Từ khi chính thức là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO), năm 2007, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng với cộng đồng kinh tế khu vực và quốc tế. Bên cạnh những cơ hội mang lại cho nền kinh tế thì vấn đề điều hành tỷ giá ở Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức trước những biến động trên thị trường tài chính quốc tế như khủng hoảng tài chính toàn cầu hay sự mất giá của đồng nhân dân tệ (CNY) so với đồng USD năm 2018 dẫn đến TTCK Trung Quốc sụt giảm ở mức kỉ lục trong vòng 10 năm qua. Dù vậy, NHNN Việt Nam đã chủ động điều hành tỷ giá linh hoạt, hiệu quả song song với quản lý ngoại hối chặt chẽ. Nhờ đó, tỷ giá USD/VND biến động phù hợp với mục tiêu đề ra, vị thế của đồng Việt Nam tiếp tục được củng cố, góp phần đạt các mục tiêu quan trọng khác của nền kinh tế. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và thực tiễn Việt Nam, luận án đề xuất các hàm ý chính sách tỷ giá như sau:
Một là, quản lý tỷ giá theo hướng tăng nhẹ mức độ tỷ giá thực đa phương để khuyến khích dòng vốn
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ tỷ giá thực đa phương tác động cùng chiều đến FDI ở độ trễ 4 quý. Nghĩa là khi mức độ REER tăng (đồng VND giảm giá trị thực) ở độ trễ 4 quý thúc đẩy dòng vốn FDI trong hiện tại. Trong khi đó, REER tăng sau 1 quý làm sụt giảm vốn FPI trong ngắn hạn. Mặc dù tác động của mức độ REER khác nhau đối với hai dòng vốn FDI và vốn FPI, nhưng kết quả này không mâu thuẫn mà xuất phát từ bản chất của hai dòng vốn. Mục 2.2 tổng quan vốn đầu tư nước ngoài đã nêu được bản chất của vốn FDI là các nguồn đầu tư dài hạn. Các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư bên ngoài quốc
118
gia mà họ cư trú. Các dự án đầu tư này thường lâu dài, ổn định và không thể thay đổi các quyết định trong ngắn hạn. Do vậy, khi mức độ tỷ giá thực đa phương thay đổi thì cũng không ảnh hưởng đến vốn FDI trong ngắn hạn. Các thay đổi của mức độ tỷ giá thực đa phương chỉ tác động đến vốn FDI trong dài hạn (theo kết quả nghiên cứu là sau 4 quý). Ve chiều hướng tác động, tỷ giá tác động cùng chiều đến vốn FDI, nghĩa là khi mức độ REER tăng (đồng tiền Việt nam giảm giá trị thực) sẽ thúc đẩy vốn FDI vào Việt Nam.
Ngược lại, bản chất vốn FPI là bất ổn, có thể thay đổi nhanh chóng trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư FPI có thể là những nhà đầu tư vào chứng khoán lâu dài vì mục tiêu lợi nhuận từ cổ tức và lãi suất thu được từ chứng khoán. Tuy nhiên, trong đó vẫn có các nhà đầu tư FPI ngắn hạn theo dõi diễn biến thị trường, ra quyết định mua bán chứng khoán trong ngắn hạn nhằm thu lợi từ chênh lệch giá mua giá bán. Khi nhận thấy mức độ tỷ giá tăng (giá trị VND giảm), nhà đầu tư FPI lo ngại sẽ sụt giảm giá trị các khoản thu được của họ khi chuyển tiền về nước. Do đó, họ nhanh chóng bán chứng khoán để cắt lỗ, kết quả là FPI giảm sau 1 quý. Tuy nhiên, mặc dù mức độ tỷ giá trong ngắn hạn (độ trễ 1 quý) có thể làm giảm vốn FPI vào Việt Nam, nhưng tác động này chỉ có đối với nhóm các nhà đầu tư vốn FPI “lướt sóng” và khối lượng dòng vốn FPI cũng nhỏ hơn nhiều so với vốn FDI vào Việt Nam.
