Thị trường lao động hoạt động theo các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, đó là quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu và quy luật tối đa hoá lợi nhuận. Quan hệ cung - cầu trên thị trường lao động là quan hệ thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc làm, thời gian nghỉ ngơi, mức tiền công, tiền lương, bảo hiểm xã hội, các điều kiện đảm bảo an toàn lao động và các điều kiện làm việc khác. Giao dịch trên thị trường lao động là hoạt động để nối cung - cầu lao động với nhau. Giao dịch diễn ra giữa các chủ thể là người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa chủ thể với các tổ chức trung gian thoả thuận về tuyển dụng và sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu các bên và phù hợp với quy định của pháp luật [30, tr.123].
Trên thị trường lao động, cung - cầu lao động có sự tác động qua lại hình thành nên giá cả sức lao động, đó chính là tiền lương. Mức tiền lương mà tại đó cung, cầu lao động gặp nhau là mức tiền lương cân bằng, khi đó thị trường lao động cũng ở trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, sự cân bằng trên thị trường lao động thanh niên chỉ là tạm thời, trạng thái mất cân bằng là phổ biến, bởi lẽ cung lao động thanh niên là rất lớn, trong khi cầu lao động thanh niên lại rất chọn lọc.
Để cung - cầu lao động thanh niên gặp nhau, nhà nước cần tạo thêm những chỗ làm việc mới để tốc độ tăng cung lao động tương xứng với tốc độ tăng cầu lao động; đồng thời từng bước làm cho cơ cấu cung lao động dần phù hợp với cơ cấu cầu lao động của thị trường. Thêm vào đó, bản thân lao động thanh niên cần có sự chuẩn bị tốt về kỹ năng nghề nghiệp và tích luỹ kinh nghiệm khi bước vào thị trường lao động. Hệ thống thông tin về thị trường lao động, các trung tâm tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu và cung ứng lao động cần phát huy hiệu quả hoạt động, giúp người sử dụng lao động và
người cung ứng sức lao động có đủ thơng tin về cung - cầu lao động, nhất là sử dụng hợp lý nguồn lao động trẻ, có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng thích hợp.