8. Cấu trúc của luận văn
1.3.1. Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh trung học phổ thông
Lứa tuổi thanh niên là giai đoạn phát triển bắt đầu từ lúc dậy thì và kết thúc khi bước vào tuổi người lớn. Tuổi thanh niên là giai đoạn từ 15 - 25 tuổi, được chia làm hai thời kỳ:
Thời kỳ từ 15 - 18 tuổi: gọi là tuổi đầu thanh niên;
Thời kỳ từ 18 - 25 tuổi: giai đoạn hai của tuổi thanh niên (thanh niên sinh viên). Lứa tuổi HS THPT thuộc giai đoạn đầu.
Tuổi HS THPT là thời kỳ đạt được sự trưởng thành về mặt cơ thể. Sự phát triển thể chất đã bước vào thời kỳ phát triển bình thường, hài hòa, cân đối. Ở tuổi đầu thanh niên, HS THPT vẫn còn tính dễ bị kích động và sự biểu hiện giống như lứa tuổi thiếu niên. Tuy nhiên tính dễ bị kích động ở tuổi thanh niên không phải chỉ do nguyên nhân sinh lý như lứa tuổi thiếu niên mà nó còn do cách sống của cá nhân ở độ tuổi này như hút thuốc lá, không giữ điều độ trong học tập, lao động, vui chơi.... Nhìn chung lứa tuổi THPT có sức khỏe và sức chịu đựng tốt hơn tuổi thiếu niên. Sự phát triển của thể chất lứa tuổi này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và nhân cách cũng như ảnh hưởng tới những lựa chọn trong cuộc sống của mỗi người.
Trong gia đình, HS lứa tuổi THPT đã có nhiều quyền lợi và trách nhiệm như người lớn. Cha mẹ bắt đầu trao đổi với con cái ở lứa tuổi này về một số vấn đề quan trọng trong gia đình. HS lứa tuổi này bắt đầu quan tâm đến nề nếp, lối sống, sinh hoạt và điều kiện kinh tế của gia đình. Đây là lứa tuổi vừa học tập vừa lao động.
Ở nhà trường, học tập vẫn là chủ đạo nhưng tính chất và mức độ thì cao hơn lứa tuổi thiếu niên. Lứa tuổi này đòi hỏi tính tự giác và độc lập hơn. Trong giai đoạn này, nhà trường có vị trí quan trọng, đây là nơi không chỉ trang bị tri thức mà còn tác động hình thành thế giới quan và nhân sinh quan cho mỗi học sinh.
Hoạt động xã hội của thiếu niên thường mang tính chất nội bộ của nhà trường. Đối với lứa tuổi THPT lại khác, hoạt động lúc này đã vượt ra khỏi phạm vi của nhà trường, ảnh hưởng của xã hội tới nhóm này rất mạnh. Ở lứa tuổi này đã có suy nghĩ về việc lựa chọn nghề và cách sống trong tương lai. Khi tham gia vào các hoạt động xã hội HS THPT được tiếp xúc với nhiều tầng lớp khác nhau giúp các em có cơ hội hòa nhập vào cuộc sống đa dạng và phức tạp, giúp tích lũy kinh nghiệm, vốn sống cho cuộc sống tự lập sau này.
Học tập vẫn là hoạt động chủ đạo của HS THPT, với những yêu cầu cao hơn về tính tích cực và độc lập trí tuệ, phù hợp với sự phát triển thể chất và tâm, sinh lý của lứa tuổi này. Muốn lĩnh hội được sâu sắc môn học phải có trình độ tư duy, đòi hỏi phải có tính năng động và độc lập ở lứa tuổi này so với lứa tuổi THCS. Thái độ đối với việc học tập cũng có sự thay đổi. Thái độ tự ý thức về việc học tập cho tương lai được nâng cao. HS THPT bắt đầu đánh giá hoạt động chủ yếu theo quan điểm về tương lai của mình; có thái độ lựa chọn đối với từng môn học và đôi khi chỉ chăm chỉ học những môn được cho là quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai. Ở lứa tuổi này, các hứng thú và khuynh hướng học tập đã trở nên xác định và thể hiện rõ ràng hơn, HS
thường có hứng thú ổn định đối với một môn khoa học hay lĩnh vực nào đó. Điều này kích thích nguyện vọng mở rộng và đào sâu các tri thức trong linh vực tương ứng.
Lứa tuổi THPT là giai đoạn quan trọng trong việc phát triển trí tuệ. Do cơ thể được hoàn thiện nên tạo điều kiện cho phát triển trí tuệ. Cảm giác và tri giác lứa tuổi này đã đạt mức độ của người lớn. Điều này làm cho năng lực cảm thụ được nâng cao, trí nhớ cũng phát triển rõ rệt, HS đã biết sử dụng nhiều phương pháp ghi nhớ chứ không chỉ ghi nhớ một cách máy móc (học thuộc). Sự chú ý của HS THPT cũng phát triển, ví dụ HS có thể tập trung chú ý vào tài liệu mà mình không hứng thú nhưng hiểu được ý nghĩa quan trọng của nó.
