8. Cấu trúc của luận văn
1.2.4. Khái niệm về bạo lực học đường
1.2.4.1. Bạo lực
Có những cách hiểu khác nhau về bạo lực, dưới góc độ theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học thì hiểu: “Bạo lực là sức mạnh dùng để chỉ sự cưỡng bức, trấn áp hoặc lật đổ”.[35]. Theo từ điển Anh - Việt: “Violence” dịch sang tiếng Việt là “bạo lực, sự cưỡng bức, sự dữ dội, sự mãnh liệt, tính hung dữ”.
Từ hai khái niệm trên cho ta thấy bạo lực đó là những hành động mang tính chất chiếm đoạt làm tổn thương đến người khác và bị pháp luật trừng phạt. Nói cách khác, đó chỉ là khái niệm được hiểu theo nghĩa hẹp của bạo lực. Ngày nay, quan điểm về bạo lực không chỉ giới hạn ở những hành động làm tổn thương đến thể chất mà còn xét cả ở những hành động làm tổn thương đến tinh thần của người khác trong gia đình và ngoài xã hội. Từ đó, bạo lực chúng ta có thể hiểu như sau: Bạo lực là dùng sức mạnh, quyền lực, lời nói hay các hành động để cưỡng bức, trấn áp, đe dọa, hành hung…làm tổn thương đến thể chất, tinh thần của người khác và không có sự chấp nhận của người đó.
1.2.4.2. Bạo lực học đường
Bạo lực học đường đây là một vấn nạn của của mỗi quốc gia và được nhiều quốc gia quan tâm giải quyết. Theo nghiên cứu về bạo lực học đường ở nhiều quốc gia, bên cạnh thuật ngữ bạo lực học đường, người ta thường nói đến thuật ngữ bắt nạt học đường. Bắt nạt học đường cũng là một phần của bạo lực học đường và thậm chí nhiều lúc người ta còn đồng nhất giữa bắt nạt học đường và bạo lực học đường.
Dan Olweus, trong cuốn sách “Bắt nạt trong trường học, chúng ta biết gì và chúng ta có thể làm gì” đã đưa ra định nghĩa theo một cách chung nhất, bắt nạt trong trường học như một “hành vi tiêu cực được lặp đi lặp lại, có ý định xấu của một hoặc nhiều học sinh nhằm trực tiếp chống lại một học sinh, người có khó khăn trong việc tự bảo vệ bản thân” [23].
Theo tác giả Roberts Filman thì cho rằng: "Bạo lực học đường là hành vi lệch chuẩn của học sinh, là hành vi đi ngược lại các quy tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội, nội quy của nhà trường mà các em là thành viên". [40]
Tác giải Đỗ Thị Nga thì cho rằng BLHĐ là những hành vi cố ý, sử dụng vũ lực, quyền uy của học sinh hoặc giáo viên đối với những học sinh, giáo viên hoặc những người khác và ngược lại. “Đó có thể là những hành vi bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục, bạo lực ngôn ngữ, những bắt ép về tài chính hoặc những hành vi khác có thể gây ra những tổn thương về mặt tinh thần hoặc thể xác của người bị hại".[18]
Qua nghiên cứu những quan điểm trên về BLHĐ chúng ta thấy phạm vi của BLHĐ rất rộng, bao gồm cả phạm vi trong và ngoài trường; xảy ra giữa HS với HS,
HS với giáo viên,… Theo chúng tôi thì bạo lực học đường là hành vi xâm hại có chủ ý, dùng quyền y, vũ lực xâm phạm về phẩm chất và tinh thần đối với cán bộ, giáo viên, học sinh trong và ngoài nhà trường, thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nếu nhìn từ góc độ lấy học sinh làm trung tâm thì bạo lực học đường là sự xâm hại của học sinh đối với học sinh, sự xâm hại của học sinh đối với người bên ngoài nhà trường và ngược lại, là sự xâm hại của giáo viên đối với học sinh và ngược lại.
