Grubel (1968) đã bổ sung lý thuyết đầu tư danh mục hiện đại Markowitz (1952) bằng cách xây dựng danh mục đầu tư quốc tế với dữ liệu lợi nhuận và rủi ro phát sinh trong khoảng thời gian tỷ giá cố định (hoặc tương đối ổn định). Theo Grubel (1968), đa dạng hóa danh mục đầu tư quốc tế cũng có lợi ích tương tự như đa dạng hóa danh mục đầu tư trong nước. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng trong cơ chế tỷ giá linh hoạt.
Eun và Resnick (1988) đã tiếp tục hướng nghiên cứu này bằng cách bổ sung mô hình trong điều kiện cơ chế tỷ giá linh hoạt (tỷ giá có nhiều biến động). Eun và Resnick (1988) lập luận rằng, tỷ giá biến động có khả năng làm giảm lợi nhuận tiềm năng của đa dạng hóa danh mục đầu tư quốc tế, dẫn đến rủi ro cho các khoản đầu tư chứng khoán nước ngoài. Eun và Resnick (1988) đã chứng minh rủi ro tỷ giá là không thể thay đổi được và ảnh hưởng đáng kể đến rủi ro tổng thể của đầu tư danh mục quốc tế.
Choi và Rajan (1997) tiếp tục ủng hộ Eun và Resnick (1988) với lập luận, một phần rủi ro liên quan đến sự thay đổi tỷ giá là không thể bù trừ trong trong bối cảnh đa dạng hóa danh mục đầu tư quốc tế. Theo Choi và Rajan (1997), bên cạnh các yếu tố thị trường trong nước và thế giới, rủi ro tỷ giá là một yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận tài sản. Đồng thời, Choi và Rajan (1997) cũng cho rằng, tác động của tỷ giá và biến động tỷ giá đến vốn FPI là khác nhau ở các quốc gia.
Ở chiều ngược lại, về tác động của dòng vốn FPI đến tỷ giá, Calvo, Leiderman và Reinhart (1996) lâp luận rằng, dòng vốn từ nước giàu sang nước nghèo có vai trò giúp tài trợ cho đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống ở các nước đang phát triển. Đối với các nhà đầu tư, dòng vốn FPI có thể giúp các nhà đầu tư phát triển đa dạng hóa danh mục đầu tư quốc tế tốt hơn. Tuy nhiên, dòng vốn vào một quốc gia quá lớn cũng có thể gây ra những tác động không mong muốn đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là những tác động liên quan đến tỷ giá thực.