Tình hình sản xuất rau, quả tươi theo tiêu chuẩn VietGAP ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn vietgap của nông hộ tại huyện bắc giang tỉnh hà giang (Trang 42 - 47)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiến

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.2. Tình hình sản xuất rau, quả tươi theo tiêu chuẩn VietGAP ở Việt Nam

2.2.2.1. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hoá

- Văn kiện Đại hội X của Đảng đã quyết định về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 nhấn mạnh: Hiện nay và trong nhiều năm tới vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Phải luôn coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá lớn,

đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; tạo điều kiện từng bước hình thành nền nông nghiệp sạch.

- Quyết định số 182/1999/QĐ-TTg ngày 03/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh thời kỳ 1999 - 2010. Quyết định số 52/2007/QĐ-BNN ngày 05/6/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quy hoạch phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh đến năm 2010, tầm nhìn 2020.

- Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến năm 2016. Theo đó Ngân sách Nhà nước đầu tư điều tra, xác định các vùng đủ điều kiện sản xuất rau, quả, chè an toàn tập trung, xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng; ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư cho bán buôn, kho bảo quản, xúc tiến thương mại, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí đã phân bổ hàng năm hỗ trợ giống, khuyến nông vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn tập trung; Về đất đai: tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất rau, quả, chè an toàn được ưu tiên thuê đất và được hưởng mức ưu đãi cao nhất về tiền sử dụng đất, giá thuê đất theo các quy định hiện hành.

Như vậy, với rất nhiều các chính sách hỗ trợ từ chủ trương của Đảng, các Quyết định, Chỉ thị của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ khuyến khích phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hoá đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hoá những năm qua và các năm tiếp theo chúng ta tin tưởng rằng trong thời gian tới cây ăn quả sẽ tiếp tục phát triển về cả số lượng và chất lượng, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức những chỉ tiêu đã đề ra và quan trọng hơn cả là đem lại đời sống ngày càng tốt hơn cho người nông dân.

2.2.2.2. Tình hình sản xuất rau quả theo theo tiêu chuẩn VietGap ở Việt Nam Về mặt quản lý nhà nước, chúng ta đã có những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy sản xuất nông sản thực phẩm an toàn nói chung và sản xuất cây ăn quả nói riêng, trong đó có sản phẩm cam sành. Đặc biệt là việc đưa ra các pháp lệnh, quyết định, thông tư liên quan:

* Pháp lệnh VSATTP (Vệ sinh an toàn thực phẩm)

VSATTP. UBTV Quốc hội đã ban hành pháp lệnh số 12/2003/PL_UBTVQH ngày 26/07/2003 quy định về VSATTP. Đây là khung pháp lý cho việc quản lý VSATTP từ trung ương đến địa phương, trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được bổ sung hoàn thiện hơn; công tác phối hợp liên ngành được tăng cường. Ngày 07/9/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm 2003. Bên cạnh những kết quả có được, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn rất nhiều vấn đề: chưa kiểm soát và ngăn chặn triệt để tình trạng rau quả bị ô nhiễm hoá chất độc hại; thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản còn dư lượng kháng sinh, hóc môn; việc sử dụng các hoá chất, phụ gia không đúng quy định trong chế biến, bảo quản thực phẩm; việc kinh doanh nhập khẩu thực phẩm không được kiểm soát chặt chẽ; các vi phạm pháp luật chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh... Để khắc phục tình trạng trên nhằm thiết lập trật tự kỷ cương, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị 06/2007/CT-TTg ngày 28/03/2007 về việc triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm VSATTP. Nội dung chỉ thị yêu cầu: Tăng cường các biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Khẩn trương kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống quản lý, thanh tra kiểm nghiệm. Đặc biệt nghiêm túc thực hiện và kiểm soát chặt chẽ các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chế biến rau quả tươi. Tăng đầu tư về ngân sách, nhân lực cho công tác bảo đảm VSATTP.

* Qui định sản xuất một số sản phẩm nông sản an toàn

Bộ NN và PTNT kết hợp với Bộ khoa học và công nghệ, Cục BVTV trong những năm gần đây liên tục ban hành các văn bản liên quan đến thực hành nông nghiệp tốt VietGap, nhằm đáp nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu như: Quyết định số 04/2007/QĐ-BNN ngày 19/01/2007 Bộ NN và PTNT về việc ban hành quy định quản lý sản xuất và chứng nhận RAT; thông tư số 59/2012/TT-BNNPTNT ngày 9/11/2012 của Bộ NN&PTNT quy định quản lý rau, quả chè an toàn. Nội dung thông tư quy định đối với tổ chức, cá nhân đăng ký sản xuất, sơ chế, chế biến rau, quả, chè đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến; kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, sơ chế, chế biến rau, quả, chè an toàn tại Việt Nam. Quyết

định số 52/2007/QĐ-BNN phê duyệt quy hoạch phát triển rau quả và hoa cây cảnh đến năm 2010, tầm nhìn 2030..