1.2.4.3. Các loại hành vi bạo lực học đường - Bạo lực thể xác
Bạo lực về thể xác có thể được hiểu là những hành vi sử dụng vũ lực gây ra những tổn thương về mặt thể xác cho người khác. Các hành vi bạo lực như ném đồ vật, xô đẩy, va chạm, cản đường đi, đánh đấm, giật tóc… gây ra thương tích cho người khác được xem là các hành vi bạo lực về thể xác. Đây là loại hành vi được nhiều người biết đến, được xã hội quan tâm nhiều hơn và gây hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác. Báo chí đã tốn không ít giấy mực để viết về những vụ bạo lực học đường với những màn ẩu đả, đánh đập nhau dã man giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên và cả với những người ngoài trường học. Các hành vi bạo lực thể xác không chỉ dừng lại ở mức độ đấm đá, cào cấu, ẩu đả mà có lúc đã tới mức dùng những vũ khí nguy hiểm như dao, kiếm, ống tuýp nước… để đánh đấm, chém giết nhau. Chính vì thế, hậu quả của những hành vi bạo lực về thể xác ở học đường hiện nay không chỉ dừng lại ở thương tích mà còn cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội.
- Bạo lực tinh thần
Bạo lực tinh thần có thể hiểu là những hành động như: cấm đoán, xua đuổi, cô lập không cho tiếp xúc với người khác; quấy rối và gây áp lực một cách thường xuyên về tâm lý... gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt tinh thần [10].
Ở trường học, bạo lực tinh thần thể hiện ở những hình thức như: xa lánh và lôi kéo các bạn khác cùng xa lánh, không chơi với một bạn khác, nói xấu bạn để những người khác tẩy chay bạn, tạo cho người bạn đó cảm giác bị cô lập và lâu dài có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm. Hoặc cũng có thể là dùng lời lẽ đe dọa, chọc ghẹo hay những hành động quấy rối khác làm cho nạn nhân cảm thấy bất tiện, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi.
Còn một phương tiện nữa, mang tính chất bạo lực về tinh thần, đó là sử dụng điện thoại di động để ghi hình vụ hành hung, sau đó đưa lên mạng Internet. Với cách làm này những nạn nhân bị bạo lực học đường sẽ cảm thấy xấu hổ khi có nhiều người biết đến với hình ảnh “thấp kém”, bị bạn bè bắt nạt. Cảm giác “xấu hổ” đó có thể làm cho nạn nhân mất tự tin, cô lập mình và cũng có thể gây ra nhưng hành vi phản ứng với tính chất “trả thù”. Thông qua số lượng các video clip xuất hiện trên mạng, chúng ta có thể thấy cách thức này ngày càng được sử dụng phổ biến.
Hiện nay các hành vi bạo lực tinh thần chưa được nhiều người quan tâm đúng mức cũng như chưa nhận thức được đó là một hình thức bạo lực cần lên án. Đặc biệt đối với học sinh, đó có thể chỉ là cách cư xử được các em xem là “bình thường” để thể
hiện thái độ của mình đối với bạn và cũng có thể là để “tẩy chay” bạn nhưng các em cũng không nhận thức được đó là hành vi bạo lực có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt tinh thần.
- Bạo lực ngôn ngữ
Theo định nghĩa của Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học, hành vi ngôn ngữ là một đoạn lời nói có tính mục đích nhất định được thực hiện trong những điều kiện nhất định [12]. Như vậy, hành vi bạo lực ngôn ngữ có thể được hiểu là hành vi sử dụng lời nói để lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc dùng để đe dọa, bắt ép người khác. Đó là việc đặt cho bạn những tên gọi phản cảm hay những câu đùa thô bạo, loan truyền các câu chuyện chế nhạo, dùng lời lẽ đe dọa và xúc phạm bạn bè.
Không chỉ giữa những học sinh với nhau mà hành vi bạo lực ngôn ngữ ở các giáo viên sử sụng để “dạy” học sinh cũng không phải là ít. Thực tế giáo dục hiện nay cho thấy hiện tượng GV chửi mắng, xúc phạm HS vẫn còn tồn tại ở những mức độ khác nhau và chưa được quan tâm đúng mức. Dẫn lời một bài báo điện tử: Có giáo viên chỉ cần học sinh trái ý, sơ ý là mắng mỏ nặng nề. Thậm chí có một số giáo viên mắc “bệnh thích chửi”. HS nói chuyện bị mắng đã đành, HS ngồi yên lặng quá cũng bị mắng; chỉ cần HS có một lỗi nhỏ là GV “giảng” cả tiết dạy, đến lớp nào cũng to tiếng quát mắng học sinh. Có GV bức xúc chuyện gia đình, xã hội, biến HS trở thành nơi để xả những bức xúc. Có những GV làm HS nghe đến tên là sợ.
