2. Phân loại và miêu tả
2.5. Phương thức tỉnh lược
"Tỉnh lược là bỏ đi một thành phần chức năng trong câu, nguyên tắc của tỉnh lược là không làm phương hại đến sự trọn vẹn của thông báo, sự chính xác của các sở chỉ. Tác dụng của tỉnh lược có thể là tiết kiệm lời, là tránh lặp gây nặng nề, nhưng tác dụng chủ yếu của nó là thực hiện sự liên kết tạo mạch lạc cho câu và tổ hợp câu" [93, 96].
Trong giao tiếp lời nói, tỉnh lược là một hiện tượng phổ biến. Người nói và người nghe có thể lâm thời bỏ qua một số yếu tố đã xuất hiện trước đó. Bởi vì hoàn cảnh giao tiếp sẽ cho phép họ xác lập được một phân đoạn thông báo. Tuy nhiên mức độ và giá trị của tỉnh lược trong các tình huống rất khác nhau, tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố.
Ví dụ: Thấy dễ mà thèm
Thường thường những người nghiện, năm bảy ngày mới đi đại tiện một lần mà đi thì táo lắm.
Anh nghiện kia, ra đồng ngồi rặn mãi, ì ạch chảy cả nước mắt nước mũi mà vẫn không ra. Dường bứt rứt lấy làm khổ quá, chợt thấy có một anh đi đường rẽ xuống bờ ruộng, phát đánh xoẹt một bãi to tướng rồi kéo quần đứng dậy đi liền.
Anh nghiện về nhà hậm hực bảo vợ rằng:
- Hôm nay, tao trông thấy cái thằng nó ỉa mà tao thèm!...
(Mai Ngọc Thanh - tr. 285)
Tất nhiên ai cũng nhận ra rằng lí do làm cho người ta cười là nằm ở câu nói của anh nghiện với vợ. Cái cấu trúc đã bị tỉnh lược làm lệch hướng đối tượng quy chiếu. Anh nghiện "Trông người lại ngẫm đến ta", cho nên cái mà anh ta "thèm" là muốn cũng được như cái anh đi qua đường. Nhưng sự tỉnh lược không đúng chỗ trong câu nói đó đã dẫn đến một sự chuyển di tai hại về ngữ nghĩa khiến cho chúng ta phải bật cười.