Nhìn chung, trên thế giới, dòng vốn FDI luôn được chú trọng nhiều hơn trong các dòng vốn nước ngoài. Ở Việt Nam, số liệu thực tế thu hút vốn FDI và vốn FPI ở Việt Nam cũng cho thấy, vốn FDI chiếm số lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với vốn FPI vào Việt Nam và cũng là vốn đầu tư lâu dài ổn định đóng góp nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Do vậy, trong điều hành chính sách tỷ giá cần quan tâm đến mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn FDI nhằm kiểm soát tỷ giá sao cho có thể thúc đẩy thu hút hiệu quả dòng vốn này. Kết quả nghiên cừu cho thấy, REER tác động cùng chiều đến vốn FDI. Do vậy, chính sách tỷ giá cần quan tâm điều tiết để REER có xu hướng tăng để khuyến khích dòng vốn FDI. Việc tăng REER cũng có thể dẫn đến bất lợi là làm suy giảm vốn FPI trong ngắn hạn. Tuy nhiên, như trên đã nêu, sự suy giảm vốn FPI không đáng kể so với với FDI và chỉ xảy ra trong ngắn hạn (sau 1 quý). Chính phủ có thể kết hợp nhiều giải pháp khác để thu hút vốn FPI nhiều hơn trong dài hạn để bù đắp vào khoản sụt giảm này.
Hai là, quản lý tỷ giá tránh biến động lớn gây bất lợi đến dòng vốn
Kết quả nghiên cứu cho thấy, biến động tỷ giá tác động ngược chiều đến cả hai dòng vốn FDI và vốn FPI. Biến động tỷ giá làm sụt giảm vốn FDI ở độ trễ 3 quý và sụt giảm FPI ở các độ trễ 1 quý, 2 quý và 3 quý. Do vậy, cần điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, tránh biến động tỷ giá lớn sẽ có lợi cho thu hút vốn ĐTNN. Bên cạnh đó, kết quả phân rã phương sai tác động
của các yếu tố đến REER trong các mô hình nghiên cứu mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN cho thấy, tỷ giá chịu tác động nhiều nhất là yếu tố tỷ giá trong quá khứ. Do đó, giữ tỷ giá ổn định ở thời kỳ trước cũng có ảnh hưởng quan trọng đến sự ổn định của tỷ giá trong hiện tại.
Để có thể giữ tỷ giá được ổn định tránh biến động mạnh, chính phủ cần quan tâm thực hiện chính sách đa ngoại tệ trong thanh toán quốc tế và điều hành tỷ giá. Trước đây, trong thương mại quốc tế, các giao dịch thường sử dụng đồng tiền của nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, có thị trường tiêu thụ và sức ảnh hưởng mạnh, đó là đồng USD. Tuy nhiên, trong quan hệ tỷ giá, nếu chỉ áp dụng một loại ngoại tệ duy nhất sẽ làm cho tỷ giá bị lệ thuộc vào ngoại tệ đó. Khi đồng USD có biến động giá trị sẽ ngay lập tức làm thay đổi tỷ giá USD/VND và ảnh hưởng đến nhiều hoạt động thanh toán quốc tế đang sử dụng USD làm đồng tiền thanh toán. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 thì giá trị đồng USD biểu hiện mất ổn định với những biến động mạnh. Hiện nay ngoài đồng USD, trên thị trường có nhiều ngoại tệ mạnh có giá trị thanh toán quốc tế như Euro, JPY, CAD, GBP, ... Do đó, Việt Nam cần xây dựng cơ chế đa ngoại tệ trong thanh toán quốc tế, cụ thể là lựa chọn nhiều loại ngoại tệ khác nhau đáp ứng tiêu chí ổn định, ít biến động để không ảnh hưởng đến các giao dịch quốc tế. Đồng thời, chính sách đa ngoại tệ còn giúp lựa chọn các đồng tiền thanh toán phù hợp với yêu cầu của với các đối tác thương mại ở các quốc gia khác nhau. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đa dạng hóa cơ cấu tiền tệ trong giao dịch thương mại quốc tế, góp phần đa dạng hóa tiền tệ trong nền kinh tế nhằm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam.
Mặt khác, nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ giá thực đa phương và tỷ giá danh nghĩa đa phương có biến động trái chiều nhau. Theo lý thuyết về tỷ giá, sự khác biệt giữa tỷ giá thực đa phương và tỷ giá danh nghĩa đa phương có liên quan đến yếu tố lạm phát. Do vậy, để góp phần giữ ổn định tỷ giá thực, chính phủ cần quan tâm đến ổn định lạm phát để tránh làm nghiêm trọng hơn biến động tỷ giá thực đa phương của Việt Nam.