Hậu quả của kiểu “bạo hành bằng ngôn ngữ” trong nhà trường hết sức nặng nề. Nó làm méo mó hình ảnh người GV, hạ thấp “tầm” của người GV trong mắt HS, đầu độc môi trường giáo dục, phá hoại mối quan hệ tốt đẹp trong nhà trường. HS bị tổn thương nặng nề, dai dẳng, ức chế, nhiều em trở nên chai lì và có thể có những phản ứng tiêu cực.
Bạo lực ngôn ngữ cũng chưa được nhiều người quan tâm, thậm chí vài người còn xem đây là một cách tránh rắc rối vì bạo lực bằng lời không để lại những vết thương bằng da bằng thịt. Nhiều người đã không nhận thức được hậu quả mà những hành vi bạo lực ngôn ngữ có thể gây ra. Đặc biệt nhất là hậu quả về mặt tinh thần, những hành vi ngôn ngữ thô bạo có thể làm cho người khác luôn có cảm giác lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, đặc biệt nếu bị xúc phạm quá mức, nó sẽ kéo theo hậu quả là những hành vi bạo lực về thể xác.
- Bắt ép về tài chính
Bắt ép hay bạo lực về tài chính có thể hiểu là những hành vi nhằm mục đích ép buộc người khác phải lệ thuộc về tài chính hoặc điều khiển vấn đề tài chính của họ. Ở các trường học, các hành vi bắt ép tài chính diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: trấn lột tiền của bạn, bắt ép bạn khác phải mua những đồ dùng học tập hoặc “cống nạp” những đồ dùng học tập họ có hoặc có thể là bắt ép bạn phải mua đồ ăn sáng, đồ ăn vặt… Ngoài ra, còn có hình thức bắt ép theo kiểu xã hội đen, để khỏi bị kẻ khác ăn hiếp, nhiều
em phải đưa tiền cho nhóm “cầm đầu” để được “bảo kê”, che chở. Có em không có tiền phải đi vay tiền bạn bè để “chung” đúng hẹn.
Ngoài ra còn có một số hình thức “trấn lột” gián tiếp như: lấy ba lô, sách vở của bạn rồi ép bạn đưa tiền đến chuộc hoặc vay mượn đồ dùng, tiền của bạn đến khi được yêu cầu hoàn trả thì giả vờ không biết, nếu chủ nhân lên tiếng thì các hình thức chơi ép phe bắt đầu xuất hiện. Họ đi gieo rắc vào đầu những bạn ủng hộ mình những ý nghĩ xấu về nạn nhân, xuyên tạc sự thật, sau đó lại đòi giúp đỡ và nếu người nghe không biết làm gì để giúp thì “tẩy chay” đối tượng. Nạn nhân sẽ rất khổ sở và cảm thấy đơn độc khi tất cả đều chống đối mình và không có ai bên cạnh. Đó như là một kiểu vừa bạo hành tài chính vừa bạo hành tinh thần.
Hiện tượng trấn lột, cưỡng đoạt tài sản có HS tham gia (chủ yếu HS cấp II, cấp III) đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Nhiều HS bị các đối tượng xấu lôi kéo vào băng cướp giật. Có em không trực tiếp tham gia nhưng làm “chỉ điểm” cho các đối tượng ngoài xã hội trấn lột, cướp tài sản của HS khác.
Hậu quả của bạo lực tài chính là gây ra những tổn hại về mặt tài chính cho nạn nhân. Không chỉ dừng lại ở mức độ đồ dùng học tập, tiền ăn sáng không đáng kể mà đã có nhiều vụ bắt ép tài chính làm thiệt hại lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Gần đây, một học sinh tại TPHCM đã bị một nhóm học sinh bắt ép, trấn lột khoản tiền lên đến 104 triệu đồng. Không những thế, hành vi bạo lực tài chính còn để lại những hậu quả về mặt tinh thần. Các nạn nhân bị bạo lực tài chính sẽ sống trong cảm giác lo lắng, sợ hãi. Lo lắng sẽ bị bắt ép nhiều lần, lo lắng nếu không đáp ứng yêu cầu của những kẻ bắt ép sẽ phải chịu những hậu quả khác, lo lắng vì sợ gia đình biết… Cũng có thể nạn nhân sẽ nảy sinh cảm giác thù hận và đưa tới những hành vi bạo lực khác.
