a) Mục đích đánh giá
Các hệ số tài chính là công cụ được sử dụng phổ biến nhất trong đánh giá, phân tích và phản ánh hiệu quả hoạt động của các NHTM ở cấp ngành và cấp quản lý của chính phủ. Mỗi hệ số cho biết mối quan hệ giữa hai biến số tài chính, qua đó cho phép phân tích và so sánh giữa các chi nhánh, giữa các ngân hàng và phân tích xu hướng biến động của các biến số này theo thời gian. Có nhiều loại hệ số tài chính được sử dụng để đánh giá các khía cạnh hoạt động khác nhau của một ngân hàng, các hệ số tài chính này bao gồm các chỉ số phản ánh khả năng sinh lợi, các chỉ số phản ánh hiệu quả hoạt động và các chỉ số phản ánh rủi ro tài chính của NHTM.
Do vậy, hiệu quả hoạt động của ngân hàng nên được đánh giá phù hợp trên nhiều góc độ như khả năng tạo ra lợi nhuận (thông qua các chỉ tiêu như ROA, ROE), khả năng chống đỡ các cú sốc (thông qua chỉ tiêu trung gian là CAR, tỷ lệ dự phòng/Nợ xấu), khả năng kiểm soat rủi ro, chất lượng tài sản (thông qua chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn).
Nghiên cứu tổng quan tác giả đã trình bày về mối tương quan giữa hiệu quả quản trị và hiệu quả kinh doanh NHTM, hiệu quả quản trị ngân hàng được biểu hiện qua hiệu quả kinh doanh, do vậy để đánh giá việc nâng cao hiệu quả quản trị NHTM suy cho cùng là ta đi tìm hiệu quả kinh doanh thông qua việc phân tích các chỉ số tài chính phản ánh hiệu quả. Ngoài việc đi truy xét hiệu quả kinh doanh thì tác giả tập trung vào nghiên cứu quan hệ giữa đổi mới quản trị ngân hàng với sự đổi mới tích cực về hiệu quả kinh doanh.
b)Chỉ tiêu đánh giá
Để đánh giá hiệu quả quản trị NHTM thông qua các chỉ tiêu tài chính phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM, tác giả tán đồng với nghiên cứu về các chỉ số lành mạnh tài chính FSIs của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Các chỉ số được tính toán và sử dụng phổ biến cho việc giám sát an toàn vĩ mô cũng như đánh giá và phát hiện điểm mạnh, điểm yếu của NHTM. Và để đạt được mục tiêu phân tích của
luận án, tác giả sử dụng một số các chỉ tiêu cốt lõi FSIs của IMF để đánh giá hiệu quả của đổi mới quản trị thông qua hiệu quả kinh doanh (Chi tiết tại Phụ lục số 10 ).
− Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) được xem là một chỉ tiêu phản ánh mối quan hệ giữa tài sản có thể điều chỉnh rủi ro của NHTM và vốn tự có, là thước đo của mức độ vốn an toàn của ngân hàng. Hay nói một cách khác, CAR giúp NHTM xác định được khả năng thanh toán các khoản nợ có thời hạn hoặc không thời hạn của ngân hàng và những rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành mà ngân hàng có thể gặp phải.
CAR = Vốn tự có
Tổng tài sản có rủi ro
− Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) là chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu. Chỉ số này cho biết một đồng vốn chủ sở hữu bỏ ra thì đem lại bao nhiêu đồng lợi nhuận. ROE càng cao chính là dấu hiệu sử dụng vốn hiệu quả.
ROE =Lợi nhuận sau thuế Vốn chủ sở hữu
− Tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA) là tỷ số phản ánh mối tương quan giữa mức sinh lợi so với tài sản của một NHTM. Đây là chỉ số chủ yếu phản ánh tính hiệu quả của quản lý và chỉ ra rằng khả năng quản trị ngân hàng của giới lãnh đạo trong quá trình chuyển tài sản thành thu nhập ròng.
ROA = Lợi nhuận sau thuế Tổng tài sản
− Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) phản ánh hiệu quả tạo vốn và sử dụng vốn của NHTM. NIM thể hiện năng lực của giới lãnh đạo ngân hàng trong việc duy trì sự tăng trưởng của các nguồn thu (chủ yếu các nguồn thu từ các khoản vay, đầu tư và phí dịch vụ) so với mức tăng của chi phí (chủ yếu là chi lãi tiền gửi, những khoản vay trên thị trường tiền tệ, chi phí nhân sự…).
NIM =(Tổng thu nhập – Tổng chi phí) Tổng tài sản
− Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (NII) phản ánh khả năng chuyển dịch cơ cấu thu nhập của ngân hàng trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới đa dạng hóa cơ cấu thu nhập có tính rủi ro thấp.
NII = Thu nhập thuần ngoài lãi Tổng thu nhập hoạt động
− Tỷ lệ nợ xấu (NPL) phản ánh khả năng thu hồi vốn khó khăn, vốn của ngân hàng không còn ở mức rủi ro thông thường mà ở mức nguy cơ mất vốn. NPL càng thấp càng thể hiện mức độ lành mạnh của hoạt động tín dụng (theo quy định tỷ lệ này đảm bảo ở mức dưới 3%).
NPL = Nợ xấu
Tổng dư nợ
− Năng suất lao động phản ánh hiệu quả công việc của mỗi nhân viên và cho biết rằng mỗi nhân viên tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận cho ngân hàng. Xét về góc độ quản lý, điều hành thì năng suất lao động thể hiện năng lực quản trị nhân sự và phân công, giao việc hiệu quả của giới lãnh đạo ngân hàng.
Năng suất lao động = Tổng lợi nhuận sau thuế Số lượng lao động
− Mức độ đóng góp cho nền kinh tế thể hiện thông qua tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước (NSNN), vừa mang lại hiệu quả cho chính bản thân NHTM vừa mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Tỷ trong đóng góp cho NSNN = Số thuế thu nhập NHTM đã nộp Tổng thu thuế doanh nghiệp của Nhà nước