. Bà tôi sinh ra bố tôi cũng đẻ non trước hai tháng đấy!
Anh kia giật mình hỏi lại:
- Thế à! Rồi có nuôi được không? [111,33].
Cũng có thể xếp hàm ngôn này vào phương thức vi phạm lô gích. Bởi vì, nếu không nuôi được sao lại có con... Điều dễ cảm thấy là trong văn bản này có lẽ do quá hồi hộp, quá lo sợ mà người hỏi quên hết cái lô gích sờ sờ "trước mặt".