CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP TỈNH
4.1. QUAN ĐIỂM BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP TỈNH CHÍNH CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP TỈNH
4.1.1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
Sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng là một nhân tố quyết định trong việc tăng cường năng lực, hiệu quả, chất lượng xét xử của Tòa án nói chung, của THC nói riêng. Điều này đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quán triệt, chỉ rõ trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã chỉ rõ: “Nhìn chung sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm của Nhà nước đối với công tác tư pháp còn hạn chế, chưa có cơ chế cụ thể để chỉ đạo sự phối hợp hoạt động của các cơ quan tư pháp”.
Trên thực tế một số cấp ủy, tổ chức đảng ở địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đến công tác tăng cường năng lực, hiệu quả, chất lượng xét xử của Tòa án nói chung, của THC nói riêng. Có cấp ủy Đảng còn can thiệp quá sâu vào hoạt động chuyên môn của Tòa án, vi phạm nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc độc lập xét xử. Một số địa phương cấp ủy Đảng coi nhẹ vai trò của Tòa án trong việc giải quyết KKHC, buông lỏng lãnh đạo, ít có sự hỗ trợ cho Tòa án trong công tác này. Tòa án không được sự quan tâm đúng mức và tạo điều kiện về cơ sở vật chất và sự hỗ trợ cần thiết của các cấp, các ngành ở địa phương. Thực tiễn giải quyết các VAHC trong thời gian qua cho thấy nơi nào cấp ủy Đảng quan tâm đúng mức đến công tác xét xử, các cơ quan hành chính nhà nước có sự cầu thị thì ở đó việc giải quyết các VAHC của Tòa án rất thuận lợi, đạt chất lượng cao và hiệu quả của công tác QLHCNN cũng được nâng lên rõ rệt.
Ở một số địa phương, còn có những quan điểm cho rằng, tăng cường lực lượng lãnh đạo cho Tòa án là có thể đưa cán bộ ngành khác hoặc bố trí “cấp ủy viên” ở ngành khác được hiểu là đủ tiêu chuẩn sang để bổ nhiệm làm Thẩm phán
hoặc làm lãnh đạo Tòa án mà không chú ý đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn lực trong ngành Tòa án. Cá biệt có những địa phương, cấp ủy vẫn còn có sự can thiệp khá sâu vào công việc xét xử của Tòa án nói chung và đặc biệt là cho ý kiến về quan điểm giải quyết án hành chính nói riêng. Bởi vì, án hành chính thường có liên quan trực tiếp tới hoạt động của UBND cùng cấp, trong khi cấp ủy chỉ lãnh đạo, chỉ đạo UBND và đồng chí phó bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND.
Đối với quan hệ giữa Tòa án với cấp ủy Đảng cũng có một số tồn tại: có Tòa án còn ỷ lại vào cấp ủy, sợ trách nhiệm, việc gì cũng xin ý kiến cấp ủy, ngại đấu tranh không thực hiện đúng nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Ngược lại cũng có một số Tòa án chưa biết dựa vào sự lãnh đạo, sự hỗ trợ cần thiết của cấp ủy Đảng trong việc giải quyết những vụ việc phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị ở địa phương.
Những sai lệch trên đây ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng xét xử các loại án nói chung, các VAHC nói riêng. Vì vậy, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục những lệch lạc, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của ngành Tòa án, nhất là đối với hoạt động xét xử các VAHC, đụng chạm đến quyền lực công thì vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng là vô cùng quan trọng. Các cấp ủy đảng, trên cơ sở quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước để lãnh đạo, chỉ đạo một cách đúng đắn các “xung đột” giữa Tòa án và chính quyền địa phương.
Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là một trong những yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng lực xét xử của Tòa án. Song để đạt được mục đích đó cần có một cơ chế đúng đắn về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Về vấn đề này, chúng ta cần trở lại những nguyên lý về phương pháp và hình thức lãnh đạo của Đảng đối với bộ máy nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua việc đề ra đường lối, chủ trương, các chính sách lớn, định hướng cho sự phát triển và kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức và cán bộ, giới thiệu những cán bộ có phẩm chất, đạo đức tốt, có năng lực, trình độ để bầu vào các chức danh chủ chốt trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị, các tổ chức quần chúng v.v.. Đối với các cơ quan tư pháp, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ
Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã chỉ rõ:
Đảng lãnh đạo các cơ quan tư pháp chặt chẽ về chính trị, tổ chức và cán bộ, bảo đảm hoạt động tư pháp thực hiện đúng quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp, khắc phục tình trạng cấp ủy buông lỏng lãnh đạo hoặc cấp ủy can thiệp không đúng vào hoạt động tư pháp [5].
Để thực hiện đúng sự chỉ đạo trên đây của Bộ Chính trị và để nâng cao năng lực xét xử của Tòa án nói chung, của THC nói riêng, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, theo tác giả, cần tập trung vào các lĩnh vực sau:
- Cấp ủy Đảng cần làm cho cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành ở địa phương quán triệt những quan điểm của Đảng ta về Nhà nước và pháp luật. Giáo dục cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân thực hiện pháp luật, hiểu được vị trí, vai trò của Tòa án trong bộ máy nhà nước và trách nhiệm phối hợp trong hành động.
- Thông qua tổ chức Đảng của cơ quan Tòa án để quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước tới cán bộ, đảng viên trong ngành Tòa án. Xây dựng các tổ chức Đảng vững mạnh trong ngành Tòa án, thường xuyên kiểm tra các đảng viên làm việc trong ngành Tòa án.
- Đề ra chủ trương, giải pháp và chỉ đạo sự phối hợp công tác của các cơ quan tư pháp và các cơ quan bổ trợ tư pháp.
-Đối với những VAHC có tính chất trọng điểm, phức tạp, có ảnh hưởng đến tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, trên cơ sở ý kiến đề xuất của các cơ quan tham mưu trong khối nội chính, cấp ủy Đảng cho ý kiến chỉ đạo về mục tiêu, yêu cầu phải đạt được khi xét xử vụ án, chứ không nên có ý kiến chỉ đạo cụ thể về đường lối giải quyết vụ án.
- Về cơ cấu chính trị, Chánh án TAND cấp tỉnh phải là Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy của Đảng bộ cấp tỉnh và có thêm một đồng chí phó chánh án TAND cấp tỉnh là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh. Như vậy mới tương xứng với vị thế của cấu trúc quyền lực Nhà nước khi Hiến pháp năm 2013 đã xác định cụ thể “Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp”, đề cao được vai trò chính trị
của TAND cấp tỉnh tương xứng với tư cách là một “nhánh quyền lực nhà nước” ở địa phương.
Đối với Tòa án phải nhận thức rõ trách nhiệm làm tham mưu cho cấp ủy, chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về mặt đường lối, chính sách nói chung, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động xét xử của mình, chỉ nên báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy Đảng về những vấn đề, những vụ án trọng điểm, phức tạp mà lãnh đạo Tòa án xét thấy việc giải quyết có ảnh hưởng đến tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.