Phân tích tính chất pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải và liên hệ với quy định của pháp luật VN.

Một phần của tài liệu Ôn tập tổng hợp công pháp quốc tế chương 1 đến 6 (Trang 98 - 99)

I. Câu hỏi lý thuyết

14. Phân tích tính chất pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải và liên hệ với quy định của pháp luật VN.

định của pháp luật VN.

Vùng tiếp giáp lãnh hải không phải là lãnh thổ của quốc gia ven biển cũng không phải là một bộ phận của biển quốc tế. Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển.

Theo khoản 1 Điều 33 CƯ 1982, quốc gia ven biển được thực hiện quyền tài phán trong một số lĩnh vực nhất định được pháp luật quốc tế thừa nhận nhằm ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình, trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.

Để thực hiện những quyền được quy định tại Điều 33 UNCLOS 1982, trước hết, quốc gia ven biển có toàn quyền xây dựng và ban hành những luật, quy định điều chỉnh về hải quan, thuế khóa, y tế hoặc nhập cư, đồng thời có quyền áp dụng đầy đủ những quy định này khi tiến hành những hoạt động thuộc thẩm quyền trên vùng tiếp giáp cũng như áp dụng những quy định pháp luật khác có liên quan của quốc gia ven biển khi được dẫn chiếu tới (Chẳng hạn hành vi vi phạm một trong bốn lĩnh vực này nhưng đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì quốc gia ven biển sẽ áp dụng các quy định của luật hình sự để xử lý đối với tàu thuyền nước ngoài). Nhằm ngăn ngừa những vi phạm trong bốn lĩnh vực này, quốc gia ven biển có quyền kiểm tra, kiểm soát đối với tàu thuyền nước ngoài trước khi con tàu đi vào lãnh hải và trước khi tàu rời khỏi lãnh hải của quốc gia. Tàu thuyền nước ngoài sẽ phải dừng lại tại một điểm trên vùng tiếp giáp do quốc gia ven biển quy định trước đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để quốc gia ven biển thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát đối với các lĩnh vực trên. Trong trường hợp có hành vi vi phạm, quốc gia ven biển có quyền áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật nước mình để xử lý đối với con tàu và thành viên trên tàu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, quốc gia ven biển sẽ chỉ có quyền trừng trị đối với những vi phạm xảy ra trong lãnh thổ hay lãnh hải của mình chứ không phải đối với những vi phạm xảy ra ngay tại vùng tiếp giáp. Điều này có nghĩa là khi một tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định thuộc bốn lĩnh vực trên thì dù hành vi đó diễn ra trên nội thủy, lãnh hải hay bất kì bộ phận nào trên lãnh thổ quốc gia thì quốc gia ven biển vẫn có đầy đủ thẩm quyền tài phán đối với con tàu dù nó đã ra đến vùng tiếp giáp. Nhưng nếu tàu thuyền nước ngoài chỉ hoạt động hoàn toàn bên ngoài lãnh thổ quốc gia thì sẽ không thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biển trong bốn lĩnh vực này. Mặt khác, theo quy định tại Điều 303 CƯ 1982, quốc gia ven biển có quyền đối với các hiện vật khảo cổ và lịch sử được phát hiện ở vùng tiếp giáp lãnh hải.

Theo Luật Biển VN 2012, Nhà nước VN được thực hiện chủ quyền, quyền tài phán QG và các quyền khác quy định tại Điều 16 về chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế đối với vùng tiếp giáp lãnh hải. Đồng thời, thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải VN (Điều 14). Các quy định này hoàn toàn phù hợp với CƯ 1982.

Về chủ quyền kinh tế, xuất phát từ vị trí của vùng tiếp giáp lãnh hải và chế độ pháp lý mà CƯ 1982 đã quy định tại Điều 33, toàn bộ chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế, đặc biệt là quyền chủ quyền về kinh tế của quốc gia ven biển cũng được áp dụng cho vùng tiếp giáp lãnh hải mà không có bất kỳ ngoại lệ nào.

Một phần của tài liệu Ôn tập tổng hợp công pháp quốc tế chương 1 đến 6 (Trang 98 - 99)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(189 trang)
w