Hỗ trợ các tác nhân, tổ chức sản xuất chuỗi và định hướng thị trường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chè shan tuyết tỉnh hà giang (Trang 75 - 82)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.2. Thực trạng vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chè Shan tuyết

4.2.3. Hỗ trợ các tác nhân, tổ chức sản xuất chuỗi và định hướng thị trường

Qua số liệu khảo sát 9 doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè trên địa bàn tỉnh Hà Giang, có 4/9 doanh nghiệp (chiếm khoảng 44,44 %) số doanh nghiệp được khảo sát có liên kết trực tiếp với các hộ trồng chè bằng hợp đồng kinh tế và hầu hết các doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân trồng chè mà không thông qua các tổ chức nông dân mặc dù đa phần (75%) các doanh nghiệp cho rằng liên kết thông qua tổ chức nông dân (HTX) sẽ có lợi hơn hình thức liên kết trực tiếp với nông dân bởi dù sao hợp tác xã cũng là một tổ chức nông dân có tư cách pháp nhân rõ ràng, chịu trách nhiệm trước pháp luật và với doanh nghiệp cao hơn các hộ sản xuất. Hơn nữa, việc tổ chức sản xuất, hướng dẫn kĩ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ trồng chè về quy trình canh tác, thu hái và bảo quản chè búp cũng như giúp cho người dân thấy được lợi ích của việc sản xuất theo hợp đồng liên kết với doanh nghiệp là vai trò của các hợp tác xã cần được thể hiện. Việc thực hiện cam kết giữa doanh nghiệp và người dân được thực hiện hoàn toàn (100%) bằng hợp đồng văn bản, có xác nhận của chính quyền địa phương làm trung gian hỗ trợ. Thời điểm kí kết thường là đầu vụ, đầu chu kì sản xuất (100% ý kiến của các doanh nghiệp hợp đồng) để các doanh nghiệp có cơ sở để hỗ trợ đầu vào sản xuất cho các hộ trồng chè. Các doanh nghiệp kí kết hợp đồng ở cuối vụ là những đơn vị chỉ kí hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chè.

Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định

Để có thể chắc chắn đầu tư vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp thường phải ký kết hợp đồng với các hộ trồng chè nhằm đảm bảo các hộ sẽ làm theo quy trình kỹ thuật chung và bán cho doanh nghiệp. Kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy, hiện nay trong số doanh nghiệp hợp đồng có 75 % doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định. Nguyên liệu của doanh nghiệp hợp đồng được lấy trực tiếp từ các nông dân hợp đồng (66,67%) và một phần thông qua đội ngũ thu gom (33,33%). Có 20 % doanh nghiệp không kí hợp đồng có vùng nguyên liệu cơ bản ổn định bởi nguyên liệu của các doanh nghiệp này chủ yếu được lấy từ các cơ sở thu gom (62,5%) và các hộ trồng chè tự do (37,5%) quen thuộc.

Các doanh nghiệp hỗ trợ/ ứng trước một phần vốn cho các hộ khi cần gấp hoặc để đầu tư, cải tạo vườn chè; hỗ trợ cây giống, công cụ, dụng cụ sản xuất cho các hộ liên kết để các hộ hoàn toàn yên tâm về sinh kế, làm theo đúng tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật của doanh nghiệp.

Hộp 4.1. Trao đổi của cán bộ quản lí và doanh nghiệp về vùng nguyên liệu

Tỉnh Hà Giang hiện chưa có cơ chế phân vùng nguyên liệu cho các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Các cơ sở chế biến tự do thu mua chè của nông dân không theo vùng sản xuất hay thông qua kí kết hợp đồng hoặc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung nguyên liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà máy có công suất chế biến lớn. Tình trạng bất ổn về vùng nguyên liệu có thể thấy rất rõ ở các huyện như Vị Xuyên, Quang Bình.

