Vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành chè ở một số địa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chè shan tuyết tỉnh hà giang (Trang 38 - 41)

phương

2.2.2.1. Vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chè Shan ở Yên Bái và Điện Biên

Báo cáo “phân tích chuỗi giá trị chè Shan ở Yên Bái và Điện Biên dưới tác động được dự báo của biến đổi khí hậu” được thực hiện bởi MCG - công ty tư vấn quản lí của Việt Nam theo đặt hàng của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI). Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè Shan ở Yên Bái và Điện Biên có đến 9 vai trò trong chuỗi giá trị, những vai trò đó bao gồm việc thu mua chè từ nông dân/đơn vị thu gom, tiến hành chế biến, giao dịch buôn bán, tạo công ăn việc làm, sản xuất cây giống, kiểm soát dán nhãn thương hiệu, thay mặt chính quyền hỗ trợ nông dân về giá cả, hướng dẫn cũng như đào tạo kĩ thuật cho nông dân và thực hiện tái canh tác. Phần lớn các cơ sở chế biến đảm nhiệm 4 vai trò đầu tiên như là các hoạt động kinh doanh chủ chốt trong khi chỉ có một vài cơ sở chế biến đảm nhiệm trọn vẹn cả 9 vai trò (MCG và NOMAFSI, 2014).

2.2.2.2. Vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chè đen và chè xanh của Việt Nam

Trong khuôn khổ dự án điều tra cơ bản năm 2015 “Điều tra thực trạng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị gia tăng các mặt hàng nông nghiệp chủ lực và đề xuất giải pháp phát triển” do Th.S Phạm Quốc Trị làm chủ nhiệm có nội dung nghiên cứu về vai trò của DNNVV trong chuỗi giá trị chè đen và chè xanh đã chỉ ra rằng: Thu mua nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kĩ thuật, tạo ra giá trị gia tăng, tạo việc làm (trực tiếp, gián tiếp) và tổ chức sản xuất chuỗi là vai trò chính của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chè đen và chè xanh của Việt Nam. Mặt hàng chè khi qua các khâu trung gian, tác nhân trung gian đều tạo ra được giá trị gia tăng trong chuỗi (cụ thể giá trị gia tăng thuần được tạo ra tại khâu sản xuất là 52,21 %, khâu thu gom là 14,83% và khâu chế biến là 33% đối với mặt hàng chè đen và VA khâu sản xuất đạt 87,48%, khâu thu gom đạt 4,77%, khâu chế biến tạo ra 16,76% đối với mặt hàng chè xanh. Do đó, doanh nghiệp có vai trò tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị chè khảo sát. Bên cạnh đó,

DNNVV là đầu mối quan trọng và bắt buộc thu mua nguyên liệu sản xuất chè đen (thu mua 85% nguyên liệu) và 68% nguyên liệu chè xanh đặc sản được chế biến và gắn nhãn mác của các DNNVV (Phạm Quốc Trị, 2015). Chuỗi giá trị chè xanh đang được sản xuất bằng các kĩ thuật truyền thống - tự phát, có rất ít doanh nghiệp tham gia hỗ trợ kĩ thuật cho người sản xuất mà chủ yếu doanh nghiệp chỉ hỗ trợ kĩ thuật người sản xuất làm chè bán cho doanh nghiệp, một phần chuyển giao lại kĩ thuật cho các HTX để truyền đạt lại cho các hộ. Chuỗi giá trị chè đen có quy trình tương đối ổn định, nhiều vùng chè nguyên liệu được doanh nghiệp hỗ trợ kĩ thuật (chè sạch, an toàn theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, OTD ...) thông qua các tổ đội sản xuất chỉ đạo, giám sát tại mỗi vùng. Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra rằng bình quân mỗi DNNVV trong ngành chè đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 41,19 lao động (chủ yếu là lao động trực tiếp 33,74 lao động) và 50% là lao động thời vụ. Hầu hết các DNNVV trong chuỗi chè đen vẫn duy trì mô hình sản xuất gắn với vùng nguyên liệu ổn định hoăc cơ bản ổn định nên DNNVV vẫn đóng vai trò tổ chức sản xuất chính trong chuỗi. Nhiều doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chè xanh chưa có hợp đồng liên kết sản xuất, vùng sản xuất nguyên liệu chưa được ổn định nhưng nhìn chung các DNNVV trong chuỗi chè xanh vẫn đóng vai trò chính trong việc định hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (Phạm Quốc Trị, 2015).

