a) Mục đích đánh giá
Để nhận biết rõ tác dụng, tác động của đổi mới quản trị NHTM đối với gia tăng hay giảm sút hiệu quả kinh doanh của NHTM. Từ việc đánh giá đó xác định phương hướng và giải pháp đổi mới quản trị NHTM cho những năm tiếp theo. b)Chỉ tiêu đánh giá
Trên cơ sở quan sát thực tiễn và tham khảo ý kiến chuyên gia, phỏng vấn nhanh một số trưởng phòng ban tại các ngân hàng Vietcombank, Seabank và Techcombank
với câu hỏi “Theo anh/chị cần đổi mới hoạt động quản trị nào để nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng?”, tác giả xây dựng một số các chỉ tiêu đổi mới quản trị ngân hàng có thể ứng dụng ngay tại NHTM như sau:
+ Tỷ lệ giảm thời gian hội họp trong 1 tháng
Hội họp là một trong những cách thức hiệu quả để giải quyết công việc trong hoạt động quản trị, điều hành. Tuy nhiên nếu sử dụng không đúng thì hội họp sẽ trở thành “gánh nặng” mang tính hình thức, gây lãng phí thời gian và tiền bạc. Vì vậy cần có tư duy mới trong quản trị về vấn đề hội họp trong ngân hàng để nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh. Chỉ tiêu này sẽ được tính dựa trên hai yếu tố là thời gian hội họp sau đổi mới quản trị và thời gian hội họp trước đổi mới quản trị.
Tỷ lệ giảm thời gian hội họp = Thời gian hội họp sau đổi mới quản trị Thời gian hội họp trước đổi mới quản trị
+ Tỷ lệ giảm chi phí hoạt động trên tổng thu nhập ngân hàng
Chi phí điều hành ngân hàng phản ánh tổng chi phí dành cho hoạt động quản trị, quản lý của ngân hàng. Định mức chi phí điều hành thực chất là biến phí và sẽ thay đổi tùy thuộc vào tình hình hoạt động và quản lý của ngân hàng. Nếu mức tăng hay giảm chi phí điều hành của ngân hàng tỷ lệ nghịch với doanh thu thì ngân hàng cần xem xét và đánh giá lại tình hình kinh doanh từ đó tìm ra vấn đề. Tỷ lệ giảm chi phí điều hành của ngân hàng có thể được xem là một chỉ tiêu phản ảnh hiệu quả của đổi mới quản trị tại ngân hàng.
+ Tỷ lệ quyết sách chậm hoặc sai của Ban điều hành
Những quyết sách của Ban điều hành ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, vì vậy ứng dụng những phương pháp quản trị hiện đại, đổi mới là một trong những phương pháp giúp việc ra quyết định của lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng được hiệu quả hơn. Do đó, tỷ lệ quyết sách chậm hoặc sai của Ban điều hành cũng được xem là một chỉ tiêu phản ánh năng lực quản trị của lãnh dạo cấp cao ngân hàng, tỷ lệ này càng giảm thì chứng tỏ hiệu quả của đổi mới quản trị càng cao.