8. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống
Các biện pháp phải đảm bảo tính hệ thống, bản thân quá trình GDĐĐ cũng là một hệ thống với nhiều thành tố có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Quản lý công tác GDĐĐ cũng là một hệ thống gồm nhiều khâu, nhiều chức năng và mối quan hệ với việc quản lý các mặt giáo dục khác trong nhà trường. Vì vậy, các biện pháp phải bao gồm các tác động vào tất cả các khâu của quá trình quản lý, các thành tố của quá trình GDĐĐ, vào các chủ thể tham gia vào quá trình này. Do đó, các biện pháp phải có mối liên hệ chặt chẽ thống nhất với nhau để tạo sự tác động tổng hợp.
Tính hệ thống đòi hỏi sự nhất quán về mục tiêu, định hướng nội dung của hệ thống các biện pháp đề xuất. Khi xây dựng từng biện pháp cần chỉ ra được ý nghĩa của biện pháp, phân tích nội dung biện pháp, cách thức tiến hành các công việc một cách cụ thể để cán bộ quản lý, giáo viên có thể hiểu, thực hiện được và phải phù hợp với điều kiện thực tế ở nhà trường. Các biện pháp quản lý công tác tác phối hợp các lực lượng trong GDĐĐ cho học sinh ở các trường THPT, mặc dù được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tiễn trong phạm vi hẹp của một địa bàn cụ thể nhưng phải có tính khái quát cao, có khả năng ứng dụng vào thực tế quản lý GDĐĐ cho học sinh ở cả hệ thống các trường THPT trên địa bàn thành phố Cà Mau.
Các biện pháp cần khai thác được tiềm năng của các lực lượng xã hội, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị - xã hội ở địa phương hướng đến mục tiêu chung giáo dục học sinh, nâng cao hiệu quả công tác GDĐĐ cho học sinh THPT; cần huy động được các lực lượng trong và ngoài trường tham gia vào quá trình giáo dục, xây dựng được môi trường giáo dục thống nhất lành mạnh. Các biện pháp quản lý GDĐĐ cần phải phát huy được tiềm năng thực tế của xã hội ở địa bàn nghiên cứu.
Công tác giáo dục đạo đức cho học sinh cần có sự gắn kết chặt chẽ với quá trình dạy học trên lớp và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; có định hướng thống nhất các yêu cầu, mục đích giáo dục giữa các tổ chức giáo dục trong và ngoài nhà trường; tính lâu dài của quá trình hình thành, phát triển nhân cách và các phẩm chất đạo đức của học sinh. Để GDĐĐ cho học sinh một cách tốt nhất thì cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc hệ thống trong giáo dục, từ đó gia tăng hiệu quả tác động đến đối tượng.