Xét về phương diện quyền lực thì quan hệ giữa Nhà nước và công dân là mối quan hệ “không cân xứng”. Mối quan hệ giữa Nhà nước (nhất là cơ quan hành chính) và công dân là quan hệ bất bình đẳng, sự phục tùng; không có sự thỏa thuận mà thiên về quan hệ áp đặt đơn phương. Phương pháp này được gọi là phương pháp của luật công thuộc khu vực hành chính công. Vì lẽ đó, nguyên lý của luật công là các cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Theo đó, luật công cần có tính nhân đạo và tiến bộ vì mục tiêu con người. Cũng theo đó, đây là tư tưởng căn bản để kiểm tra bằng tài phán tính hợp hiến và hợp pháp của các hành vi hay QĐHC.
Nếu Nhà nước pháp quyền sinh ra trước hết là để bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân thì tài phán hành chính là một biện pháp, một thiết chế cần thiết trong Nhà nước pháp quyền để góp phần thực hiện điều đó [12]. Do vậy, có thể nhận định rằng tài phán hành chính hay tư pháp hành chính là dấu hiệu đặc trưng gắn liền với Nhà nước pháp quyền.
Tòa hành chính nói chung và THC cấp tỉnh nói riêng là công cụ đấu tranh có hiệu quả trong việc nâng cao trình độ và năng lực quản lý xã hội của các cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước cấp tỉnh. Bằng phán quyết của THC, sự phán
xét về tính hợp hiến, hợp pháp của các QĐHC, HVHC là rõ ràng. Có thể coi đó là những đánh giá, nhận xét, thẩm định chính thức về năng lực, trình độ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp trong bộ máy nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống.
Đồng thời, với các phán quyết của THC, việc đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn của các cơ quan quản lý nhân sự đối với cán bộ, công chức nhà nước sẽ có căn cứ rõ ràng hơn. Việc thay thế những cán bộ, công chức nhà nước kém năng lực, kém trình độ sẽ có tính thuyết phục cao. Đồng thời, đó cũng là biện pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao trình độ, năng lực quản lý của các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước trước nhân dân. Thông qua sự phán quyết của THC cấp tỉnh (sơ thẩm và phúc thẩm) sẽ góp phần tích cực vào quá trình cải cách bộ máy hành chính ở địa phương, lề lối, tác phong, thói quen, nề nếp tư duy, cách thức tiếp cận vấn đề sẽ có những bước chuyển biến tích cực.
Sự thiếu vắng xét xử hành chính trong hệ thống TAND chính là một trong những nguyên nhân làm cho một số cán bộ, công chức nhà nước cảm thấy họ là người “ban ơn”, “quyền lực là của họ”, chứ không phải là công bộc của dân, phải chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước dân.
Tác dụng của THC còn được thể hiện ở chỗ nó là công cụ có hiệu lực, không những có vai trò to lớn trong việc tạo lập và duy trì kỷ cương nghiêm minh trong hoạt động của bản thân các cơ quan hành chính nhà nước mà còn góp phần quan trọng vào việc đổi mới và hoàn thiện nền hành chính. Việc QLHCNN, quản lý xã hội không thể tiến hành một cách trôi chảy, có hiệu quả nếu bản thân nền hành chính ở vào tình trạng yếu kém. Việc thành lập THC đã góp phần tăng cường cuộc đấu tranh phòng, chống tha hóa, biến chất trong một số công chức hành chính. Bên cạnh việc tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức cho đội ngũ công chức hành chính, cần thiết phải áp dụng các biện pháp khác, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính tại THC.
Với những nội dung trình bày nêu trên cho chúng ta thấy rằng THC là một trong những công cụ hữu hiệu, có ảnh hưởng, tác dụng to lớn đối với nền hành chính quốc gia; là một nội dung quan trọng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là một trong những điều kiện và đòi hỏi quan trọng của Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó giải quyết KKHC tại Tòa án là một trong những công cụ quan trọng phải được quan tâm xây dựng và hoàn thiện. Việc nâng cao hiệu quả giải quyết KKHC phải đáp ứng các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó hoàn thiện tổ chức và nâng cao vai trò XXHC của TAND là vấn đề cấp thiết. Bên cạnh đó, việc đổi mới tổ chức và hoạt động giải quyết KKHC, hoàn thiện pháp luật TTHC phải được thực hiện đồng thời với đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và cải cách nền hành chính nhà nước. Giữa cải cách hành chính nhà nước với nâng cao hiệu quả giải quyết KKHC có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau. Vì vậy, nâng cao hiệu quả giải quyết KKHC cần đặt trong mối quan hệ với cải cách hành chính nhà nước.
Chúng ta đã và đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, trước hết là các quốc gia thuộc cộng đồng ASEAN. Để hòa nhập một cách có hiệu quả thì tất yếu phải có một nền hành chính thích ứng, đủ điều kiện đáp ứng các đòi hỏi khách quan của quá trình hội nhập. Nếu không, tự chúng ta tạo ra những bất trắc, những thất bại cho chính chúng ta. Để đáp ứng được điều này, một mặt bản thân nền hành chính không ngừng tự cải cách, tự nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công với tính năng hội nhập phù hợp. Mặt khác, ngoài chức năng quyền lực kiểm soát quyền lực thì hoạt động giải quyết các KKHC của Tòa án cũng sẽ có những đóng góp tích cực vào quá trình cải cách, đổi mới nền hành chính để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh hội nhập.