Nội dung nghiên cứu vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chè

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chè shan tuyết tỉnh hà giang (Trang 27 - 32)

Shan tuyết tỉnh Hà Giang

Doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị nông sản có vai trò lớn hay nhỏ, chặt chẽ hay không chặt chẽ phụ thuộc vào mức độ liên kết giữa doanh nghiệp và các tác nhân trong chuỗi, điều đó được thể hiện qua các hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và các tác nhân khác. Khi có liên kết, hợp tác (có hợp đồng) quyền lợi và trách nhiệm của các bên được xác lập, hình thức liên kết càng chặt chẽ vai trò của doanh nghiệp và các đối tác càng được thể hiện rõ ràng hơn.

Trong phạm vi nghiên cứu này, nói đến nông nghiệp hợp đồng được hiểu là hợp đồng chính thức, có kí kết bằng văn bản giữa các bên và có giá trị pháp lý, không tính đến các hợp đồng miệng, các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận. Do đó, chỉ tồn tại hai hình thức liên kết hợp tác là có hợp đồng và không có hợp đồng.

Các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị chè Shan tuyết tỉnh Hà Giang được nghiên cứu những vai trò sau:

2.1.3.1. Tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi

Giá trị gia tăng là mức đo độ thịnh vượng được tạo ra trong chuỗi giá trị. Để tính được giá trị gia tăng trong một chuỗi giá trị, cách tính như sau:

[Giá trị gia tăng] = [tổng giá trị sản xuất] – [Chi phí trung gian]

Giá trị gia tăng được tạo ra bởi tác nhân của từng khâu trong chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị chỉ mang lại lợi nhuận cho các tác nhân nếu người tiêu dùng sẵn sàng chi trả giá sản phẩm cuối cùng. Người tiêu dùng không tạo ra giá trị gia tăng.

Trong giá trị chuỗi của ngành nông nghiệp, doanh nghiệp là mấu chốt trong việc gia tăng giá trị của chuỗi, cụ thể: các sản phẩm được sản xuất dưới dạng thô được xử lý và chế biến thành đa dạng sản phẩm (cả về chất lượng, và mẫu mã) để từ đó nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi. Ngoài ra, thông qua việc tiêu thụ tại các thị trường nước ngoài thông qua lợi thế so sánh và cạnh tranh, doanh nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp sản xuất có giá trị cao hơn nhiều lần so với thị trường trong nước. Vì vậy vai trò của doanh nghiệp là tạo ra giá trị gia tăng thông qua các hoạt động sản xuất và đầu tư.

Trong sản xuất, doanh nghiệp sẽ mang lại một hiệu quả kinh tế cao hơn thông qua phương thức nông nghiệp hợp đồng có thể tạo ra sự gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm ngay trong giai đoạn sản xuất nông nghiệp từ đó làm gia tăng giá trị so với điều kiện sản xuất thông thường. Đó là do có sự hướng dẫn và quản lý kỹ thuật trồng chè của doanh nghiệp cho nông dân nên không chỉ năng suất gia tăng mà điều quan trọng hơn là sự gia tăng chất lượng nguồn nguyên liệu. Chè nguyên liệu, nhờ kiểm soát tốt qui trình kỹ thuật, tránh được tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, lạm dụng phân bón vô cơ và các chất điều tiết sinh trưởng, áp dụng quy trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), qui trình GAP (Thực hành nông nghiệp tốt), tạo ra được nông sản thực phẩm an toàn cho sức khỏe con người, có độ đồng đều cao sẽ bán được giá cao hơn (Hồ Quế Hậu, 2012).

Nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp các hộ trồng chè hầu hết chỉ trồng, bón phân, phun thuốc đối với diện tích chè Shan tuyết mới trồng dặm, còn đối với diện tích chè shan tuyết cổ thụ, các hộ chỉ thu hái mà phó mặc hoàn toàn cho tự nhiên, không có sự chăm sóc khiến cho năng suất và sản lượng chè không cao, thậm chí còn bị thoái hóa, già cỗi, sâu bệnh làm cho giá trị của sản phẩm chè Shan tuyết giảm, giá bán thấp. Khi có doanh nghiệp tham gia vào khâu sản xuất, doanh nghiệp hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các hộ dân, hỗ trợ ứng trước vật tư đầu vào cho các hộ cải tạo đất, cải tạo đồi chè nhằm tăng năng suất, chất lượng, giúp giá chè nguyên liệu của các hộ tăng lên, tạo thêm giá trị gia tăng cho các hộ trồng chè và cho toàn chuỗi.

Trong chế biến, doanh nghiệp chính là tác nhân chủ chốt tạo ra giá trị gia tăng thông qua việc các sản phẩm nguyên liệu thô được xử lý và chế biến thành đa dạng sản phẩm (cả về chất lượng và mẫu mã) có giá trị cao, cung cấp, hỗ trợ các kho bảo quản nguyên liệu và các sản phẩm trước và sau khi chế biến để từ đó nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi.

