nghiên cứu đề tài
3.1.3.1. Thuận lợi
Có địa hình vùng cao núi đất, thung lũng quanh co, thổ nhưỡng phong phú, khí hậu đa dạng, mát và lạnh hơn các tỉnh miền Đông Bắc, nhưng ấm hơn các tỉnh miền Tây Bắc. Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 21,60C - 23,0C, biên độ nhiệt trong năm có sự dao động trên 100C và trong ngày cũng từ 6 - 70C. Mùa nóng nhiệt độ cao tuyệt đối lên đến 400C (tháng 6, 7); ngược lại mùa lạnh nhiệt độ thấp tuyệt đối là 2,20C (tháng 1), độ ẩm bình quân hàng năm đạt 85%. Mặc dù có số ngày giông cao (tới 103 ngày/năm), có hiện tượng mưa phùn, sương mù nhiều nhưng đặc biệt ít sương muối. Nét nổi bật của khí hậu Hà Giang là độ ẩm trong năm cao, mưa nhiều và kéo dài, nhiệt độ mát và lạnh nên rất phù hợp cho sự phát triển của cây chè Shan tuyết, đặc biệt là Shan tuyết cổ thụ vùng núi cao.
Vùng chè Shan tuyết cổ thụ có giá trị cao của tỉnh chủ yếu nằm trên địa bàn vùng núi cao phía Tây, với kinh nghiệm canh tác hoàn toàn tự nhiên, không có sự tác động của phân bón hóa học, thuốc trừ sâu của đồng bào dân tộc Dao sống lâu đời. Hầu hết người dân trên địa bàn nghiên cứu đều có kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây chè Shan tuyết.
Cơ cấu kinh tế của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn chiếm tỉ trọng cao, chiếm 32,79 % tổng giá trị sản xuất của tỉnh, đứng sau ngành dịch vụ (36,88%) nhưng đứng trên ngành công nghiệp - xây dựng (30,32%). Mặc dù, nếu xét trong cả giai đoạn 2011-2015, tỉ trọng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm nhẹ để nhường chỗ cho sự phát triển của ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ nhưng sự thay đổi không đáng kể. Nông nghiệp vẫn là ngành chủ đạo, mang lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đang triển khai quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nên lãnh đạo các Sở, ngành, huyện, xã sẽ tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình thu thập thông tin phục vụ nghiên cứu.
Đã có sự liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè Shan tuyết ở một số huyện mặc dù liên kết còn chưa bền vững.
3.1.3.2. Khó khăn
Với điều kiện địa hình đa dạng, núi cao nên cơ sở hạ tầng giao thông đi lại của người dân, doanh nghiệp trên vùng sản xuất cũng vướng phải rất nhiều khó
khăn. Đây cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị chè ở các vùng núi cao bởi phát sinh nhiều chi phí (hỗ trợ đầu vào, vận chuyển, bảo quản, tiêu thụ...).
Địa bàn rộng, dân cư sống phân tán, cản trở về ngôn ngữ cũng khiến cho việc tập hợp, tuyên truyền, hướng dẫn kĩ thật canh tác theo quy hoạch, kế hoạch và theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cao,... gặp nhiều khó khăn.
Số lượng DN nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang rất hạn chế (chỉ khoảng 50 doanh nghiệp - niên giám thống kê Hà Giang năm 2015), trong khi diện tích chè của Hà Giang lớn thứ ba cả nước, sau Lâm Đồng và Thái Nguyên. Qua đó có thể thấy ngành chè tỉnh Hà Giang chưa đủ sức thu hút các doanh nghiệp tham gia.
Hạn chế về trình độ, nhận thức của người dân tộc vùng cao, tập quán canh tác thô sơ, lạc hậu theo tư duy cũ của đồng bào dân tộc Dao bản địa... sẽ cần phải có thời gian và sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền địa phương để thay đổi tư duy, hướng người trồng chè sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, theo quy trình chứng nhận.