- Bạo lực về tình dục
Người ta gọi những hành vi quấy rối tình dục là hành vi thỏa mãn tình dục mà không được sự đồng ý của đối phương, biểu hiện bằng những lời nói bóng gió, bình luận có liên quan đến tình dục; lời đánh giá về khả năng tình dục của ai đó; trưng bày, gửi ảnh, liếc mắt đưa tình hay nhìn chằm chằm vào vùng nhạy cảm của phụ nữ; động chạm, sờ mó, véo trên cơ thể người khác mà không được sự đồng ý của nạn nhân. Hành vi tình dục ở đây có thể hiểu rộng hơn là lời nói, là sự đụng chạm vào thân thể người khác. Những hành vi như vậy cũng có thể được coi là bạo lực về tình dục. Hoặc có thể hiểu bạo lực tình dục là những hành vi bắt ép người khác phải thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình. Ở chốn học đường người ta thường nhắc tới nhiều hơn đến việc các thầy giáo bắt ép học sinh phải có quan hệ tình dục để đổi lấy những điểm số ưng ý. Ngoài ra cũng có những hành vi hiếp dâm của một số thầy giáo suy đồi về mặt đạo đức đối với học sinh. Gần đây báo chí đã nói tới không ít những vụ hiếp dâm của những thầy giáo dạy tiểu học đối với những học sinh mới chỉ học lớp 2, lớp 3, gây bức xúc trong dư luận.
Ở Trung Quốc một cuộc điều tra vào năm 2002 của Đoàn thanh niên cộng sản ở Thượng Hải đối với 466 học sinh nam và 545 học sinh nữ thì 10,3% trong số đó phải chịu sự quấy rối tình dục từ giáo viên, với 43% không chắc chắn liệu một số tiếp xúc cơ thể và những lời nói khiêu khích của giáo viên có được coi là quấy rối hay không.
Còn tại Việt Nam, những con số về bạo lực tình dục cũng không phải là ít. "Gần 16% các thiếu nữ bị quấy rối tình dục ngay tại học đường; 4,3% số em đã bị ép quan hệ tình dục trong vòng 12 tháng trở lại đây, nhưng chỉ 10% chia sẻ điều đó với bố mẹ, thầy cô, 70% thì... giấu kín" - là công bố mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ - vị thành niên.
Tại các trường THPT Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; THPT Hồng Đức, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh và THPT Trần Hưng Đạo, Quận Gò Vấp, TP.HCM - nơi tiến hành nghiên cứu, gần 50% số HS được khảo sát cho biết, đã bị ép buộc từ một - ba lần và 18,2% số em bị cưỡng ép đến 10 lần. Nạn nhân đa phần là nữ - chiếm 79,2%, nam chiếm 20,8%. Các em bị quấy rối tình dục từ rất sớm, nhiều nhất là từ 14-16 tuổi (69,2%), có những em là nạn nhân của những hành vi sàm sỡ từ bảy - chín tuổi.
Theo nhóm nghiên cứu, những hành vi như dùng từ ngữ tán tỉnh, mang tính gợi dục; gửi thư với ngôn từ sex; đưa cho xem những hình ảnh khiêu dâm; chạm vào những bộ phận cơ thể; đeo bám theo khi đi học và gợi ý quan hệ tình dục... đã được chính các em HS coi là hành vi quấy rối tình dục mà các em từng vấp phải. Thủ phạm được các em nhắc tới có đến 46% là người quen biết (thầy giáo, bạn bè, hàng xóm, họ hàng, khách của gia đình) và 54% là người các em không hề quen biết.
Những con số nêu trên cho ta thấy được một thực trạng đáng báo động về bạo lực tình dục đối với học sinh hiện nay. Hậu quả của những hành vi quấy rối, bạo lực tình dục thường là những hậu quả nặng nề về mặt tinh thần. Một khi các em chưa có tâm lý