Khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh, tình hình hoạt động kinh doanh thuận lợi, nhu cầu vay vốn tăng cao, khả năng hoàn trả cũng được đảm bảo nên các ngân hàng sẽ có điều kiện thuận lợi mở rộng quy mô hoạt động, tăng khả năng sinh lời. Ngược lại, khi nền kinh tế suy giảm, hoạt động kinh doanh của các chủ thể gặp nhiều khó khăn thì họ có xu hướng thu hẹp sản xuất, khả năng trả nợ suy giảm, các khoản nợ xấu tăng khiến khả năng sinh lợi của các NHTM nói riêng và toàn ngành ngân hàng nói chung bị ảnh hưởng tiêu cực; từ đó các nhà quản trị ngân hàng khó có thể triển khai kế hoạch quản trị của mình do những thay đổi về thị trường cũng như diễn biến tiêu cực của nền kinh tế buộc các nhà quản trị phải điều chỉnh chiến lược sao cho phù hợp với tình hình mới. Như vậy có thể nói yếu tố ảnh hưởng đầu tiên đến hiệu quả quản trị của NHTM chính là phụ thuộc vào mô hình phát triển kinh tế quốc gia. Ví dụ như Hàn Quốc theo đuổi mô hình kinh tế thị trường tự do, Trung Quốc theo đuổi mô hình kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc, Việt Nam thực hiện mô hình tổng quát “phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bản chất của các mô hình này là tôn trọng kinh tế thị trường, thượng tôn quản lý Nhà nước và coi trọng công bằng (lợi ích do phát triển đem lại được phân chia công bằng cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân), do đó mô hình phát triển kinh tế quốc gia tác động trực tiếp tới mục đích phát triển của các NHTM.