Tổng quan về hiệu quả quản trị ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu Luận án nâng cao hiệu quả quản trị ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 30 - 33)

1.2.1.1.Công trình trong nước

Theo Bách thư toàn khoa [1] thì hiệu quả là khả năng tạo ra kết quả mong muốn, hiệu quả là sự phù hợp giữa kết quả thực so với kết quả dự kiến. Như vậy hiệu quả trong hoạt động quản trị của NHTM cũng cần phải được hiểu từ các khía cạnh, góc nhìn khác nhau.

− Đứng trên góc độ của NHTM: Hiệu quả quản trị là việc sử dụng và kết hợp tối ưu các nguồn lực như nhân lực, tài lực, vật lực để tạo ra lợi nhuận cho NHTM, an toàn cho các hoạt động và hạn chế rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh của NHTM.

− Đứng trên góc độ của khách hàng: hiệu quả quản trị NHTM là sự phù hợp giữa nhu cầu, mong muốn và khả năng đáp ứng của ngân hàng về sản phẩm, dịch vụ mang lại; cụ thể như thủ tục gọn nhẹ, đơn giản, nhanh chóng, kỳ hạn và lãi suất phù hợp với quy mô cũng như phạm vi kinh doanh của khách hàng, linh hoạt, tiện lợi và sẵn sàng hỗ trợ…

− Đứng trên góc độ kinh tế - chính trị - xã hội: Hiệu quả quản trị NHTM là yêu cầu, là thách thức và là yếu tố tiên quyết giúp NHTM hoạt động có hiệu quả kinh doanh và giành thắng lợi trong cạnh tranh. Hơn nữa, đứng trên góc độ vĩ mô, hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng của NHTM giúp làm tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao mức sống của người dân và tái phân phối lợi tức xã hội.

Theo học giả Lê Thị Bích Ngọc [15], hoạt động quản trị NHTM liên quan đến cả hai cấp độ vi mô (các ngân hàng đơn lẻ) và vĩ mô (sự ổn định hệ thống tài chính), bởi vì nó cung cấp động lực để kiểm soát ngân hàng, hiệu quả hóa việc kiểm soát và khuyến khích niềm tin của thị trường. Trong thực tiễn hoạt động quản trị NHTM chịu sự can thiệp, tác động trực tiếp từ phía cơ quan giám sát ngân hàng - cơ quan có nhiệm

vụ đánh giá lĩnh vực quản trị ngân hàng, bao gồm cả trình độ và đạo đức của các nhà quản lý cấp cao (Hội đồng quản trị, ban giám đốc) và cơ quan này phải có đủ quyền lực để can thiệp khi quản trị ngân hàng bất ổn. Do đó, hiệu quả quản trị NHTM cần phải hướng tới mục tiêu tăng cường sự ổn định của thị trường tài chính thay vì tối đa hóa lợi nhuận của cổ đông. Khi tiếp cận quản trị ngân hàng theo hướng này, cả cộng đồng cũng như cổ đông ngân hàng đều có lợi.

Học giả Lê Hoàng Nga [13] cho rằng hiệu quả quản trị của NHTM gồm hai khía cạnh đó là hiệu quả kinh tế cho chính bản thân ngân hàng và hiệu quả xã hội. Một bên hiệu quả kinh tế của bản thân ngân hàng được phản ảnh qua giá trị lợi ích kinh tế NHTM đạt được sau một thời gian hoạt động, lợi ích kinh tế đó có thể để phản ánh qua một số các chỉ tiêu định lượng như lợi nhuận, năng suất lao động, thị phần… hoặc một số các chỉ tiêu định tính như uy tín của NHTM, chất lượng sản phẩm, dịch vụ… Mặt khác, hiệu quả xã hội thể hiện NHTM đạt được các mục tiêu xã hội nhất định qua việc sử dụng các nguồn lực của mình. Hiệu quả xã hội thường được phản ánh qua các chỉ tiêu như tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tái phân phối lợi tức của xã hội hoặc trình độ văn hóa, mức sống, vệ sinh môi trường… Lúc đó hiệu quả quản trị NHTM đem lại hiệu quả kinh doanh cho ngân hàng và quyết định tới hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội. Khi NHTM đạt được mục tiêu hiệu quả kinh tế sẽ có nhiều khả năng giải quyết các vấn đề xã hội, ngược lại khi đạt được hiệu quả xã hội NHTM sẽ có một môi trường tốt, tạo tiền đề thúc đẩy ngân hàng đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn.

