1 .2 Đặc trưng của hoạt động tài chính vi mô
1.2.3.1. Nhóm nhân tố chủ quan
Có nhiều nhân tố chủ quan tác động tới sự phát triển hoạt động TCVM của tổ chức, bao gồm chủ yếu các nhân tố như sau:
a. Nhận thức về phát triển hoạt động
Nhận thức của Ban lãnh đạo của các TC hoạt động TCVM nhằm đưa ra chiến lược phát triển, xác định mục tiêu chủ yếu và sự sắp xếp, tổ chức lực lượng trong một giai đoạn nhất định để đạt được mục tiêu phát triển. Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến khả năng phát triển hoạt động TCVM. Chiến lược phát triển đúng đắn giúp TC hoạt động TCVM đưa ra các kế hoạch và giải pháp cụ thể cho việc phát triển hoạt động, dựa trên nguồn nhân lực và vật lực sẵn có cũng như tiềm năng huy động nguồn lực của tổ chức đó. Sự phát triển của bất kỳ hoạt động nào cũng đòi hỏi phải được soạn thảo và vận hành dựa trên chiến lược phát triển chung của tổ chức.
b. Tính chất sở hữu và mô hình tổ chức
TCTCVM có thể thuộc sở hữu cổ phần, nhà nước, hợp tác xã hoặc sở hữu tư nhân. Tính chất sở hữu của TCTCVM ảnh hưởng đến nhiều yếu tố như mục tiêu hoạt động chính của tổ chức đó (vì lợi nhuận hay vì sự phát triển xã hội là chủ yếu); nhóm khách hàng chính là ai và sứ mệnh phục vụ thế nào. Nếu TCTCVM thuộc sở hữu của nhà nước, mục tiêu phát triển xã hội thường được ưu tiên cao nhất và tổ chức này là công cụ để nhà nước thực hiện các chính sách phát triển nông thôn của mình. Đối với TCTCVM thuộc sở hữu tư nhân hay cổ phần, tổ chức đó sẽ hoạt động theo mục tiêu do chủ sở hữu đưa ra như: vì lợi nhuận, vì các khách hàng thành viên...Vì vậy, tính chất sở hữu quyết định việc cung cấp các dịch vụ tới mức độ nào và nhằm vào các đối tượng khách hàng nào.
Bên cạnh đó, tính chất sở hữu còn quyết định tới mô hình tổ chức của TCTCVM đó. Mô hình tổ chức là một nhân tố quan trọng phản ánh cơ chế phân bổ các nguồn lực của một TCTCVM có phù hợp với quy mô trình độ
quản lý; phù hợp với đặc trưng cạnh tranh của ngành và yêu cầu của thị trường hay không. Cơ cấu tổ chức của một TCTCVM thể hiện ở sự phân chia các phòng ban chức năng, các bộ phận tác nghiệp, các đơn vị trực thuộc…. Do vậy mô hình tổ chức ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng và hiệu quả từng hoạt động cụ thể của TCTCVM, tới mức độ phát triển hoạt động của tổ chức đó.
c. Tiềm lực tài chính
Tiềm lực tài chính của TCTCVM được thể hiện thông qua các yếu tố như: mức độ an toàn vay vốn (quy mô vốn chủ sở hữu, hệ số an toàn vốn), khả năng huy động vốn, chất lượng tài sản, mức sinh lợi, khả năng thanh toán. Tiềm lực tài chính quyết định đến quy mô và tính đa dạng trong việc cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tín dụng và tiết kiệm. Tiềm lực tài chính tốt giúp cho TCTCVM nâng cao uy tín, mở rộng quy mô khách hàng, tăng khách hàng tiềm năng, tăng khả năng phát triển các dịch vụ ngoài tín dụng và tiết kiệm. TCTCVM còn có cơ hội và mở rộng liên kết hợp tác với các tổ chức tài chính khác, với các nhà tài trợ, với các đơn vị khác, tạo đà phát triển nhanh chóng các hoạt động của tổ chức, đa dạng hóa sản phẩm và quy mô tiếp cận.
d. Sự đa dạng của dịch vụ cung ứng và phương thức cung ứng
Danh mục các dịch vụ cung ứng đa dạng tạo điều kiện cho các hoạt động của TCTCVM phát triển, đáp ứng các nhu cầu đa dạng khác nhau của từng loại khách hàng. TCTCVM có thể chọn một hoặc một số phân đoạn thị trường nhất định theo loại khách hàng hay theo khu vực và cung cấp danh mục các loại dịch vụ khác nhau tùy thuộc nhu cầu trong từng phân đoạn. Tất nhiên, việc cung ứng những loại dịch vụ nào trong giai đoạn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ lớn của nhu cầu, khả năng thanh toán của khách hàng, mức độ cạnh tranh của các đối thủ khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, cùng nhóm dịch vụ như cho vay, những phương thức cung ứng khác nhau (cho cá
nhân, theo nhóm, có đảm bảo tài sản….) cũng trợ giúp đắc lực cho việc phát triển hoạt động của TCTCVM. Phương thức cung ứng dịch vụ có cơ hội được đa dạng hóa hơn trên nền tảng ứng dụng công nghệ của TCTCVM. Tuy vậy, mức độ đầu tư vào công nghệ của TCTCVM nên tính tới quy mô cầu của thị trường vì chi phí cho công nghệ tài chính rất đắt đỏ. Nếu TCTCVM có thị trường quy mô nhỏ, danh mục dịch vụ đơn điệu với ít sự lựa chọn về phương thức cung ứng dich vụ, tổ chức đó sẽ không thể đa dạng danh mục và phương thức cung ứng dịch vụ, cũng như phát triển hoạt động của mình.
e. Nguồn nhân lực
Chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển hoạt động của các TCTCVM. Chất lượng nguồn nhân lực được thông qua trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc. Một TCTCVM với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Các hoạt động của TCTCVM sẽ được phát triển nhanh chóng nhằm tận dụng hết các nguồn lực của TCTCVM. Nhưng khi trình độ cán bộ hạn chế, các TCTCVM rất khó khăn trong việc đặt thực hiện các mục tiêu của mình. Hầu hết các TCTCVM trên thế giới đều đối mặt với vấn đề trình độ nguồn nhân lực thấp, do sự canh tranh khốc liệt về nhân lực giữa các ngân hàng thương mại với các TCTCVM khác. Ngay cả những TCTCVM lớn như trên thế giới như GB của Bangladesh, ngân hàng BRI của Indonesia, quỹ trợ vốn CEP của Việt Nam cũng đối mặt với vấn đề này.
Tuy vậy bên cạnh trình độ lao động, kỹ năng làm việc và sự tận tâm trong công việc đối với cán bộ làm việc tại các TCTCVM cũng là những yếu tố hết sức quan trọng.