Nguồn: Phỏng vấn sâu ông Nguyễn Hữu Thành - Chi cục trưởng Chi cục quản lí chất lượng NLTS tỉnh Hà Giang ngày 10/9/2016 Vùng nguyên liệu của công ty tập trung chủ yếu tại huyện Vị Xuyên, trong đó xã Cao Bồ là vùng nguyên liệu chủ lực. Đây là khu vực có giống chè Shan tuyết sinh trưởng và phát triển. Chè Shan Tuyết có thời gian sinh trưởng kéo dài, nhiều cây chè cổ thụ đã trên 100 năm tuổi. Đặc biệt, vùng chè Cao Bồ và nhà máy sản xuất chè Hữu cơ Cao Bồ trực thuộc công ty chè Hùng Cường là nhà máy duy nhất chuyên sơ chế chè tươi hữu cơ sang sản phẩm bán thành phẩm được tổ chức chứng nhận ACT cấp chứng chỉ hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ của IFOAM, tiêu chuẩn hữu cơ riêng của Canada (COR), tiêu chuẩn hữu cơ của EU từ năm 2011 đến nay. Mặc dù việc liên kết giữa doanh nghiệp và khoảng 645 hộ dân xã Cao Bồ được triển khai từ năm 2008, công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trong vùng nguyên liệu, xây dựng các tổ đội sản xuất để quản lí, giám sát, hỗ trợ các hộ trồng chè nhưng những năm gần đây (năm 2015), việc thu mua nguyên liệu của công ty gặp khá nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với các cơ sở chế biến nhỏ lẻ.

Nguồn: Phỏng vấn sâu ông Nam - cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu của Công ty chè Hùng Cường ngày 8/9/2016

Có 25% số hộ được khảo sát ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ chè với doanh nghiệp. Khi tham gia liên kết, vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu được thể hiện rõ rệt, theo phản hồi của các hộ liên kết có 13,33% số hộ được hỗ trợ đầu vào sản xuất nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hộ dân tham gia ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Sự hỗ trợ đầu vào của doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng được khoảng 27,5% so với nhu cầu sản xuất của hộ.

Bảng 4.11. Vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng vùng nguyên liệu

Chỉ tiêu Đơn vị Số lượng

DN kí hợp đồng với hộ % 44,44

Hộ ký HĐ với DN % 25

DN hỗ trợ đầu vào % 50

DN ứng trước đầu vào % 100

Mức đầu tư hỗ trợ/ ứng trước cho nông dân hợp đồng bình quân mỗi DN

triệu đồng 1.250

Tỉ lệ hộ liên kết được hỗ trợ đầu vào % 13,33

Phần hỗ trợ đầu vào của DN so với nhu cầu của hộ % 27,5

Tỉ lệ hộ liên kết được ứng trước vật tư đầu vào % 93,33

Phần ứng trước vật tư đầu vào của DN so với nhu cầu của hộ

% 73,57

Nguồn: Tổng hợp số liệu khảo sát năm (2016) Kết quả khảo sát cho thấy 93,33% các hộ liên kết được cung ứng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV...) và thanh toán vào cuối vụ thu hoạch. Phần ứng trước của các doanh nghiệp liên kết ít nhiều đáp ứng được 73,57% nhu cầu sản xuất của hộ. Điều này dễ hiểu khi nguồn lực của doanh nghiệp có hạn, việc hỗ trợ cho không sẽ rất hạn chế mà chủ yếu chỉ ứng trước theo hình thức trả chậm, thanh toán sau khi bán chè cho doanh nghiệp.

Tổ chức sản xuất, hỗ trợ các hộ nông dân

Kết quả phản hồi của các doanh nghiệp liên kết cho thấy, vai trò của doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất được thể hiện thông qua việc: i) Yêu cầu về chủng loại vật tư đầu vào sản xuất nhằm đảm bảo đúng chủng loại, liều lượng cho phép đạt trong ngưỡng an toàn, có thể kiểm soát được; ii) Yêu cầu về lịch thời vụ sản xuất và lịch thu hoạch sản phẩm rất quan trọng khi doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác theo từng tháng, từng quý việc quản lý lịch thời vụ nhằm đảm bảo đúng theo phương án SXKD của DN; iii) Yêu cầu về kỹ thuật canh tác, có giám sát việc thực hành kỹ thuật canh tác và iv) Yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nhằm đảm bảo chè nguyên liệu của doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn chế biến mang lại giá trị cao nhất.