1.2.1.2.Công trình nước ngoài

Với quan điểm hiệu quả quản trị NHTM được nhìn nhận qua hiệu quả kinh doanh thì học giả Peter Rose [81] nhấn mạnh NHTM là một tổ chức kinh doanh hoạt động với mục tiêu chủ yếu là tối đa hóa lợi nhuận với mức độ rủi ro cho phép, thế nên khả năng sinh lời vẫn là mục tiêu mà các ngân hàng quan tâm hơn cả hay nói cách khác, lợi nhuận là yếu tố then chốt để đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Tiếp cận theo lợi ích của những người có liên quan đến hoạt động ngân hàng, học giả Smallman [83] cho rằng hiệu quả quản trị của NHTM bao gồm các thành tựu của ngân hàng trong việc hoàn thành các lợi ích của những người liên quan khác nhau như chủ sở hữu (cổ đông), người lao động, khách hàng, xã hội và chính phủ.

Theo Cơ quan cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc [1] nhận định hiệu quả quản trị NHTM liên quan đến các tiến trình và kết quả cần thiết để đạt mục tiêu phát triển. Theo ADB [1] cho rằng hiệu quả quản trị NHTM thể hiện qua bốn yếu tố cơ bản đó là trách nhiệm giải trình, sự tham gia, tính chất có thể dự đoán và sự minh bạch.

Theo OECD [43], hiệu quả quản trị NHTM được xem xét dựa trên mức độ ứng dụng bộ khung “Các nguyên tắc quản trị của OECD”. Theo đó, bộ nguyên tắc gồm 14 nguyên tắc (chi tiết tại Phụ lục số 1 ) bao quát sáu lĩnh vực sau (i) Đảm bảo cơ sở cho một khuân khổ quản trị công ty hiệu quả; (ii) Quyền cổ đông và các chức năng sở hữu chính; (iii) Đối xử bình đẳng đối với cổ đông; (iv) Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan; (v) Công bố thông tin và tính minh bạch; (vi) Trách nhiệm của HĐQT. Đứng trên quan điểm của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị NHTM, OECD thể hiện thêm rằng hiệu quả quản trị ngân hàng biểu hiện sự công nhận quyền của các bên có quyền lợi liên quan đã được pháp luật hay quan hệ hợp đồng quy định và khuyến khích sự hợp tác tích cực giữa ngân hàng và các bên có quyền lợi liên quan trong việc tạo dựng tài sản, việc làm và ổn định tài chính. Hay nói một cách khác, hiệu quả quản trị NHTM là tìm cách khuyến khích các bên có quyền lợi liên quan thực hiện đầu tư kinh tế tối ưu vào nguồn nhân lực và tài sản của ngân hàng.

Theo Bộ các nguyên tắc tăng cường quản trị công ty đối với các tổ chức ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng [62] cho rằng hiệu quả quản trị NHTM tập trung vào những vấn đề cốt yếu của hoạt động quản trị bao gồm nghĩa vụ ngân hàng với cổ đông, khách hàng gửi tiền và các bên quyền lợi có liên quan. Hiệu quả quản trị NHTM được thể hiện ở việc thực hiện các nguyên tắc quản trị nhằm thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của thị trường, phù hợp với quy định của pháp luật, phân

định rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan giám sát, quản lý và thực thi; đảm bảo quyền lợi và đối xử bình đẳng với cổ đông.

Mangeli và George M [79] tiếp cận cách hiểu hiệu quả được thể hiện khi một đơn vị tạo quyết định có thể gia tăng được đầu ra của mình mà không cần có sự gia tăng đầu vào tương ứng hoặc ngược lại tối thiểu đầu vào với đầu ra giữ nguyên, đi đến nhận biết về hiệu quả quản trị và phân chia làm ba loại hình bao gồm hiệu quả quy mô, hiệu quả phạm vi và hiệu quả được sử dụng giúp NHTM đo lường liệu ngân hàng có kinh doanh hiệu quả khi kết hợp với các yếu tố đầu vào.

Hennie và Sonja [86] đưa ra các yếu tố để nhận diện một ngân hàng có hoạt động quản trị hiệu quả bao gồm: (i) Một chiến lược kinh doanh rõ ràng có thể đo lường được thành công chung và sự đóng góp của các cá nhân; (ii) Thiết lập và thực thi việc phân công trách nhiệm rõ ràng, quyền ra quyết định và trách nhiệm giải trình phù hợp với khuân khổ quản lý rủi ro đã lựa chọn; (iii) Có chức năng quản lý rủi ro tài chính vững chắc, hệ thống kiểm soát nội bộ đầy đủ (kiểm toán nội bộ và kiểm toán bên ngoài) và thiết kế quy trình chức năng với các khâu kiểm tra, cân đối và điều chỉnh cần thiết; (iv) Có các biện pháp khuyến khích tài chính và quản lý đối với HĐQT, BĐH và nhân viên ngân hàng; (v) Đảm bảo thông tin minh bạch và thích hợp truyền tải trong nội bộ và với công chúng.

Nhìn chung có nhiều học giả đề cập vấn đề hiệu quả quản trị NHTM. Do đó, càng nhận định rằng hiệu quả quản trị NHTM không chỉ phản ánh qua hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, nó thể hiện qua các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của bản thân NHTM và mức độ đóng góp của NHTM cho cả nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Luận án nâng cao hiệu quả quản trị ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(189 trang)