Thông qua việc nghiên cứu của các đề tài khoa học, của các luận án trong nước và nước ngoài về những vấn đề liên quan đến chất lượng xét xử VAHC của TAND cho thấy tổ chức và hoạt động của hoạt động xét xử hành chính đã có được sự quan tâm đáng kể của các nhà khoa học ở nhiều cấp độ khác nhau, nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề. Kết quả nghiên cứu đã làm rõ những vấn đề lý luận,
những luận cứ khoa học, những vấn đề về thực tiễn và đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện những vấn đề cơ bản về: Nhà nước pháp quyền; cải cách tư pháp; về tổ chức và hoạt động của Tòa án; về vấn đề chất lượng Thẩm phán, HTND, những yếu tố liên quan đến chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu hoặc những bài viết nêu trên cơ bản và chủ yếu giải quyết những vấn đề về lý luận và đánh giá thực trạng tình hình hoặc giải quyết vấn đề ở từng phương diện, góc độ nhất định, ở những thời điểm trong phạm vi những lĩnh vực nghiên cứu nhất định, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện, chuyên sâu, giải quyết triệt để về chất lượng xét xử cũng như việc nâng cao chất lượng xét xử của TAND cấp tỉnh nói chung và chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay. Bởi vì TAND cấp tỉnh xét xử các VAHC có những đặc thù riêng mà không giống bất kỳ cấp Tòa án nào trong hệ thống TAND ở nước ta hiện nay, chưa giải quyết triệt để, cụ thể:
Thứ nhất: Phần lớn các công trình nghiên cứu tập trung giải quyết về các vấn đề về: cải cách tư pháp, tổ chức TAND, Tòa hành chính, cơ chế pháp lý giải quyết tranh chấp hành chính, xét xử sơ thẩm các VAHC, đạo đức nghề tư pháp, những bất cập của hệ thống pháp luật… tập trung nghiên cứu về thực trạng và kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử các VAHC của Tòa án nói chung mà chưa đi sâu nghiên cứu, phân tích, chỉ rõ các nguyên nhân căn bản của chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh, để trên cơ sở đó có những giải pháp căn cơ nhằm giải quyết triệt để tận “gốc” vấn đề của tình trạng những phán quyết của Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp hành chính hiệu quả chưa như mong muốn.
Thứ hai: Về năng lực của Thẩm phán, HĐXX, những người tiến hành TTHC các công trình nghiên cứu cũng đã rất quan tâm đề cập, đánh giá, nhận xét, luận giải và kiến nghị những giải pháp để nâng cao năng lực xét xử, năng lực giải quyết các tranh chấp hành chính khi có khiếu kiện. Một yếu tố quan trọng là chính đội ngũ công chức của Tòa án làm công tác xét xử hành chính chưa được đào tạo bài bản chuyên về xét xử hành chính, mà chủ yếu tăng cường từ những lực lượng giải quyết án hình sự, dân sự, lao động… sang xét xử hành chính. Mặt khác, về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng QLHCNN nói chung, và nhất là QLHC ở địa phương
của Thẩm phán hầu như chưa có, cho nên khi được phân công giải quyết án hành chính thường “sợ” là phần nhiều. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần được giải quyết thấu đáo trong luận án này.
Thứ ba: Một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng là phân tích, đánh giá một cách sâu sắc về mối quan hệ giữa TAND cấp tỉnh với các cơ quan hành chính cùng cấp, với Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh và quan hệ với UBND cấp huyện cùng địa phương, các công trình khoa học được công bố chưa luận giải vấn đề này một cách thỏa đáng với tính chất của THC trong TAND cấp tỉnh. Về lý thuyết, cơ chế tổ chức, chức năng nhiệm vụ TAND cấp tỉnh độc lập với chính quyền cấp tỉnh, không chịu sự quản lý trực tiếp của UBND cùng cấp. Mối quan hệ giữa TAND cấp tỉnh với UBND là quan hệ phối hợp trong hoạt động. Tuy nhiên, xét về một số góc độ nhất định thì TAND cấp tỉnh vẫn có phần “lép vế”, phụ thuộc UBND cùng cấp. Chẳng hạn về kinh phí đầu tư, kinh phí hỗ trợ, TAND là thành viên trong khối Nội chính của UBND, việc xét xử phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương… Bởi vậy, để hoạt động của TAND cấp tỉnh được tốt cần phải làm sáng tỏ cả phương diện lý luận và thực tiễn của mối quan hệ này.