Bảng 4.12. Vai trò của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất

Nội dung cam kết giữa DN với hộ liên kết đồng ý (DN) Ý kiến DN (n=4)

Tỉ lệ (%)

Yêu cầu về loại vật tư đầu vào 2 50

Yêu cầu về lịch thời vụ sản xuất 2 50

Yêu cầu về lịch thu hoạch sản phẩm 4 100

Hướng dẫn kỹ thuật canh tác 4 100

Giám sát thực hành kỹ thuật canh tác 3 75

Yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu 4 100

Nguồn: Tổng hợp số liệu khảo sát năm (2016) Một số doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến ở tại vùng nguyên liệu với công suất lớn (25 tấn chè búp tươi/ngày) như công ty chè Quang Bình, công ty chè Hùng Cường, các doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật và xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên để vận hành dây chuyền sản xuất. Một số doanh nghiệp đã cùng với người dân tiến hành các hoạt động tăng mật độ tại các vùng sản xuất chè hữu cơ giúp tăng năng suất chè trên một đơn vị diện tích. Hỗ trợ, cấp phát cho người dân cây giống để trồng mới 20 ha chè như trường hợp của công ty chè Quang Bình. Ngoài ra công ty cũng quan tâm đầu tư đến quản lý và sử dụng các loại giống chè bản địa để đảm bảo chất lượng và sản lượng chè trong dài hạn. Trong năm 2015, công ty đã hỗ trợ người trồng chè của 02 xã Tiên Nguyên và Tân Bắc đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng, thu hái chè theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ. Công ty cũng cùng với nông dân nghiên cứu thử nghiệm sản xuất phân hữu cơ – một phần quan trọng trong sản xuất sản phẩm hữu cơ. Thêm vào đó, là khuyến cáo người dân trồng xen canh gừng với nương chè để tăng thêm thu nhập (Nghiên cứu sâu trường hợp công ty chè Quang Bình trong việc hỗ trợ tổ chức sản xuất).

Trường hợp công ty chè Hùng Cường, với khoảng 900 ha chè hữu cơ của Cao Bồ được chính quyền địa phương tạo điều kiện giao cho công ty Hùng Cường năm 2008 làm vùng nguyên liệu sản xuất chè hữu cơ và năm 2012 đã có khoảng 645 hộ trồng chè hữu cơ và được phân thành 11 tổ sản xuất trên địa bàn 11 thôn của xã. Các tổ trưởng sản xuất - trưởng thôn có trách nhiệm đứng ra thu mua sản phẩm chè búp tươi cho nông dân và đảm bảo chè của vùng không bán cho các tư thương khác.

Hộp 4.2. Chia sẻ của người dân và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ đầu vào sản xuất cho hộ trồng chè

“Có công ty cam kết thu mua chè, chúng tôi yên tâm về giá thành, không bị bấp bênh như trước nữa. Ngoài ra, công ty cũng hỗ trợ, hướng dẫn nhiều về kĩ thuật để người dân chung tôi ngày càng phát triển vùng chè hữu cơ, nâng cao giá thành”.

Trao đổi của anh Phan Văn Dần nông dân xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình ngày 13/9/2016. Công ty ứng trước phân bón lá nhập khẩu từ Mỹ cho một số hộ dân, đây là loại phân hữu cớ có 7 loại vi sinh vật đã được chứng nhận quốc tế. Phân hữu cơ vừa có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của cây chè vừa diệt sâu bệnh. Giá bán khoảng 600.000 VNĐ/lít, mỗi lít sử dụng được cho 2000 m2.

Song song với việc hỗ trợ vật tư công ty đã mở các lớp đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho người dân canh tác chè.

Ngày nay hội nhập muốn làm giàu phải làm ra sản phẩm thương mại xuất khẩu. Phải bồi bổ và làm giàu cho nó (cây chè). Nhu cầu cuộc sống cao hơn, làm theo tiêu chuẩn hữu cơ thì phải đầu tư, tập huấn, cho họ đi học để nâng cao nhận thức và cách làm.

Chia sẻ của ông Hùng - giám đốc công ty chè Hùng Cường ngày 10/9/2016. Doanh nghiệp đã có hỗ trợ ban đầu cho nông dân trong vùng để ổn định và phát triển vùng nguyên liệu. Song song với việc hỗ trợ vật tư công ty đã mở các lớp đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho người dân canh tác chè. Công ty phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức tổ chức tập huấn kĩ thuật chăm sóc, thu hái chè theo trình canh tác hữu cơ cho nông dân. Doanh nghiệp đã cử các cán bộ kĩ thuật xuống hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, thu hái chè đúng kĩ thuật để cho sản xuất chè đạt chất lượng cao. Trong quá trình sản xuất có sự giám sát chéo giữa tổ trưởng sản xuất với các hộ và giữa các hộ trồng chè với nhau để đảm bảo chất lượng nguyên liệu chè hữu cơ đạt cao nhất.

