Quan niệm về hiệu quả quản trị ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu Luận án nâng cao hiệu quả quản trị ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 59 - 61)

Qua nghiên cứu tổng quan các quan niệm liên quan đến hiệu quả quản trị NHTM, tác giả nhận thấy đây tiếp tục là một khái niệm chưa có sự thống nhất.

Tác giả tán đồng với quan điểm của OECD [48] về vấn đề hiệu quả quản trị khi cho rằng hoạt động quản trị của công ty nói chung và của NHTM nói riêng chỉ được cho là có hiệu quả khi khích lệ được Ban giám đốc và HĐQT theo đuổi các mục tiêu vì lợi ích của ngân hàng và của các cổ đông, cũng như phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát hoạt động của ngân hàng một cách hiệu quả, từ đó khuyến khích ngân hàng sử dụng các nguồn lực một cách tốt hơn.

Bản chất NHTM cũng là một loại hình doanh nghiệp nhưng có những đặc trưng khác biệt hơn doanh nghiệp nên quản trị NHTM vừa phải tuân thủ quy định pháp luật quản trị doanh nghiệp (luật chung) và quy định của Luật các TCTD (luật riêng áp dụng đối với các ngân hàng), Luật Chứng khoán (luật riêng áp dụng đối với các doanh nghiệp có cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán). Hoạt động quản trị NHTM nhằm mục đích thiết lập cơ chế, quy trình để bảo đảm sự giám sát của cổ đông, nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và thị trường đối với hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý, điều hành NHTM.

Xuất phát từ đặc thù của hoạt động NHTM, quản trị NHTM liên quan đến cả hai cấp độ vi mô (các ngân hàng đơn lẻ) và vĩ mô (sự ổn định hệ thống tài chính), bởi vì nó cung cấp động lực để kiểm soát ngân hàng, hiệu quả hóa việc kiểm soát và khuyến khích niềm tin của thị trường. Trong thực tiễn thực hiện hoạt động quản trị, các NHTM chịu sự can thiệp, tác động trực tiếp từ phía cơ quan giám sát ngân hàng - cơ quan có nhiệm vụ đánh giá công tác quản trị của từng ngân hàng, bao gồm cả trình độ và đạo đức của các nhà quản lý cấp cao (Hội đồng quản trị, ban giám đốc) và cơ quan này phải có đủ quyền lực để can thiệp khi quản trị của ngân hàng bất ổn. Do đó, hiệu quả quản trị NHTM cần phải hướng tới mục tiêu tăng cường sự ổn định của thị trường tài chính thay vì tối đa hóa lợi nhuận. Khi tiếp cận quản trị NHTM theo hướng này, cả NHTM, cả cộng đồng cũng như cổ đông đều có lợi.

Theo lẽ đó, tác giả cho rằng hiệu quả quản trị NHTM được nhận diện ở sự ổn định của thị trường tài chính mang lại những ảnh hưởng tích cực đối với nền kinh tế và sau đó là đối với toàn xã hội. Đối với cổ đông ngân hàng, việc không hướng tới mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận đương nhiên mang lại ít lợi nhuận hơn nhưng lại tăng thêm tính an toàn cho các khoản đầu tư của họ.

Hiệu quả quản trị NHTM được cho là kết quả phản ánh chiến lược, chiến thuật, phân tích, nghiên cứu, điều chỉnh, kiểm tra, quản trị tài chính, hoạt động marketing, quản trị nhân sự và điều hành các hoạt động của NHTM.

Tác giả cho rằng hiệu quả quản trị NHTM là một phạm trù phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực như nhân lực, vật lực, tài lực để đạt được mục tiêu kinh tế cho ngân hàng và các chủ thể hưởng lợi có liên quan, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng trong một thời gian cần thiết. Giá trị lợi ích thu được từ hiệu quả quản trị ngân hàng mang lại cũng đồng thời đem lại lợi ích về mặt xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước. Hiệu quả quản trị ngân hàng thể hiện qua hiệu quả kinh doanh của ngân hàng nhờ có quản trị đổi mới không ngừng, luôn luôn đúng đắn và chính xác, thân thiện, được bộ máy và nhân viên tin tưởng và làm việc hết mình vì sự thịnh vượng của ngân hàng.

Một phần của tài liệu Luận án nâng cao hiệu quả quản trị ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 59 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(189 trang)