Dùng biện pháp tách từ ngữ

Một phần của tài liệu phương thức tạo hàm ngôn trong truyện cười Tiếng Việt (Trang 71 - 73)

2. Phân loại và miêu tả

2.1.6. Dùng biện pháp tách từ ngữ

Tách từ là tách các hình vị trong một tổ hợp nhằm tạo ra sự bất ngờ về cách kết hợp, từ đó tạo ra sự bất ngờ trong nhận thức của người tiếp nhận. Nhờ bất ngờ mà người nghe, người đọc chú ý đến điều định nói ra hơn khi nó được diễn đạt một cách bình thường.

a) Tách tổ hợp từ ghép, tổ hợp từ láy thành những từ đơn mang ý nghĩa độc lập với mục đích riêng.

- Này cậu! Cậu sẽ phê bình sao về cuốn tiểu thuyết của tớ?

- Vì cậu là bạn nên mình chỉ bình thôi chứ không phê như những người khác [64, 60].

Dựa vào câu "vì cậu là bạn" mà ta hiểu được hàm ý của người nói: tiểu thuyết của cậu rất dở nhưng vì là bạn của nhau nên tớ chỉ bình luận chung chung chứ không chỉ thẳng ra những chỗ chưa được. Phương thức này xuất hiện khá phổ biến trong giao tiếp hàng ngày.

Lại có khi kết hợp giữa tách và chêm xen giữa các tổ hợp:

Chân lí là cái lí có chân (Ma Văn Kháng)

Dân gian có câu: "Vững như kiềng ba chân", do đó "có chân" thì vững, cho nên "cái lí có chân" là những lí lẽ rất vững, mà lí lẽ vững thì không ai bắt bẻ được, ai cũng phải thừa nhận là nó hiển nhiên đúng, mà điều gì hiển nhiên đúng thì được gọi là chân lí.

Hay: Biết tay ăn mặn thì chừa Đừng trêu mẹ mướp mà xơ có ngày. Có thể trong nguyên dạng gốc là: xơ mướp

b) Có trường hợp người ta lại tách tổ hợp bằng cách tạo ra một ngữ đoạn mới song song với ngữ đoạn đã cho, mà một trong hai yếu tố của từ mới này tồn tại hiển nhiên với một trong hai yếu tố của từ ban đầu (chỉ tồn tại trên mặt nghĩa).

Chân chính, chân phụ

Một anh bộ đội đóng quân ở làng quê và yêu một cô gái người làng ấy. Một hôm anh ta đến nhà người yêu thì gặp bố cô ở nhà, anh nói:

- Dạ thưa bác... cháu xin phép bác cho cháu đưa em sang đơn vị để xem văn nghệ có được không ạ?

- Không văn nghệ, văn gừng gì hết. Tôi còn lạ gì cái vở của các anh lấy lí do này lí do kia. Ai biết anh đưa nó đi xem hay đưa ra bờ bụi nào đó...

Ông già cười và mai mỉa:

- Tôi biết là anh chân chính rồi, mà tôi có sợ cái chân chính của anh đâu. Tôi chỉ sợ cái chân phụ của anh thôi. Cái chân chính của anh thì giữ được, còn cái chân phụ anh làm sao giữ nổi [64,60].

Như đã thấy, "chân chính" là một tính từ thường chỉ phẩm chất của con người, với mô hình trọng âm [11]. Thế nhưng trong trường hợp này, ông bố của cô gái đã tách từ ra để hiểu như một danh từ có mô hình trọng âm [01] và sử dụng nó như một đơn vị cơ sở nằm trong thế đối lập với "chân phụ". Và điểm độc đáo ở đây là ông đã diễn đạt được một hàm ý rất sâu sắc.

Một phần của tài liệu phương thức tạo hàm ngôn trong truyện cười Tiếng Việt (Trang 71 - 73)