2.2.2.3. Vai trò của doanh nghiệp xã hội điển hình trong kết nối, tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường và bao tiêu sản phẩm chè cho người dân tại Hòa Bình và Sơn La

Viện nghiên cứu doanh nghiệp xã hội tại châu Á (ISEA) và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), một tổ chức NGO của Việt Nam đã phối hợp triển khai dự án “Thúc đẩy vai trò của Doanh nghiệp xã hội – Đầu tư thay đổi vai trò của giới và kinh doanh Nông nghiệp có trách nhiệm tại Đông Nam Á” (PROSE-GRAISEA), cùng với các đối tác khác ở Indonesia và Thái Lan. Chiến lược của dự án bao gồm sơ đồ hóa các đối tượng mục tiêu chủ chốt và các kênh vận động chính sách trong khối ASEAN dựa vào việc thăm dò và nghiên cứu trong khu vực tại 4 quốc gia thành viên chủ chốt (Indonesia, Phi-lip- pin, Thái Lan và Việt Nam), thực hiện đánh giá nhanh về các sáng kiến về DNXH trong chuỗi giá trị nông nghiệp (SEAVCs) nổi bật, bối cảnh trong khu vực và trong 4 quốc gia kể trên, cùng với nghiên cứu tình huống về các thông lệ SEAVCs tốt nhất (mỗi quốc gia 2 tình huống) cho thấy sự tăng cường vai trò của

các nhà sản xuất nhỏ, đặc biệt là phụ nữ trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Trong các mục tiêu đánh giá nhanh có mục tiêu: “xác định 5 sáng kiến doanh nghiệp xã hội nổi bật trong chuỗi giá trị nông nghiệp và bối cảnh trong nước, đồng thời nêu ra 02 doanh nghiệp tốt nhất để nghiên cứu điển hình”. Báo cáo “Đánh giá nhanh thực trạng và sáng kiến về doanh nghiệp xã hội và tác động giới trong chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam” do TS. Nguyễn Trung Kiên (IPSARD) và cộng sự thực hiện vào tháng 9 năm 2016 đã mô tả hiện trạng và đánh giá các tác động và vai trò của các doanh nghiệp xã hội trong chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam. Cụ thể, đối với trường hợp của công ty chè Hiệp Khánh (HITEACO) - là một điển hình về DNXH được lựa chọn được thành lập năm 2007 tại xã Trung Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình và bắt đầu hoạt động tại tỉnh Sơn La từ năm 2008, có 02 chi nhánh là công ty chè Đại Thành và công ty TNHH chế biến chè Tây Bắc với tổng công suất chế biến của nhà máy đạt 2.000 tấn/năm, thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Trung Đông, Châu Âu, Ấn Độ, Anh và Nga. Qua nghiên cứu đánh giá, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, HITEACO đã có những chiến lược và dịch vụ phục vụ cho người nghèo, cho phụ nữ và có những vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị chè như kí hợp đồng sản xuất với khoảng 1000 hộ trồng chè; hỗ trợ kĩ thuật thường xuyên theo quy trình sản xuất; hỗ trợ chi phí giống, phân bón (70%); và thu mua sản phẩm theo giá thị trường. Với vai trò tạo ra thị trường, thu mua sản phẩm cho các hộ nông dân sản xuất chè quy mô nhỏ tại Hòa Bình và Sơn La, doanh nghiệp đã kí hợp đồng sản xuất với 1000 hộ gia đình căn cứ theo nhu cầu tiêu thụ và công suất chế biến, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, đảm bảo sản lượng đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm của thị trường, cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của các hộ kí hợp đồng theo giá thị trường. Bên cạnh đó, công ty tạo cơ hội việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là người dân tộc thiểu số và người nghèo, nâng cao kiến thức và kĩ năng sản xuất cho người dân, đặc biệt là phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số; thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, phát triển sản xuất theo hướng liên kết cùng có lợi. Hơn nữa, doanh nghiệp còn góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững cho địa phương thông qua việc biến cây chè trở thành cây chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chuyển dổi các diện tích cây nông nghiệp giá trị thấp sang trồng chè, phát triển thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, tuân thủ quy trình kĩ thuật sản xuất an toàn (VietGap, GlobalGap) và bảo tồn nguồn gen quý của chè Shan tuyết (Nguyễn Trung Kiên, 2016).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chè shan tuyết tỉnh hà giang (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)