8. Cấu trúc của luận văn
1.4.3. Chỉ đạo hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên mầm non
Chỉ đạo là quá trình liên kết, liên hệ giữa các thành viên trong tổ chức, tập hợp, động viên và hướng dẫn điều hành họ hoàn thành những nhiệm vụ nhất định để đạt được mục tiêu tổ chức.
Khi kế hoạch đã được thiết lập, cơ cấu bộ máy đã hình thành, nhân sự đã được tuyển dụng thì phải có ai đó đứng ra lãnh đạo, dẫn dắt tổ chức. Chỉ đạo là quá trình sử dụng quyền lực quản lý để tác động đến các đối tượng bị quản lý một cách có chủ đích nhằm phát huy hết tiềm năng của họ hướng vào việc đạt mục tiêu chung. Hiệu trưởng với vai trò là người đứng đầu thực hiện công tác chỉ đạo bằng mệnh lệnh, gợi ý, hướng dẫn, kích thích, động viên hoặc bằng các thủ thuật khác tác động vào đối tượng quản lý để bộ máy hoạt động nhịp nhàng, đi đúng hướng và đạt được mục tiêu đề ra. Lãnh đạo làm sao để mọi người tuân thủ, nếu khéo vận dụng thì tạo được thời cơ, tận dụng được cơ hội để rút ngắn thời gian đạt mục tiêu với chất lượng và kết quả tốt.
Căn cứ vào kế hoạch bồi dưỡng giáo viên của nhà trường, Hiệu trưởng chỉ đạo phó hiệu trưởng xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên các nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ. Lồng ghép các nội dung cần bồi dưỡng về lĩnh vực chuyên môn, kỹ năng sư phạm vào kế hoạch năm học, đồng thời cụ thể các nội dung trong kế hoạch tháng, mỗi tháng cần bồi dưỡng nội dung nào; việc xác định nội dung cần bồi dưỡng căn cứ vào công tác dự giờ, kiểm tra giáo viên và các chỉ đạo của ngành.
Chỉ đạo hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên mầm non có thể được thực hiện tập trung trong các nội dung sau:
- Hướng dẫn chỉ đạo cụ thể nội dung và cách thức tổ chức hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cho tổ chuyên môn.
- Hướng dẫn, chỉ đạo, tạo điều kiện cho GV thực hiện kế hoạch tự bồi dưỡng. - Tổ chức hoạt động bồi dưỡng tập trung theo kế hoạch tập huấn của Bộ, sở, phòng GD&ĐT.
- Tổ chức thực hiện các chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên ở trường
- Tổ chức thực hiện các chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên ở tổ chuyên môn.