2. Phân loại và miêu tả
2.11. Phương thức đánh tráo khái niệm
Trong giao tiếp, người ta thường dùng cách đánh tráo khái niệm để tạo hàm ngôn, để ngụy biện. Tức là lúc đầu dùng từ ngữ để trỏ một khái niệm này nhưng sau lại dùng nó để chỉ cho một khái niệm khác.
Ví dụ: Thay đổi cách gọi
Một người đàn ông phải ra hầu toà vì bị một nữ bá tước tố cáo vì đã gọi bà ta là "con lợn". Toà xử tội ông và buộc ông phải bồi thường danh dự cho người đàn bà đó.
Sau khi quan toà tuyên án, người đàn ông hỏi:
- Thế có nghĩa là tôi không được gọi nữ bá tước là con lợn? - Tuyệt đối không!
- Nhưng nếu tôi gọi một con lợn nào đó là nữ bá tước thì có được không ạ? - Tất nhiên- Quan toà nghĩ đến hàng trăm nữ bá tước và đáp.
Người đàn ông lập tức quay sang nữ bá tước và nói: - Xin tạm biệt "nữ bá tước"! [111,21].
Người đàn ông đã dùng phương pháp đánh tráo khái niệm trong câu hỏi: "Nhưng nếu tôi gọi một con lợn nào đó là nữ bá tước có được không?". Khi được quan toà đồng ý, tức là có thể gọi bất kì con lợn nào là nữ bá tước, thậm chí là công nương, là hoàng hậu cũng được vì đó là những danh từ chung để xưng hô. Khi nói như vậy thì không hề nói đến một người cụ thể nào. Nhưng khi anh ta nói: "Xin chào nữ bá tước" thì anh ta đã hàm ý gọi nữ bá tước là "con lợn".
Có nhiều cách đánh tráo khái niệm khác nhau: a)Đánh tráo khái niệm để làm thay đổi luận đề
Ví dụ: Có một người rất giàu có nhưng lại rất tiết kiệm. Ngược lại, cậu con trai của ông ta thì lại ăn chơi phóng túng, chẳng nghề ngỗng gì cả. Có người hỏi:
- Hai cha con ông chẳng giống nhau tí nào. Con trai ông thì sung sướng như thế mà sao ông lại sống khổ sở như thế?
- Con trai tôi có ông bố là triệu phú nên mới sung sướng, còn tôi đâu có được cái diễm phúc đó.
Nhà triệu phú đã đánh tráo khái niệm "tôi" sang "bố của con trai tôi" để giải thích cho cái sự "khổ sở" của mình.
b) Đánh tráo khái niệm để tạo luận đề mơ hồ
Là việc người nói cố tình dùng những luận đề mơ hồ để người nghe lầm lẫn, không phân biệt đúng sai.
Ví dụ: Ai có chồng ai không
Một gã đàn ông hỏi cậu bé:
- Lớn lên cháu thích làm nghề gì nào? - Cháu sẽ làm nhà sinh lí học.
- Thế cháu có năng khiếu gì về ngành ấy không?
- Tất nhiên là có. Chú có nhìn thấy hai phụ nữ đang ăn kem kia không? Một cô mút còn một cô cắn ăn, theo chú cô nào có chồng cô nào chưa nào?
- Hừm... chú nghĩ cô mút...
- Thế nhưng theo cháu thì cô có chồng là cô đeo nhẫn cưới trên tay cơ. Còn chú, cháu khuyên chú nên đến gặp nhà sinh lí học đi. (Anh Côi - tr.17)
Để chứng minh rằng mình có thể trở thành một nhà "sinh lí học", cậu bé đã đưa ra một tiền đề mơ hồ: "cô cắn" và "cô mút" để cho gã đàn ông mặc sức liên tưởng... Thế nhưng lời giải đáp của cậu bé lại chẳng ăn nhập đến vấn đề "cắn" hay "mút" cả.