Đối với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng với các hộ trồng chè, doanh nghiệp chấp nhận đầu tư vào sản xuất (vật tư, phân bón, thuốc BVTV,...) và thu mua lại chè nguyên liệu của các hộ theo hình thức hợp đồng sản xuất - tiêu thụ sản phẩm; có một số doanh nghiệp cũng tham gia đầu tư sản xuất, xây dựng các nhà máy chế biến và bao tiêu sản phẩm chè cho các hộ tại vùng nguyên liệu như

nhà máy chè hữu cơ Cao Bồ của công ty chè Hùng Cường hay nhà máy chè Tân Bắc của công ty chè Quang Bình. Các hộ dân tham gia liên kết được doanh nghiệp đầu tư sản xuất, hỗ trợ khoa học kĩ thuật, công nghệ và bao tiêu sản phẩm chè. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được khảo sát đang tiếp tục được đầu tư các dây chuyền công nghệ nhập ngoại và dây chuyền một phần nhập được đánh giá là khá hiện đại và phù hợp với yêu cầu sản xuất chè của Việt Nam.

Hộp 4.3. Chia sẻ của người dân và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ đầu vào sản xuất cho hộ trồng chè

“Song song với việc hỗ trợ vật tư công ty đã mở các lớp đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho người dân canh tác chè. Công ty phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức tổ chức tập huấn kĩ thuật chăm sóc, thu hái chè theo trình canh tác hữu cơ cho nông dân. Doanh nghiệp đã cử các cán bộ kĩ thuật xuống hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, thu hái chè đúng kĩ thuật để cho sản xuất chè đạt chất lượng cao. Trong quá trình sản xuất có sự giám sát chéo giữa tổ trưởng sản xuất với các hộ và giữa các hộ trồng chè với nhau để đảm bảo chất lượng nguyên liệu chè hữu cơ đạt cao nhất”.

Chia sẻ của ông Nam - cán bộ quản lý công ty chè Hùng Cường 10/9/2016.

Bảng 4.13. Lý do doanh nghiệp không kí hợp đồng với hộ trồng chè

Chỉ tiêu đồng ý (DN) Ý kiến DN (n=5)

Tỉ lệ (%)

DN tự sản xuất đủ nguồn nguyên liệu 1 20

DN mua nguyên liệu ổn định từ thương lái 5 100

DN có quy mô nhỏ 3 60

DN phải bỏ thêm nhiều chi phí 3 60

Việc ký kết hợp đồng phức tạp 2 40

Nông dân hay phá vỡ hợp đồng 5 100

Nguồn: Tổng hợp số liệu khảo sát năm (2016) Bên cạnh đó, 55,56% số doanh nghiệp khảo sát không kí hợp đồng với các hộ trồng chè bởi một số nguyên nhân như: một số doanh nghiệp có đất đai, tự sản xuất đủ nguồn nguyên liệu để sử dụng; DN có quy mô nhỏ; DN phải bỏ thêm nhiều chi phí đầu tư cho hộ khi kí hợp đồng; nông dân hay phá vỡ hợp đồng hay DN mua nguyên liệu ổn định từ thương lái. Trong số các nguyên nhân kể trên,

việc e ngại nông dân hay phá vỡ hợp đồng trong khi doanh nghiệp có thể mua nguyên liệu ổn định từ thương lái nhận được 100% ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp không liên kết. Có thể thấy rằng, một phần doanh nghiệp không tin tưởng vào các cam kết của hộ, một phần đây cũng là những doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm chè thông thường, tiêu thụ trong nước, chưa thực sự quan tâm đến vấn đề chất lượng nguồn nguyên liệu, chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.

Định hướng thị trường tiêu thụ

Các doanh nghiệp được khảo sát là các doanh nghiệp chế biến, do đó các doanh nghiệp đều sản xuất đa dạng các loại sản phẩm, từ chè xanh, chè đen, chè ô long. Một số doanh nghiệp lớn như công ty chè Hùng Cường, Công ty chè Bách Shan, công ty chè Quang Bình có sản xuất các loại chè phổ nhĩ chất lượng cao để xuất khẩu với giá trị kinh tế cao. Sản phẩm chè xanh mặc dù chỉ chiếm 21,68 % tổng sản lượng chè sản xuất của doanh nghiệp nhưng giá bán của sản phẩm chè xanh lại vượt trội với giá bán bình quân đạt 180.000 đồng/kg chè xanh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chè shan tuyết tỉnh hà giang (Trang 75 - 82)