Trong bối cảnh mới trên bình diện quốc tế, hoạt động ngân hàng chịu sự tác động của những quy tắc và quy định mới về quản trị ngân hàng, đòi hỏi các NHTM Việt Nam cần có sự thay đổi thích ứng. Sự thay đổi đó không chỉ nằm ở những sửa đổi nhỏ hay cải thiện chức năng của một hay một số bộ phận, phòng ban nhất định nào đó mà nó đòi hỏi các NHTM phải đổi mới mô hình hoạt động một cách phù hợp
và hiệu quả. Từ nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn có thể thấy để đổi mới quản trị ngân hàng cần thực hiện các điểm chính yếu sau đây:
− Thứ nhất là, đổi mới mô hình quản trị. Đây được xem là vấn đề quan trọng quyết định tính hiệu quả của hoạt động NHTM. Mô hình quản trị NHTM cần được xác định lại theo từng khối khách hàng để dễ quản lý, phân biệt rõ chức năng của hội sở chính và hệ thống các chi nhánh.
− Thứ hai là, đổi mới tổ chức bộ máy tinh gọn, hiện đại, đảm bảo thông tin thông suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân, từng phòng ban trong ngân hàng. Với một cơ chế phân định trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng, đảm bảo tính độc lập về chức năng, nhiệm vụ, chế độ đãi ngộ phù hợp vừa tạo động lực vừa tăng cường tính tuân thủ, giảm thiểu sai phạm, gian lận trong quá trình thực hiện.
− Thứ ba là, đổi mới phương thức chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành: điều này đòi hỏi sự thay đổi từ ý thức và tư duy quản trị của giới lãnh đạo ngân hàng, từ đó tìm ra phương thức lãnh đạo hiệu quả. Đổi mới phương thức điều hành đồng nghĩa với một hệ thống giải trình đầy đủ, kịp thời, là cơ sở để các vấn đề về hoạt động của NHTM được truyền đạt thông suốt đến các cấp quản trị, từ đó cải thiện quá trình ra quyết định và có biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả với các biến cố.
− Thứ tư là, đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng trên cơ sở hoàn thiện, triển khai các công cụ, phương pháp giám sát mới, phạm vi giám sát được mở rộng; kịp thời phát hiện những sai phạm và rủi ro trong hoạt động của NHTM và xây dựng kịp thời cảnh báo. Công tác này cần được thực hiện thống nhất và toàn diện từ Hội sở đến các chi nhánh và đơn vị trực thuộc NHTM.
− Thứ năm là, đổi mới các mối quan hệ thông qua việc xây dựng, duy trì và phát triển các mối quan hệ của NHTM với các cấp quản lý cấp cao, với NHNN, với các TCTD khác, với cán bộ nhân viên ngân hàng và với khách hàng... Đặc biệt trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay, việc thiết lập và xây dựng mối quan hệ trong kinh doanh được cho là một trong những chiến lược kinh doanh hiệu quả giúp NHTM tiếp cận được các cơ hội mới, mở rộng tiềm năng phát triển và đem về nhiều lợi ích cho ngân hàng.