* Quyết định thực hiện VietGAP

Trong những năm gần đây việc áp dụng và triển khai các quy định, quy trình về sản xuất, quản lý rau quả và chè an đã có sự phát triển sâu rộng và tương đối đồng bộ, nhưng bên cạnh đó vấn còn một số bất cập nhất là vấn đề môi trường một số vùng trồng rau, quả ở các khu vực thành thị chưa đảm bảo như gần khu công nghiệp bị ô nhiễm nặng và đang có chiều hướng gia tăng. Công tác quản lý còn nhiều bất cập, chưa có những chế tài xử lý giữa sản phẩm nông sản an toàn và không an toàn trên thị trường, đây là một cản trở cho những người phát triển sản xuất rau quả an toàn vì quyền lợi người sản xuất và tiêu dùng không được công bằng.

Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp&PTNT đã ban hành quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN ngày 28 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đẩy mạnh việc quản lý sản xuất, giám sát chất lượng và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, tạo điều kiện để các sản phẩm rau quả an toàn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Nhìn chung, các văn bản trên là rất cần thiết cho quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn nói chung và cam sành nói riêng, điều này cũng minh chứng cho sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đến vấn đề an toàn thực phẩm đối với người dân. Trong những năm gần đây, công tác quản lý chất lượng vệ sinh thực phẩm đã và đang được các cấp các ngành quan tâm và triển khai rộng khắp trên toàn quốc.

a. Cam sành Hàm Yên – Tuyên Quang

Theo báo cáo của UBND huyện Hàm Yên năm 2016 toàn huyện có 3.226 ha cam sành đang cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 44.000 tấn, doanh thu đạt trên 500 tỷ đồng, năm 2016 huyện đã thành lập tổ sản xuất cam VietGap Hàm Yên, quy mô 10 ha, Tổ hợp tác sản xuất cam VietGap tổ 2 quy mô 127 ha.

Một quy trình sản xuất hiệu quả đã tạo ra những sản phẩm cam chất lượng. Theo đánh giá sơ bộ, tỷ lệ quả loại A đạt trên 70%; loại B là 20% và loại C chỉ chiếm 10%, điều này đồng nghĩa với việc giá trị cam cũng được nâng lên theo. Hiện nay cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap được bán tại địa bàn là 18.000 đồng/kg, cao hơn giá cam sản xuất thông thường 3.000 đồng/kg, năng suất bình

quân mô hình đạt 30 tấn/ha, cao hơn 13% so với sản xuất đại trà, tăng hiệu quả kinh tế khoảng 28 - 30%. (UBND huyện Yên, 2016).

b. Cam sành Cái Bè – Tiền Giang

Tỉnh Tiền Giang đang triển khai quy trình trồng cây ăn trái theo tiêu chí VietGAP cho loại cây ăn trái đặc sản của địa phương là cam sành Cái Bè với tổng diện tích 40ha. Chương trình được sự tài trợ của Chính phủ Canada thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA) thông qua Dự án Xây dựng và Kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC) đã hỗ trợ tỉnh áp dụng bộ kỹ thuật tiêu chuẩn VietGAP vào chuỗi sản xuất Cam Sành Mỹ Lợi A – Huyện Cái Bè với mục tiêu là cải thiện chất lượng, an toàn và khả năng tiêu thụ nông sản thực phẩm thông qua quá trình nâng cao hệ thông sản xuất, sơ chế, chế biến, quản lý chất lượng và truy vết sản phẩm. Cho đến thời điểm này, qua 03 lần phân tích chất lượng sản phẩm quả, nước sơ chế đều đạt các tiêu chuẩn VietGAP và sẽ tiến tới việc chứng nhận cho xoài, cam sành vào khoảng cuối năm 2011.

Kết quả đạt được là mô hình Cam sành của Tiền Giang đã đạt chứng nhận VietGAP ở Xã Mỹ Lợi, huyện Cái Bè với diện tích: 6,55 ha, phạm vi sản xuất: 07 hộ.

c. Cam canh Hà Nội

Để cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả Hà Nội, từ năm 2012, thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao của thành phố, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã quy hoạch, mở rộng diện tích cây ăn quả. Trong đó diện tích trồng mới cam Canh được tập trung phát triển dọc sông Đáy thuộc các huyện Thanh Oai, Hoài Đức và Thường Tín.

Ngoài ra, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cũng đã xây dựng được 31 mô hình cam Canh tại xã Vân Hà, Hát Môn (huyện Phúc Thọ), An Thượng (huyện Hoài Đức)… Các mô hình này áp dụng biện pháp kỹ thuật trồng mới, chăm sóc, thu hoạch tiên tiến theo VietGap. Những diện tích nằm trong vùng quy hoạch được Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội hỗ trợ 100% kinh phí cho công tác tập huấn khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các diện tích thâm canh cam Canh được hỗ trợ 30% chi phí vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, túi bao quả, hỗ trợ 100% mắt ghép trong ghép cải tạo vườn tạp. Các diện tích trồng mới được hỗ trợ 100% cây giống và 30% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn vietgap của nông hộ tại huyện bắc giang tỉnh hà giang (Trang 42 - 47)