Lịch sử hình thành, phát triển cam sành Bắc Quang – Hà Giang

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn vietgap của nông hộ tại huyện bắc giang tỉnh hà giang (Trang 65 - 67)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Khái quát chung về phát triển sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn

4.1.1. Lịch sử hình thành, phát triển cam sành Bắc Quang – Hà Giang

Cam sành là giống cây ăn quả thuộc chi Cam chanh, có nguồn gốc từ Việt Nam. Quả cam sành có đặc điểm là vỏ dày sần sùi, lớp cùi phía trong cũng dày hơn các loại quả khác cùng chi. Độ chín quả quả cũng rất dễ nhận biết ở sự thay đổi màu sắc của lớp vỏ ngoài, khi đạt đến độ chín chúng có sắc cam, màu rất tươi. Quả cam to nhất được ghi nhận có thể lên tới 500 gam. Trung bình mỗi quả cam chất lượng có trọng lượng khoảng 275 gam/trái (Sở NN&PTNT Hà Giang, 2016).

Tỉnh Hà Giang nói chung và Huyện Bắc Quang nói riêng là một trong những huyện điển hình trong việc sản xuất cam sành của cả nước. Huyện có điều kiện thời tiết khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp đối với cây ăn quả có múi nói chung, cây cam sành nói riêng nên có nhiều lợi thế trong việc sản xuất cam sành. Vào khoảng những năm 1980 một số hộ dân huyện Bắc Quang đem giống cam sành về trồng thử nghiệm. Lịch sử hình thành và sản xuất cây cam sành ở đây được tóm lược như sau:

- Giai đoạn 1980 -1997: Bắt đầu năm 1980 có một số hộ gia đình trồng 10 - 15 cây cam sành, sau 10 năm đã cho năng suất ổn định, chất lượng quả thơm ngon. Từ đó người dân nhận thấy cây cam sành trồng tại huyện Bắc Quang sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng cao không kém cam sành ở huyện Hàm Yên, tuy nhiên thời điểm này sản phẩm cam sành gần như chỉ để cho gia đình ăn là chủ yếu, chưa được thương mại hóa, chỉ một số ít được đưa ra chợ bán. Bước đầu sản phẩm cam sành tươi đã được các thương nái thu gom và tiêu thụ trong tỉnh. Qua đó người dân nhận thấy việc trồng cây cam sành đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây trồng khác, từ đó phong trào trồng cam sành trong nhân dân bắt đầu một cách tự phát. Đến năm 1997 toàn huyện đã trồng được gần 45 ha cam sành tập chung chủ yếu ở xã Vĩnh Hảo huyện Bắc Quang, sản lượng thu hoạch ước đạt 280 tấn. Như vậy có thể coi đây là một giai đoạn nghiên cứu thực nghiệm, bước đầu xác định được cây cam sành là cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Bắc Quang.

- Giai đoạn 1998 - 1999: Là thời kỳ các hộ bùng phát phong trào trồng cam. Vì vậy đến cuối năm 1999, toàn huyện Bắc Quang đã trồng được gần

2.000ha cây ăn quả có múi, trong đó có: 1.350 ha cây cam sành, năng suất BQ đạt 6,8 tấn/ha, sản lượng ước đạt 9.180 tấn.

- Giai đoạn 2000- 2008: Từ hiệu kinh tế của các hộ trồng cam huyện có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng nhanh diện tích cây cam sành, giảm dần diện tích cây lâm nghiệp. Để làm được điều đó UBND huyện Bắc Quang đã thực hiện tốt chính sách giao quyền sử dụng đất lâu dài đến hộ nông dân. Đồng thời có chính sách tín dụng cũng được hướng mạnh vào việc đầu tư cho các hộ vay vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và phát triển cây cam sành nói riêng. Do vậy đây là thời kỳ diện tích cam tăng đột biến, thời điểm cao nhất là năm 2005, toàn huyện đã trồng được 3.547 ha cây cam sành, sản lượng ước đạt 17.261 tấn, tương đương với giá trị sản lượng khoảng 90 tỷ đồng.

Sản phẩm cam sành Bắc Quang đã được công nhận: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn TCCS:01-2007/CS-BQ do Chi cục TC-ĐL-CL tỉnh Hà Giang cấp ngày 13/3/2007. Sau khi được công bố chất lượng, nhãn hiệu hàng hoá “Cam sành Bắc Quang” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, chính thức bảo hộ từ năm 2008. Ngay sau khi được công nhận một số hộ trồng cam đã được dán tem, nhãn mác, lô gô “Cam sành Bắc Quang”, sản phẩm cam sành Bắc Quang đã được đưa vào bán trong hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội (siêu thị BigC).

- Giai đoạn 2009 -2012: Là thời kỳ diện tích cam, quýt của huyện giảm một cách nhanh chóng, đến cuối năm 2012, tổng diện tích trồng cây cam, quýt của huyện giảm xuống còn 1.140,5 ha, giảm 2.406,5 ha (giảm 67,85% so với năm 2005), trong đó diện tích cho thu hoạch: 953,92 ha; sản lượng ước đạt: 6.200 tấn; giá trị sản lượng ước khoảng 49,6 tỷ đồng (giảm 55,11%).

Nguyên nhân: Các hộ sản xuất cam chủ yếu là do yếu tố tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch, chưa có thói quen sử dụng nhãn hiệu sản phẩm, do đó chưa tạo ra sự khác biệt và sức cạnh tranh trên thị trường, hơn nữa công tác quản lý, sử dụng và quảng bá nhãn hiệu tập thể “Cam sành Bắc Quang” chưa được quan tâm, đúng mức, các nhà quản lý thiếu sự kiểm tra giám sát trong việc sử dụng nhãn hiệu cũng như chất lượng cam sành Bắc Quang, cho nên trong quá trình sản xuất còn nhiều hộ trồng cam sử dụng các hóa chất suất phát từ Trung Quốc, hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường, với mục đích phun cho cây cam để làm tăng mầu sắc và mẫu mã quả cam, do việc sử dụng hóa chất bừa bãi đã làm cho quả cam nhanh thối, từ đó đã làm ảnh hưởng tới uy tín, chất

lượng cam sành Bắc Quang trên thị trường, giá cả thấp các hộ dân khôgn có tiền để tái đầu tư, nhiều hộ đã bỏ không chăm sóc dẫn đến nhiều diện tích cam thiếu dinh dưỡng, bị sâu bệnh hại đây là nguyên nhân chính dẫn đến diện tích cam bị giảm nhanh của huyện Bắc Quang.

- Giai đoạn từ 2014 đến nay: Là giai đoạn tập trung phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng cam theo nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang nói chung và Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Bắc Quang nói riêng. Tuy nhiên việc phát triển cây cam sành phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, lấy lại uy tin thương hiệu sản phẩm cam sành Bắc Quang, vì vậy, từ năm 2014 đến nay diện tích, năng suất và chất lượng cam sành tăng lên rõ rệt. Tính đến cuối năm 2016 toàn huyện đã có 3.106 ha, tăng 1.357,8 ha so với cuối năm 2014, trong giai đoạn này huyện Bắc Quang đã xác định cây cam sành là cây trồng mũi nhọn trong phát triển ngành nông nghiệp của huyện. Đồng thời huyện phối hợp với Viện NC rau quả và các Trung tâm khoa học của tỉnh đưa các giống cam cam V2, cam vinh, cam đường canh, cam cara cara vào trồng khảo nghiệm nhằm mục đích dải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn vietgap của nông hộ tại huyện bắc giang tỉnh hà giang (Trang 65 - 67)