Hoạt động tư duy của HS THPT phát triển mạnh, ở thời kỳ này HS đã có khả năng tư duy lý luận, trừu tượng một cách độc lập và sáng tạo.
Những năng lực như phân tích, so sánh, tổng hợp cũng phát triển. Tóm lại, hoạt động nhận thức của lứa tuổi HS THPT đã phát triên ở mức độ cao, có khả năng nhận thức vấn đề một cách đúng đắn và sâu sắc. Khả năng tư duy và nhận thức cũng sẽ dần được hoàn thiện trong quá trình học tập và rèn luyện cá nhân.
Sự tự ý thức là một đặc điểm nổi bật trong sự phát triển nhân cách của HS THPT, nó có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển tâm lý của lứa tuổi này. Sự tự ý thức của HS THPT được biểu hiện ở nhu cầu tìm hiểu và tự đánh giá những đặc điểm tâm lý của mình theo các chuẩn mực đạo đức của xã hội, theo quan điểm về mục đích cuộc sống. Điều này khiến HS quan tâm sâu sắc tới đời sống tâm lý, những phẩm chất nhân cách và năng lực riêng, cũng như tự đánh giá khả năng của mình.
Giai đoạn này, HS không chỉ tự ý thức về cái tôi của mình mà còn nhận thức vị trí của mình trong tương lai. Xuất hiện khuynh hướng phân tích và tự đánh giá bản thân mình một cách độc lập. HS THPT có nguyện vọng thể hiện cá tính của mình trước mọi người một cách độc đáo, tìm cách đề người khác quan tâm đến mình hoặc làm điều gì đó nổi bật.
Sự hình thành thế giới quan là nét chủ yếu trong tâm lý thanh niên vì họ đang có nhu cầu khám phá, tìm hiểu về thế giới. Việc hình thành thế giới quan dựa trên cơ sở những tri thức mà HS được học ở trường về những thói quen đạo đức, thấy được cái đẹp, cái tốt, xấu ... dần dần ý thức và qui vào các hình thức, tiêu chuẩn nguyên tắc hành vì xác định theo một hệ thống hoàn chỉnh.
HS THPT đã có ý thức xây dựng lý tưởng sống cho mình, biết xây dựng hình ảnh con người lý tưởng gần với thực tế sinh hoạt hàng ngày.
Về xu hướng nghề nghiệp, đã xuất hiện nhu cầu lựa chọn vị trí xã hội cho bản thân trong tương lai và các phương thức đạt tới vị trí xã hội ấy. HS THPT đã nhận thức được rằng cuộc sống trong tương lai phụ thuộc vào chỗ mình có biết lựa chọn nghề
nghiệp một cách đúng đắn không.
Các em khao khát muốn có những quan hệ bình đẳng trong cuộc sống và có nhu cầu sống cuộc sống tự lập. Tính tự lập của các em thể hiện ở ba mặt: tự lập về hành vi, tự lập về tình cảm và tự lập về đạo đức, giá trị. Nhu cầu giao tiếp với bạn bè cùng lứa tuổi trong tập thể phát triển mạnh. Trong tập thể, các em thấy được vị trí, trách nhiệm của mình và các em cũng cảm thấy mình cần cho tập thể. Khi giao tiếp trong nhóm bạn sẽ xảy ra hiện tượng phân cực – có những người được nhiều người yêu mến và có những người ít được bạn bè yêu mến. Điều đó làm cho các em phải suy nghĩ về nhân cách của mình và tìm cách điều chỉnh bản thân. Tình bạn đối với các em ở tuổi này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tình bạn thân thiết, chân thành sẽ cho phép các em đối chiếu được những thể nghiệm, ước mơ, lí tưởng, cho phép các em học được cách nhận xét, đánh giá về mình. Nhưng tình bạn ở các em còn mang màu sắc xúc cảm nhiều nên thường có biểu hiện lí tưởng hóa tình bạn, có nghĩa là các em thường đòi hỏi ở bạn mình phải có những cái mình muốn chứ không chú ý đến khả năng thực tế của bạn.
Ở tuổi này cũng đã xuất hiện môt loại tình cảm đặc biệt – tình yêu nam nữ. Tình yêu của lứa tuổi này còn được gọi là “tình yêu bạn bè”, bởi vì các em thường che giấu tình cảm của mình trong tình bạn nên đôi khi cũng không phân biệt được đó là tình bạn hay tình yêu. Do vậy mà các em không nên đặt vấn đề yêu đương quá sớm vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc học tập. Tình yêu của nam nữ thanh niên tạo ra nhiều cảm xúc: căng thẳng vì thiếu kinh nghiệm, vì sợ bị từ chối, vì vui sướng khi được đáp lại bằng sự yêu thương.