Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại được nâng cấp từ Trường Trung học Thương mại Trung ương I theo Quyết định số 97/1998/QĐ-TTg ngày 22/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Tiền thân của Trường Trung học Thương mại Trung ương I là Trường Cán bộ vật tư và Trường Trung học Thương nghiệp Sơn Tây, được thành lập từ năm 1961 và được hợp nhất năm 1990 theo quyết định của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương).
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các chuyên ngành trong lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật thương mại ở các bậc cao đẳng, trung cấp và nghề; tổ chức nghiên cứu và thực nghiệm khoa học công
nghệ phục vụ công tác giáo dục - đào tạo, sản xuất kinh doanh và dịch vụ của ngành Công Thương.
Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại giai đoạn 2011 - 2015, định hướng 2020 có vai trò quyết định sự phát triển bền vững của nhà trường nhằm xây dựng Trường thành cơ sở giáo dục, đào tạo đa ngành, đa cấp, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và dịch vụ tư vấn có uy tín trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; sau năm 2012 trở thành trường đại học có uy tín ở trong nước và khu vực.
* Các giải pháp để nâng cao chất lượng nhằm thực hiện chiến lược phát triển của trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Thương mại:
+ Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn (thạc sĩ, tiến sĩ), trình độ ngoại ngữ và tin học; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên.
+ Đổi mới phương pháp tuyển chọn, đánh giá kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học. Tạo lập danh mục các đề tài khoa học theo mô hình hình tháp trong triển khai từ định hướng của nhóm chuyên môn.
+ Huy động và tạo điều kiện về thời gian, kinh phí để một số cán bộ, giảng viên có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu làm đầu tầu trong lĩnh vực nghiên cứu, tham gia xây dựng các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học; làm đầu mối quan hệ hợp tác với các trường, các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài ngành.
+ Đổi mới phương thức nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giảng viên theo hướng nâng cao hiệu quả, tính khả thi của đề tài; thúc đẩy ứng dụng đề tài khoa học, trước hết vào việc nâng cao chất lượng dạy - học và quản lý của Trường. Nghiên cứu khoa học phải tự tạo một phần kinh phí độc lập cho hoạt động.
+ Đẩy mạnh hợp tác với nước ngoài về khoa học - công nghệ để nâng cao năng lực của giáo viên về nhiều mặt, trong đó có năng lực nghiên cứu khoa học; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học.
+ Hoàn thiện cơ chế, chính sách vừa khuyến khích vừa bắt buộc giảng viên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Bằng nhiều biện pháp thu hút sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Có chế độ ưu đãi đặc biệt với những sinh viên và giảng
viên hướng dẫn sinh viên có những công trình khoa học có tính ứng dụng cao, đem lại lợi ích thiết thực.
+ Đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và gắn liền với thực tiễn giáo dục.
+ Duy trì, nâng cao hiệu quả các chương trình liên kết đào tạo hiện có với: Đại học Long Hoa (Đài Loan), và một số trường đại học khác của Đài Loan, Trung Quốc. Tích cực tìm kiếm đối tác, thiết lập mối quan hệ hợp tác với các trường đại học khác trong khu vực.
+ Bằng mọi cách như tuyên truyền, quảng bá; mở trung tâm dạy tiếng cho người có nhu cầu du học, tạo nguồn tuyển sinh cho các trường liên kết đào tạo. Thuê chuyên gia giúp đỡ xây dựng chương trình giáo dục tiên tiến sát hợp với chương trình giáo dục của các trường nước ngoài mà nhà trường có dự định hợp tác. Từng bước thí điểm mở du học tại chỗ.
Trên đây là những kinh nghiệm hết sức quý báu của trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Thương mại, những biện pháp đó sẽ có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy tại trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Trung ương, tiến tới việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho khu vực kinh tế hợp tác xã và cho xã hội.