tụng hành chính
Các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, nguyên tắc Hiến định là cơ sở pháp lý để vận hành nền tư pháp tôn trọng công lý, với sự hiện diện của người đại diện là Thẩm phán, hoạt động nhân danh pháp luật, nhân danh công lý và lấy quy tắc ứng xử đạo đức nghề Thẩm phán làm chuẩn mực cho hành vi ứng xử nghề nghiệp.
Trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán là điều kiện tiên quyết đảm bảo năng lực xét xử của Thẩm phán. Một trong những tiêu chuẩn mà Luật Tổ chức TAND quy định đối với người Thẩm phán là phải có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt cộng đồng và có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế XHCN. Pháp luật hiện hành chưa có quy định tiêu chuẩn bắt buộc đối với Thẩm phán về trình độ lý luận chính trị.
Việc đề cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức được ngành Tòa án hết sức quan tâm. Các tổ chức Đảng tại Tòa án luôn được quan tâm làm tốt công tác phát triển đảng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên của đơn vị; duy trì kỷ cương, nề nếp sinh hoạt và đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; chú trọng giáo dục, quản lý, giám sát đảng viên, đề cao tinh thần phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt đảng. Quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị như: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ [101].
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới chỉ rõ phải “Nâng cao tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức và nghề nghiệp chuyên môn của các cán bộ tư pháp”. Nội dung quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thẩm phán trong luật pháp quốc tế: tính độc lập của Tòa án quy định tại Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền (Điều 10) và Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Điều 41), đặc biệt tuyên bố, mọi người đều có thể được xét xử một cách công khai và đàng hoàng bởi Tòa án độc lập, khách quan và được thành lập theo pháp luật. Nền tư pháp độc lập là khả năng độc lập thực hiện các quyền này. Yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm các yếu tố sau đây:
- Tính độc lập của Thẩm phán
Sự độc lập về tư pháp - xét xử là điều kiện tiên quyết của quy tắc pháp quyền và là sự bảo đảm cơ bản của việc xét xử vô tư, khách quan, bình đẳng, đúng pháp luật. Chính vì vậy, Thẩm phán phải duy trì và thể hiện sự độc lập tư pháp - xét xử từ mọi góc độ của cá nhân và thể chế. Thẩm phán phải thực hiện chức năng tư pháp của mình một cách độc lập trên cơ sở đánh giá về tình tiết sự việc và dựa trên sự hiểu biết rõ ràng về luật pháp, không bị ảnh hưởng, không bị thuyết phục, không bị áp lực, không bị đe dọa hoặc can thiệp từ bên ngoài, dù trực tiếp hay gián tiếp ở bất kỳ đâu hoặc vì bất cứ lý do gì.
Đối với các VAHC, sự độc lập trong xét xử của Tòa án, của Thẩm phán cần đòi hỏi cao hơn. Bởi vì, án hành chính là người bị kiện luôn liên quan đến các chủ thể thực thi quyền lực công, cho nên, áp lực từ phía công quyền đến hoạt động xét xử là khó tránh khỏi. Vì vậy, Thẩm phán Tòa án phải có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh “thép” về nghề nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu của tính độc lập trong xét xử.
- Tính vô tư, khách quan
Tính vô tư, khách quan trong hoạt động xét xử có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng xét xử các VAHC. Một Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ xét xử của mình một cách dũng cảm, không thành kiến hoặc không thiên vị; bảo đảm tư cách đạo đức của mình ngay tại Tòa và bên ngoài Tòa án. Khi tiến hành tố tụng hoặc khi có thể tiến hành tố tụng sẽ không chủ ý đưa ra bình luận có thể ảnh hưởng, theo cách đánh giá hợp lý tới kết quả tố tụng hoặc làm tổn hại tới tính bình
đẳng hiển nhiên của quy trình tố tụng; từ chối không tham gia bất kỳ quy trình tố tụng nào mà trong đó Thẩm phán không thể quyết định vấn đề một cách vô tư theo đánh giá chủ quan hoặc theo quan sát của một người bình thường.
- Sự đúng mực và bình đẳng
Là thái độ cần phải có của Thẩm phán khi quan hệ giao tiếp với những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác, với đồng nghiệp, với mọi người trong các mối quan hệ công tác, gia đình, xã hội, hành xử phù hợp với phẩm cách của chức danh tư pháp mà mình đang đảm nhận.
Thẩm phán phải bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án của các bên trước Tòa án. Khi thực nhiệm vụ của mình, Thẩm phán không được phân biệt đối xử giữa những người tham gia tố tụng, cho dù họ thuộc thành phần nào, điều kiện kinh tế hay địa vị pháp lý - xã hội ra sao. Thẩm phán không thể thiên vị hoặc định kiến với bất kỳ ai trong khi xét xử.
- Năng lực và cẩn trọng
Là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo chất lượng xét xử VAHC của Thẩm phán. Thể hiện năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ khâu chuẩn bị xét xử cho tới khi tuyên bản án. Ứng phó, xử lý đúng đắn, linh hoạt với các tình huống phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án.
- Sự chính trực, liêm khiết
Là điều cốt yếu để Thẩm phán làm nhiệm vụ của một người chất phát, chân chính thể hiện: công khai, minh bạch trong công việc; thể hiện quyền lực nhà nước và tạo được niềm tin của mọi người vào công lý. Tuyệt đối không tham nhũng, sách nhiễu, đòi, nhận hối lộ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.