Trong tiêu thụ, các doanh nghiệp xác định được các thị trường ổn định và thị trường tiềm năng ở trong nước và quốc tế, từ đó lấy cơ sở để thực hiện các hoạt động sản xuất và chế biến theo yêu cầu đặt hàng của đối tác tiêu thụ về tiêu chuẩn (UTZ, HACCP, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu...), chất lượng (hữu cơ, GAP...), chủng loại. Việc xác định rõ các mặt hàng, sản phẩm chiến lược cho các thị trường của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với các thị trường sản phẩm truyền thống (Dương Bá Phượng,1995).

2.1.3.2. Tạo việc làm, thu nhập cho lao động

Tạo việc làm là quá trình tạo ra số lượng, chất lượng tư liệu sản xuất, số lượng, chất lượng sức lao động cùng các điều kiện kinh tế xã hội khác để kết hợp tư liệu sản xuất và sức lao động. Trong phát triển kinh tế, các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc phục vụ và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhất là đối với các nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vai trò này lại càng quan trọng hơn. Doanh nghiệp là cầu nối giữa nông dân và thị trường, tham gia từ khâu cung ứng vật tư trang thiết bị, giống đến khâu thu mua, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Là đầu mối hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Sự tăng trưởng nhanh chóng về xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, … trong thời gian qua có phần đóng góp to lớn của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến trong lĩnh vực này đồng thời góp phần tạo việc làm cho một khối lượng lớn lao động nông thôn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, lao động nông thôn là nguồn lao động dồi dào, các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ của doanh nghiệp đều có sự tham gia của nguồn lao động này (Đặng Thị Lan, 2005).

Trong sản xuất, các doanh nghiệp sau khi thỏa thuận cam kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ, bao tiêu đầu ra cho các hộ trồng chè, ngoài tạo sinh kế cho các thành viên của hộ có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống còn giúp các hộ có việc làm ổn định, có thể sống được từ cây chè sẽ giúp lao động của hộ không phải đi nơi khác kiếm việc. Doanh nghiệp vừa xây dựng vùng nguyên liệu ổn định trên chính diện tích chè của các hộ dân, vừa tạo việc làm cho lao động tại chỗ của hộ.

Trong chế biến, Sự tăng trưởng nhanh chóng về sản lượng xuất khẩu chè của tỉnh Hà Giang trong thời gian qua có phần đóng góp to lớn của các doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực này, đồng thời góp phần tạo việc làm cho một khối lượng lớn lao động nông thôn làm việc trong các nhà máy chế biến chè của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn sử dụng các lao động gián tiếp là các công nhân công nghiệp, cán bộ kĩ thuật, cán bộ làm việc tại các bộ phận của doanh nghiệp. Có thể nói, việc xây dựng nhà máy chế biến chè trên địa bàn ít nhiều cũng giải quyết được việc làm cho một lượng lớn lao động taị chỗ và các lao động ở các vùng lân cận.

Trong tiêu thụ, các doanh nghiệp sử dụng một lượng lớn lao động có chuyên môn cao tham gia vào trong các hoạt động marketing, xúc tiến thương

mại, tiếp cận các thị trường trong nước và quốc tế để quảng bá các sản phẩm chè của doanh nghiệp cũng như tìm kiếm các hợp đồng tiêu thụ cho doanh nghiệp. Vai trò của lực lượng lao động này rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp.

2.1.3.3. Hỗ trợ các tác nhân, tổ chức sản xuất chuỗi và định hướng thị trường tiêu thụ

Bất kỳ một chuỗi giá trị hàng hóa nông sản nào đều có sự tác động qua lại tương hỗ giữa các tác nhân trong chuỗi. Đối với doanh nghiệp vai trò hỗ trợ các tác nhân trong chuỗi là một trong những vai trò rất quan trọng (Hồ Quế Hậu, 2012).

Trong sản xuất, doanh nghiệp có vai trò định hướng tổ chức sản xuất, hỗ trợ vốn, công nghệ, kỹ thuật để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm theo hướng an toàn, hữu cơ (sạch) đòi hỏi các doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu sạch và ổn định. Do đó, ngoài công tác quy hoạch vùng nguyên liệu của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cũng cần có những hỗ trợ cho người sản xuất về vốn, kiến thức, kỹ năng sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch để có được vùng nguyên liệu chè đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho doanh nghiệp chế biến theo hướng ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, chủ trương của Trung ương, của tỉnh trong phát triển doanh nghiệp phải gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, phát triển công nghiệp chế biến phải gắn liền với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Các hỗ trợ của doanh nghiệp cho người sản xuất được cụ thể hóa bằng việc ứng trước công cụ, nguyên liệu đầu vào, kiến thức, khoa học kỹ thuật… Với thế mạnh về vốn, công nghệ và khả năng tiếp cận thị trường, doanh nghiệp có thể giúp cho nông dân hạn chế rủi ro về giá tiêu thụ, hỗ trợ đầu tư ứng trước vật tư cho nông dân với lãi suất thấp, chất lượng bảo đảm, xây dựng kế hoạch sản xuất, hướng dẫn tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để tăng năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm (Hồ Quế Hậu, 2012). Thông qua hợp đồng, doanh nghiệp yên tâm hỗ trợ, đầu tư cho người sản xuất các điều kiện cần thiết để xây dựng, ổn định vùng nguyên liệu cho chính doanh nghiệp.

