nhân dân cấp tỉnh
Chất lượng xét xử các vụ án hành chính của TAND cấp tỉnh được thể hiện ở một số lĩnh vực cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh là chỉ tiêu tổng hợp đánh giá hoạt động xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh
Chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh được phản ánh thông qua chất lượng của các bản án, quyết định của Tòa án. Để có được phán quyết Tòa án phải thực hiện một chuỗi hoạt động kế tiếp và có tính logic của HĐXX và các đương sự như: cung cấp, thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ, đánh giá tính hợp pháp của đối tượng xét xử (QĐHC, HVHC, QĐKLBTV…), căn cứ pháp lý áp dụng và cuối cùng là việc Tòa án chấp nhận hay bác yêu cầu khởi kiện, khẳng định đối tượng khởi kiện đúng một phần hay đúng toàn bộ, hủy QĐHC hay đình chỉ HVHC. Chỉ tiêu đánh giá tổng hợp biểu hiện mức độ của chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh nên được thể hiện rất đa dạng, nhiều phương diện, tuy nhiên tiêu chí quan trọng liên quan đến chất lượng xét xử của Tòa án bao gồm: Hiệu lực thực tế các phán quyết của TAND; ở số lượng vụ án được chấp nhận, số lượng án bị cải sửa hoặc bị hủy; mức độ và tính có lỗi do xét xử có sai sót, lý do cải sửa, (do áp dụng sai về TTHC hay sai về áp dụng luật nội dung); hủy án, những lỗi, những sai sót trong quá trình xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh (bao gồm cả xét xử sơ thẩm, phúc thẩm); ở chất lượng bản án, mức độ bảo đảm tính thuyết phục; tỷ lệ đồng tình hoặc phản ứng của dư luận xã hội đối với kết quả xét xử của Tòa án, bao gồm cả xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm các VAHC của TAND cấp tỉnh.
Chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh được thể hiện thông qua những chỉ số, chỉ tiêu cơ bản như: tỷ lệ số vụ việc thụ lý giải quyết so với yêu cầu khởi kiện của tổ chức và công dân; tỷ lệ số án được xét xử so với số lượng án phải xét xử, số lượng án đã thụ lý, số án đã xét xử, chẳng hạn năm 2016 toàn ngành xét xử án hành chính đạt tỷ lệ 80% (5.358/6.708 vụ, trong đó xét xử sơ thẩm
4.011/4.933 vụ; xét xử phúc thẩm 1.296/1.701 vụ; tỷ lệ án có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là 42,4%, không có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là 57,6%; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm là 1,4%) [101]; tỷ lệ án được đương sự chấp nhận không có kháng cáo, kháng nghị; tỷ lệ hủy án, sửa án; thái độ của xã hội về phán quyết của Tòa án; sự hài lòng của người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đó là những chỉ số “biết nói” phản ánh chất lượng xét xử các VAHC của TAND, trong đó TAND cấp tỉnh có vai trò quan trọng.
Thứ hai: Chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước
Hoạt động hành pháp chủ yếu được thực hiện bởi hệ thống hành chính nhà nước. Quyền hành pháp là việc thực thi pháp luật, áp dụng pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống cũng chủ yếu thông qua bộ máy HCNN. Quyền lực hành chính vốn rộng và đa dạng nên cần phải có cơ chế kiểm soát hữu hiệu. Tinh thần Hiến pháp năm 1013 chỉ ra “lấy quyền lực để kiểm sát quyền lực”. Kiểm soát hoạt động hành pháp có nhiều cơ chế chính trị - xã hội - hành chính - pháp lý để kiểm soát. Tuy nhiên, cơ chế pháp lý dùng quyền lực tư pháp để tham gia kiểm soát hoạt động hành pháp là một trong những cơ chế chính trị - pháp lý mạnh mẽ và có hiệu lực và hiệu quả thiết thực. Trong thực tiễn QLHCNN nhiều trường hợp cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước thực thi công vụ, ban hành những quyết định, thực hiện những hành vi trái với hiến pháp (vi hiến), trái với pháp luật (vi luật), trái với văn bản của của cấp trên hoặc ngoài khuôn khổ thẩm quyền (vi quyền). Hệ lụy của những hành vi đó làm sai lệch quyền lực, hạn chế hiệu lực, hiệu quả QLNN, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Hoạt động xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh với chức năng xem xét, đánh giá tính hợp pháp của QĐHC, HVHC do cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan HCNN thực hiện, sẽ chỉ ra những bất cập, những sai sót, thậm chí những vi phạm của hoạt động hành chính để tự họ sửa chữa, khắc phục (trong trường hợp có thể). Hoặc ban hành bản án, quyết định buộc cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện việc sửa chữa, khắc phục những sai sót, vi phạm đã mắc phải theo quy định của pháp luật. Thông qua hoạt động xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh, bao gồm cả xét xử sơ thẩm và phúc
thẩm, vừa khắc phục được những sai sót của hoạt động hành chính, vừa tạo điều kiện giúp cho hoạt động hành chính được nâng cao. Điều quan trọng là bản án, quyết định của Tòa án có chất lượng sẽ có tác động tích cực vào việc kiểm soát, kiềm chế được sự “lạm quyền” vốn có của hoạt động hành chính.
Chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh phụ thuộc vào các yếu tố như: hệ thống pháp luật TTHC, pháp luật nội dung có liên quan; các thiết chế về mô hình tổ chức TAHC; năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, bản lĩnh của đội ngũ Thẩm phán với tư cách là người trực tiếp xét xử VAHC; cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, kinh phí bảo đảm cho hoạt động xét xử; cơ chế giám sát, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền và giám sát tối cao của nhân dân…
Thứ ba: Chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân
Quyền, lợi ích của tổ chức và công dân có thể bị xâm hại từ nhiều phía: từ tổ chức, cá nhân khác hoặc ngay từ hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước khi họ thi hành nhiệm vụ, công vụ. Các chủ thể của Nhà nước có thể xâm hại đến quyền của tổ chức và công dân thông qua các hình thức khác nhau căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, chẳng hạn: cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, HĐND các cấp) xâm hại thông qua hình thức lập pháp, lập quy, đưa ra những quy định trái Hiến pháp, trái quy chuẩn đạo đức; cơ quan QLHCNN xâm hại thông qua các hình thức ban hành các QĐHC hoặc thực hiện những HVHC trái với quy định của pháp luật. Cơ quan HCNN, cán bộ, công chức nhà nước là những người thường trực tiếp hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với công việc, giải quyết các yêu cầu của tổ chức và công dân, cho nên họ thuộc nhóm “nhiều nguy cơ nhất” có khả năng gây tổn hại lợi ích cho công dân, tổ chức. Bởi vậy, trong thực tế đơn khiếu kiện chủ yếu liên quan đến hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức nhà nước.
Để dàn xếp những “phản ứng” của dân chúng đối với các hoạt động QLHCNN, hiện nay pháp luật có nhiều “kênh xử lý” khác nhau, có thể khiếu nại hành chính và sẽ được chính hệ thống hành chính giải quyết bằng phương thức “tự xem xét lại” cách thức xử lý của mình, trường hợp đương sự không thỏa mãn, tiếp tục có yêu cầu thì cấp trên trực tiếp của cơ quan hành chính đó giải quyết. Hoặc
đương sự có thể nhờ tư pháp xem xét, giải quyết thông qua con đường TTHC, Tòa án sẽ thụ lý giải quyết bằng một VAHC. Chất lượng, hiệu quả xét xử án hành chính của TAND, thực chất là “dàn xếp” được một cách ổn thỏa nhất, khách quan nhất, công bằng nhất những “bức xúc” của dân chúng đối với hoạt động QLHCNN có sai sót. Mặt khác bảo vệ được quyền lợi chính đáng của tổ chức và công dân. Trường hợp do cố tình hoặc vô ý Tòa án làm sai lệch đi quy trình tố tụng sẽ làm mất đi các quyền “trông cậy” nơi công lý của đương sự. Hoặc áp dụng pháp luật không đúng, đánh giá các tình tiết, chứng cứ thiếu khách quan, chính xác, đưa ra phán quyết không đúng hoặc Tòa “bênh vực” hành chính thì vô hình chung, chính đó trực tiếp xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức, công dân.
Do chưa có nhiều kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn giải quyết loại án này (vì hệ thống THC so với các tòa chuyên trách khác được thành lập muộn hơn), đội ngũ thẩm phán chưa trưởng thành thông qua thực tiễn xét xử. Chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh không đồng đều bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau về trình độ nhận thức - văn hóa; về trải nghiệm thực tiễn, có những địa phương số lượng án hành chính không đáng kể và nhìn chung so với các loại án khác thì số lượng án hành chính trong phạm vi cả nước còn ở mức độ khiêm tốn. Nhất là ở các vùng có điều kiện khó khăn về kinh tế - xã hội thì lượng án hành chính hầu như không có, cho nên các thẩm phán không có điều kiện rèn luyện qua thực tiễn và điều kiện tiếp cận thông tin cũng hạn chế.
Chất lượng xét xử các VAHC có tác động không những tới quyền lợi chính đáng, hợp pháp của tổ chức và công dân, mà còn phản ánh sự đúng đắn, chính xác, chất lượng của hoạt động HCNN. Nếu kết quả xét xử của Tòa án dân sự là xác định các quyền dân sự của công dân, pháp nhân trong vụ kiện dân sự; của Tòa hình sự là xác định trách nhiệm của một cá nhân trong vụ án hình sự (xác định tội danh và áp dụng hình phạt) thì kết quả xét xử VAHC là phán quyết về tính hợp pháp của QĐHC, HVHC hoặc QĐKLBTV đối với công chức của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong các cơ quan đó. Phán quyết của Tòa án là chỉ ra rằng: QĐHC, HVHC, QĐKLBTV đó đúng hay sai, sai ở chỗ nào, sai một phần hay toàn bộ, cần phải hủy hay không, hậu quả của việc sai phải sửa hay hủy toàn bộ hoặc một phần; đình chỉ hành vi trái pháp luật; xem xét việc bồi thường thiệt hại do
QĐHC, HVHC, QĐKLBTV gây ra. Phán quyết của Tòa án trong VAHC luôn có liên quan trực tiếp đến hoạt động thực thi quyền lực nhà nước của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước. Lẽ đương nhiên là phán quyết của Tòa án ảnh hưởng “tốt - xấu” tới danh dự, uy tín, thương hiệu của cá nhân cán bộ, công chức hoặc của cơ quan Nhà nước với tư cách là người bị kiện trong VAHC. Mặt khác, việc thi hành phán quyết của Tòa án chủ yếu và cơ bản do chính cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan đó trực tiếp thi hành. Bởi vậy, chất lượng xét xử “đúng
- sai” của Tòa án trong VAHC có tác động sâu rộng và có sự quan tâm từ nhiều phía công quyền cũng như dư luận xã hội.