Với vai trò quan trọng của hoạt động xét xử các VAHC ở nước ta hiện nay, tác giả muốn đi sâu vào nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về chất lượng xét xử của TAND cấp tỉnh. Bởi vì, trong xét xử hành chính Luật TTHC đã và đang trao cho các cấp được xét xử gồm: TAND cấp huyện (xét xử sơ thẩm); TAND cấp tỉnh (vừa xét xử sơ thẩm, vừa xét xử phúc thẩm); TAND cấp cao (xét xử phúc thẩm, Giám đốc thẩm). Trong cấu trúc phân định quyền lực của hệ thống TAND như vậy cho thấy, TAND cấp tỉnh có vị trí và vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính. Vì TAND cấp tỉnh vừa xét xử sơ thẩm những khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền, vừa xét xử phúc thẩm các VAHC mà cấp huyện xét xử khi có kháng cáo hoặc kháng nghị. Xét xử phúc thẩm của TAND cấp tỉnh là thẩm tra lại, đánh giá lại, thẩm định lại một cách cẩn trọng cả về việc thực hiện, áp dụng pháp luật TTHC, pháp luật nội dung của TAND cấp huyện để đưa ra phán quyết thuyết phục. Mặt khác, THC thuộc TAND cấp tỉnh thuộc một trong những Tòa án chuyên trách, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức khác với các Tòa khác, phạm vi giải quyết án hành chính có đặc thù riêng biệt của cấp tỉnh.
Giả thuyết nghiên cứu đặt ra từ góc độ chuyên ngành lý luận lịch sử nhà nước và pháp luật. Vấn đề chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh đã được nghiên cứu đến đâu cả về lý luận và thực tiễn. Luận án cần tiếp tục nghiên cứu những gì. Nhiệm vụ cơ bản của luận án cần tiếp tục nghiên cứu:
- Luận chứng cơ sở khoa học, các căn cứ đánh giá chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh ở nước ta hiện nay;
- Phương diện lý luận cần làm rõ thế nào là chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh. Khái niệm, đặc điểm và vai trò của việc bảo đảm hiệu quả của chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh.
- Có những tiêu chí nào đánh giá và có những yếu tố nào bảo đảm cho chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh.
- Về thực trạng, chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh có những ưu điểm/ kết quả gì, những hạn chế và nguyên nhân nào? Để nâng cao chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh hiện nay cần triển khai, thực hiện những quan điểm nào và cần kiến nghị thực hiện những giải pháp gì.
- Quan điểm và các giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh trong tình hình hiện nay.
Tiểu kết chương 1
Mặc dù xét xử hành chính bằng con đường tư pháp ở nước ta đã thực hiện được gần 20 năm nay, so với lịch sử hoạt động xét xử của Tòa án trong các lĩnh vực khác như: hình sự, dân sự… thì còn quá non trẻ. Khi nghiên cứu về lĩnh vực này các công trình khoa học trong nước cũng như nước ngoài còn có những vấn đề, những quan điểm, ý kiến, cách thức tổ chức, thực hiện khác nhau về mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền… của TAND. Ở nước ta, một mặt THC mới được thành lập, mặt khác về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động chưa thực sự ổn định và hợp lý.
Tuy nhiên, các công trình khoa học trong nước và nước ngoài cũng đã luận giải được nhiều góc độ về lý luận, đưa ra được những luận cứ khoa học với nhiều góc độ, phương diện khác nhau về mô hình tổ chức và hoạt động xét xử hành chính
(tài phán hành chính) rất có giá trị lý luận cũng như thực tiễn. Như mô hình tổ chức và hoạt động tài phán hành chính của các quốc gia: Cộng hòa Pháp; Cộng hòa Liên bang Đức, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… Các công trình khoa học trong nước như: Đề tài “Tài phán hành chính - thể chế bảo vệ các quyền tự do, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức” của Hoàng Thị Kim Quế [70]; "Thẩm quyền xét xử khiếu kiện hành chính của Tòa án, sự bảo đảm công lý trong quan hệ nhà nước và công dân" của Nguyễn Thanh Bình [3]; “Tòa hành chính trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân” của Trần Kim Liễu [49]; hoặc luận án "Áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay" của Lê Xuân Thân [93]...
Trên cơ sở kế thừa những thành tựu khoa học trong nước và nước ngoài, tác giả đã tham khảo và kế thừa một cách có chọn lọc những nhân tố hợp lý, phù hợp với nội dung đề tài nghiên cứu để làm cơ sở nghiên cứu giải quyết thấu đáo những vấn đề mà nội dung luận án đặt ra. Bởi vì, các công trình khoa học được nghiên cứu dưới những góc độ, lĩnh vực, cấp độ khác nhau, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách chuyên khảo, có hệ thống về chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh ở nước ta. Trong khi chất lượng xét xử của Tòa án nói chung và THC nói riêng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục phải được nghiên cứu một cách thấu đáo mới đáp ứng được yêu cầu cả về lý luận lẫn thực tiễn ở nước ta hiện nay.
Chương 2