Trong chế biến, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chè thực hiện hoạt động sơ chế, chế biến chè nguyên liệu thành đa dạng các sản phẩm, từ các sản phẩm đơn giản như chè vàng, chè xanh phẩm cấp thấp đến các sản phẩm chè chất lượng cao như chè xanh, chè đen, chè ô long, chè phổ nhĩ... ngoài việc phụ thuộc vào năng lực chế biến (công nghệ) của doanh nghiệp, quan trọng hơn vẫn là do các đơn đặt hàng của đối tác tiêu thụ. Có thể nói, việc chế biến ra các sản phẩm

đơn giản hay sản phẩm cao cấp của doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ mà doanh nghiệp định hướng tới (Hồ Quế Hậu, 2012).

Trong tiêu thụ, người tiêu dùng cuối cùng luôn là đối tượng mà doanh nghiệp coi là yếu tố sống còn đến hoạt động của toàn chuỗi. Việc hỗ trợ tác nhân tiêu thụ góp phần tạo lòng tin cũng như mức độ tin cậy của người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thường hỗ trợ thông qua các chương trình khuyến mãi (giảm giá, dùng thử,..). Ngoài ra, đóng góp về phát triển xã hội, vai trò doanh nghiệp đối với nông dân giúp tăng thu nhập, nâng cao mức sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Goletti (2004) cho rằng để giúp đỡ người nghèo (i) Cần tham gia vào chuỗi giá trị (ii) Cần học cách tạo ra chuỗi giá trị và (iii) Cần học cách liên kết người nghèo vào chuỗi giá trị.

Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi giá trị chè vẫn duy trì mô hình sản xuất gắn với vùng nguyên liệu ổn định hoặc có một phần cơ bản nguồn nguyên liệu ổn định. Trong nền kinh tế thị trường, cầu về sản phẩm chè quyết định yếu tố cung, nhất là các sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao như chè Shan tuyết. Do đó, doanh nghiệp trong ngành chè còn có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng tiêu thụ cho toàn chuỗi. Các doanh nghiệp dẫn hướng tổ chức sản xuất chính trong chuỗi, các hoạt động sản xuất, thu mua nguyên liệu cho doanh nghiệp đều phải xuất phát từ nhu cầu và đáp ứng các tiêu chuẩn kĩ thuật của doanh nghiệp (Hồ Quế Hậu, 2012). Bởi vậy, các hoạt động sản xuất, thu mua, vận chuyển,...nguyên liệu đều được doanh nghiệp giám sát chặt chẽ.

2.1.3.4. Tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa

Đối với các doanh nghiệp, việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa đóng vai trò quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Bởi vì nhờ tiêu thụ được sản phẩm hàng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới diễn ra thường xuyên liên tục, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giúp doanh nghiệp bù đắp được những chi phí, có lợi nhuận đảm bảo cho quá trình tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng (Hồ Quế Hậu, 2012).

Tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa là điều kiện để thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp và cũng ảnh hưởng đến cả chuỗi, đặc biệt tập trung vào mục tiêu giảm chi phí và tăng lợi nhuận bởi khi khối lượng hàng hóa tiêu thụ tăng lên, chi phí bình quân của một đơn vị sản phẩm giảm từ đó làm tăng lợi nhuận cho tác nhân trong chuỗi (Hồ Quế Hậu, 2012).

Tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa làm tăng uy tín của chuỗi hàng hóa cũng như làm tăng thị phần của doanh nghiệp ngành chè trên thị trường. Bởi vì khi sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ, tức là nó đã được người tiêu dùng chấp nhận để thoả mãn một nhu cầu nào đó. Sức tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp thể hiện mức bán ra, sự thích ứng với nhu cầu người tiêu dùng và khối lượng hàng hóa tiêu thụ càng tăng thể hiện thị phần của doanh nghiệp càng cao (Hồ Quế Hậu, 2012).

Đối với xã hội, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có vai trò quan trọng trong việc cân đối giữa cung và cầu, vì nền kinh tế là một thể thống nhất với những cân bằng, những tương quan tỷ lệ nhất định (Hồ Quế Hậu, 2012). Sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường, cân bằng, tránh được sự mất cân đối, giữ được bình ổn trong xã hội...là nhờ một phần lớn vai trò của các doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chè shan tuyết tỉnh hà giang (Trang 27 - 32)