Chức năng của ý nghĩa hàm ngôn

Một phần của tài liệu phương thức tạo hàm ngôn trong truyện cười Tiếng Việt (Trang 45 - 47)

6. Cấu trúc của luận văn

1.3. Chức năng của ý nghĩa hàm ngôn

Chúng ta thử đặt câu hỏi: tại sao trong giao tiếp, người ta không muốn truyền báo điều mình cần nói bằng lối nói hiển ngôn mà mà lại thích dùng lối nói hàm ngôn? Phải chăng với lối nói hàm ngôn, người nói thông báo được nhiều hơn điều mình muốn nói? Hay là để làm tăng sức thuyết phục cho lời nói của mình? Dù cho với mục đích gì đi chăng nữa, chúng ta cũng phải thừa nhận vai trò quan trọng của ý nghĩa hàm ngôn trong giao tiếp. Sau đây là một số chức năng của ý nghĩa hàm ngôn:

1.3.1. Vì lí do khiêm tốn

Khiêm tốn là "có ý thức và thái độ đúng mực trong đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người" [Từ điển tiếng Việt- Hoàng Phê].

Trong quan điểm về phép lịch sự, Leech đã cụ thể hoá nguyên tắc lịch sự trong sáu phương châm, trong đó có phương châm khiêm tốn:

"Giảm tối thiểu việc khen ta, tăng tối đa việc chê ta". Chỉ có như thế mới bảo toàn sự cân bằng xã hội và tình thân giữa người nói và người nghe.

Khiêm tốn là một quy tắc chi phối quan hệ liên cá nhân trong hội thoại. Tuy nhiên, nếu tự đề cao mình bị coi là không lịch sự thì chê mình quá nhiều cũng được coi là không lịch sự. Vì cái tôi tự tôn vinh và cái tôi miệt thị đều không nhận được thiện cảm của người khác.

Người Việt Nam vốn khéo léo và tế nhị, cho nên phương châm này được áp dụng thường xuyên trong giao tiếp.

Khi làm cỗ mời khách, ta thường nghe những câu mời đại để như: - Mời bác xơi bữa cơm rau (dù trong mâm không hề có đĩa rau nào!). Hoặc khi ai đó gửi con cái ở nhờ nhà người khác, thường dặn dò như: - Cháu nó còn nhỏ dại chưa biết gì, nhờ bác bày vẽ cho (mặc dù có khi "cháu" đã sắp đến tuổi lấy chồng).

Tuy nhiên, nếu quá khiêm tốn, đôi khi lại trở thành khách sáo, giả dối. Hoặc người ta giả vờ khiêm tốn để nhằm mục đích khác.

Ví dụ trong câu chuyện "Đối thoại giữa thầy học và chủ nhà", chủ nhà muốn thầy thông cảm vì nhà không thuê được người ở nên muốn nhờ thầy làm tất cả những việc vặt như: quét dọn, đóng mở cửa, đi chợ... Thầy đồng ý nhưng lại nói chủ nhà thông cảm vì mình chưa từng được đi học, là "người vô học".

Trong câu chuyện trên, ai cũng là người khiêm tốn. Chủ nhà khiêm tốn bày tỏ cái gia cảnh "bấn bí" của mình nên hàng ngày chỉ có "cơm rau muối". Đó là cách nói quen thuộc của người Việt Nam, không có gì đáng bàn. Nhưng khi chủ nhà nói về việc "nhà neo người, không có đứa ở" để nhờ thầy "quét tước, đóng mở cửa hàng ngày", rồi lại "thỉnh thoảng ra chợ mua những thứ nhỏ nhặt thường dùng" là lối nói có hàm ý. Bởi những công việc ấy (và cả cách ăn uống ấy) chỉ dành cho đứa ở mà thôi. Chủ nhà đã không coi trọng thầy, coi thầy như đứa ở.

Vì thế mà thầy đồ cũng rất khiêm tốn khi nhận rằng: "Từ bé đến giờ chưa bao giờ được đi học" và vì không được đi học nên thầy nhận mình là "kẻ vô học". Không cần nói rõ, thì "kẻ vô học" thầy nhắc đến kia chắc chắn không ai khác mà chính là chủ nhà. Lời thầy khiêm tốn mà thâm thuý biết bao!

Một phần của tài liệu phương thức tạo hàm ngôn trong truyện cười Tiếng Việt (Trang 45 - 47)