6. Cấu trúc của luận văn
1.3.2. Giữ thể diện cho người nghe
Đây cũng là một chiến lược giao tiếp. Muốn giao tiếp có hiệu quả thì người nói phải quan tâm đến vấn đề giữ thể diện cho người nghe. Cho nên, người nói phải chú ý đến hai vấn đề:
- Gia tăng việc đề cao người khác
- Tránh làm phương hại đến thể diện của người khác và khi không thể tránh được phải biết làm giảm nhẹ mức độ của những hành vi phương hại thể diện đó.
Chẳng hạn, một người nào đó vô ý dẫm lên chân bạn, bạn có thể có những phản ứng khác nhau khi người đó tỏ ý xin lỗi:
(i) Không có mắt à?
(ii) Lần sau thì phải chú ý nhé! (iii) Không hề gì đâu!
Rõ ràng ở (i), bạn đã làm mất thể diện của người đó. Nếu đối phương là một người ít tuổi hơn bạn rất nhiều thì còn có thể chấp nhận được, còn nếu đó là một người nhiều tuổi hơn bạn thì bạn sẽ bị coi là người hỗn láo, vô học.
ở (ii) thì khác hơn, với câu nói đó, phần nào bạn đã bỏ qua lỗi của người ta. Tuy nhiên, nếu đối phương ít tuổi hơn bạn thì phát ngôn của bạn là hợp lí còn nếu đối phương nhiều tuổi hơn bạn thì bạn cũng làm mất thể diện của người ta (Bạn đã dạy khôn người khác).
Còn ở (iii), bạn đã giữ thể diện cho người ta, bạn khiến người ta phục vì cách cư xử có văn hoá của bạn.
Như vậy, vấn đề thể diện còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: vị thế xã hội, tuổi tác... của những người tham gia giao tiếp.
Ví dụ:
Một bà béo ục ịch ăn quà như mỏ khoét nói với bà nặn tượng:
- ồ...thật tuyệt! Ma-nơ- canh mà bác đang nặn kia có chiếc eo rất chi là lí tưởng, càng nhìn tôi càng phát thèm!
- Thưa bà, để đạt được chiếc eo hoàn mĩ đó, bên trong ma- nơ- canh tôi không dám nặn họng và dạ dày!
Người nặn tượng đã dùng lối nói bóng gió để nhằm hướng tới "bà ục ịch" kia. Cho nên, đây là một câu nói nhằm giữ thể diện cho bà ta. Vì nếu như nói thẳng rằng: "Bà bớt ăn quà như mỏ khoét lại thì bà sẽ có được cái eo như thế!" hoặc "Ăn quà như bà mà cũng dám mơ đến chiếc eo hoàn mĩ đó ư?" thì chắc chắn bà ta sẽ "nổi đoá" lên ngay.