hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
- Về chuyên môn, nghiệp vụ
Trình độ đào tạo, điều kiện về bằng cấp và kỹ năng, trình độ nghiệp vụ xét xử của Thẩm phán TAND các cấp là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo năng lực xét xử cho TAND các cấp. Hiện nay, theo quy định của Pháp luật Thẩm phán và Hội thẩm TAND, thì Thẩm phán TAND các cấp phải có trình độ cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ xét xử.
Khi đánh giá năng lực xét xử của Thẩm phán chúng ta không tuyệt đối hóa trình độ đào tạo, bằng cấp nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua điều kiện này. Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp có chỉ rõ một trong những nguyên nhân gây ra hạn chế của công tác tư pháp hiện nay nói chung và công tác xét xử nói riêng đó là: “Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu; trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ còn yếu, thậm chí có một số cán bộ sa sút về phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp”.
Vì vậy, một trong những phương hướng được đề ra trong chiến lược cải cách tư pháp đó là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có
chức danh tư pháp, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ”, “bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế XHCN”. Cùng với việc đào tạo cơ bản, việc đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho Thẩm phán cũng là yêu cầu rất quan trọng trong tình hình hiện nay nhằm bồi dưỡng năng lực xét xử chuyên sâu cho Thẩm phán. Nếu coi xét xử là một nghề, thì việc đào tạo nghề cho Thẩm phán rõ ràng là một đòi hỏi khách quan. Trong những năm trước đây, chúng ta chưa chú trọng đến công tác này. Sau khi Trường đào tạo các chức danh tư pháp (nay là Học viện Tư pháp) thuộc Bộ Tư pháp được thành lập, một số Thẩm tra viên, Chuyên viên pháp lý, Thư ký Tòa án là đối tượng đào tạo nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán đã được cử đi đào tạo chuyên sâu về kỹ năng xét xử. Lâu nay chúng ta đã chuẩn hóa điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán, một trong những điều kiện được xét bổ nhiệm là phải trải qua đào tạo nghiệp vụ xét xử. Hiện nay, bên cạnh Học viện Tư pháp đào tạo chung 03 chức danh theo một chương trình cho các đối tượng đã tốt nghiệp cử nhân luật sẽ là nguồn để thi bổ nhiệm Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, thì Học viện Tòa án trực thuộc TAND tối cao cũng đã đào tạo nghiệp vụ xét xử cho đội ngũ công chức trong ngành để thi tuyển bổ nhiệm Thẩm phán.
Kỹ năng, trình độ nghiệp vụ xét xử của Thẩm phán TAND các cấp là điều kiện vô cùng quan trọng đảm bảo năng lực xét xử của Thẩm phán. Nếu trình độ đào tạo là điều kiện giúp cho Thẩm phán có được những kiến thức pháp lý cần thiết cho công tác chuyên môn, thì kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệp vụ xét xử của Thẩm phán là điều kiện tạo ra hiệu quả và chất lượng xét xử. Khả năng nhận diện, hiểu đúng, hiểu đầy đủ quy định của pháp luật, áp dụng chính xác quy định của pháp luật để đưa ra những phán quyết “thấu lý - đạt tình”, bản án thuyết phục của Thẩm phán khi giải quyết án hành chính là một trong những tiêu chí cực kỳ quan trọng, đây là yếu tố không thể thiếu được của năng lực xét xử.
Trình độ chuyên môn, kỹ năng xét xử của Thẩm phán cần bảo đảm một chuỗi kỹ năng kế tiếp nhau: kỹ năng xây dựng hồ sơ vụ án; kỹ năng nghiên cứu hồ
sơ vụ án; kỹ năng chuẩn bị xét xử; kỹ năng tổ chức phiên tòa; kỹ năng điều khiển phiên tòa; kỹ năng xét hỏi tại phiên tòa, kỹ năng phán quyết và ra bản án. Nhận thức rõ tầm quan trọng của kỹ năng, trình độ nghiệp vụ xét xử thì tiêu chuẩn bắt buộc để có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán là phải có năng lực xét xử các vụ án và giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Trình độ chuyên môn, kỹ năng, bản lĩnh xét xử của Thẩm phán thể hiện ở sản phẩm của họ, chính là chất lượng giải quyết các tranh chấp hành chính kể từ khi: (1) Phát sinh tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết thì Thẩm phán được phân công có nêu cao tinh thần trách nhiệm hay không, có tạo mọi điều kiện có thể để người khởi kiện đáp ứng được yêu cầu pháp lý để thụ lý giải quyết tại Tòa, bảo đảm một cách tốt nhất để cho người khởi kiện thực hiện được quyền khởi kiện của họ trước Tòa. Tiêu chí cụ thể đặt ra là: TAND tỉnh đó tiếp nhận bao nhiêu đơn khởi kiện, thụ lý giải quyết bao nhiêu, trả lại đơn bao nhiêu, lý do trả đơn có thỏa đáng không; (2) Thời hạn giải quyết án có đảm bảo theo quy định của luật TTHC không, bao nhiêu trường hợp phải ra hạn, lý do chính đáng, cần thiết không. (3) Tỷ lệ án có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong đó tỷ lệ đồng tình, chấp nhận án, tỷ lệ sửa án, tỷ lệ hủy án là bao nhiêu hàng năm, nguyên nhân của sửa án, của hủy án. (4) Tiêu chí về thái độ của dư luận xã hội, của nhân dân, của các đương sự đối với quyết định của TAND cấp tỉnh khi xét xử các VAHC.
Sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động xét xử của TAND cấp tỉnh vừa là nguyên tắc vừa là tiêu chí “bất di, bất dịch” đối với Thẩm phán. Một trong những giải pháp căn cơ của ngành Tòa án trong những năm tới đây là: Đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động xét xử; tấp trung giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử của các Tòa án. Triển khai tập huấn và tổ chức thực hiện sâu rộng các luật mới có hiệu lực thi hành có liên quan tới hoạt động của TAND, đặc biệt là Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính. Làm tốt công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; trong đó chú trọng đào tạo thông qua việc rút kinh nghiệm xét xử, động viên cán bộ, công chức tự nghiên cứu học tập nâng cao trình độ chuyên môn [101].
- Về kỹ năng xét xử
Đây là một trong những tiêu chí có vai trò quan trọng để bảo đảm cho chất lượng của hoạt động xét xử. Một Thẩm phán có nhận thức chính trị, có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ nhưng thiếu kỹ năng (cách thức, phương pháp) thực hành nghề, thiếu bản lĩnh nghề nghiệp thì kết quả xét xử rất hạn chế, thậm chí dẫn đến sai sót, vi phạm. Thực tiễn đã xét xử các VAHC trong những năm qua cho thấy, nhiều Thẩm phán kỹ năng xét xử, nhất là đối với án hành chính là một trong những loại án khó giải quyết còn tỏ ra lúng túng, vi phạm về thời hạn giải quyết hoặc đùn đẩy, né tránh, thậm chí vi phạm về tố tụng, về kỹ năng áp dụng pháp luật… Chính vì vậy, TANDTC đã đưa ra giải pháp tập trung bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng xét xử cho Thẩm phán và Hội thẩm, để nâng cao kỹ năng giải quyết các vụ án [101].
Kỹ năng xét xử hành chính là khả năng, cách thức, phương pháp của Thẩm phán thực hiện một chuỗi những thao tác nghiệp vụ kế tiếp nhau như: kỹ năng đánh giá đối tượng khởi kiện, người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong giai đoạn này Thẩm phán cần đánh giá đầy đủ các điều kiện khởi kiện VAHC như: điều kiện về chủ thể khởi kiện; điều kiện về đối tượng khởi kiện, xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xem có thỏa mãn các điều kiện theo quy định của luật TTHC hay không, thiếu thì thiếu những điều kiện gì, có khả năng bổ sung được hay không để Thẩm phán đưa ra quyết định thụ lý hoặc trả lại đơn khởi kiện.
Kỹ năng thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ của Thẩm phán trong vụ án hành chính có ý nghĩa quan trọng, bởi nó là “nền tảng” cơ sở cho những chuỗi hoạt động giải quyết án của Thẩm phán. Chứng cứ trong VAHC là những thông tin được rút ra từ những tài liệu, hiện vật, lời khai… do đương sự, tổ chức, cá nhân khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập theo trình tự luật định để “Tòa án làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hành chính” [43]. Đánh giá chứng cứ phải bảo đảm tính khách quan, tính có liên quan, tính hợp pháp của chứng cứ.
Kỹ năng áp dụng pháp luật trong xét xử các VAHC, Thẩm phán cần phân tích, đánh giá đúng, chính xác những tình tiết, hoàn cảnh, điều kiện của sự việc thực
tế đã xẩy ra, các thông tin về vụ việc để thực hiện trong các giai đoạn thụ lý vụ án, chuẩn bị xét xử, thực hiện các thủ tục tố tụng cần thiết; lựa chọn văn bản pháp luật áp dụng phải đúng, đủ, còn hiệu lực pháp luật, hiểu đúng, chính xác nội dung của quy phạm pháp luật cả luật nội dung và luật hình thức, những chủ trương, chính sách có liên quan.
Bản án hành chính là sản phẩm cuối cùng của Thẩm phán trong quá trình giải quyết án hành chính, nên kỹ năng viết bản án hành chính là cực kỳ quan trọng. Thực tiễn cho thấy khả năng soạn thảo một bản án hành chính của Thẩm phán còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như: phương pháp, cách thức lập luận thiếu chặt chẽ, không logic, luận cứ không thuyết phục, thậm chí thiếu và sai cả về kiến thức chuyên môn QLHCNN; áp dụng pháp luật không đúng, bởi vì, trong lĩnh vực QLHCNN có rất nhiều văn bản quy phạm của trung ương, của địa phương và thường có những thay đổi. Chính vì vậy, năm 2017 TANDTC đã ban hành mẫu bản án (Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC). Đồng thời, đã triển khai tập huấn chuyên sâu, tập huấn một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng cho tất cả Thẩm phán trong ngành về phương pháp viết bản án nói chung, trong đó có phương pháp viết bản án hành chính.
Những phẩm chất tinh thông nghề nghiệp của Thẩm phán được tụ hợp bởi nhiều yếu tố như: chuyên môn nghiệp vụ, khả năng tư duy, cách thức tiếp cận vấn đề, phương pháp thu thập, đánh giá chứng cứ, kỹ năng áp dụng pháp luật, đặc biệt là luật về TTHC, kỹ năng thực hiện các bước (giai đoạn) giải quyết án, khả năng loại trừ (thoát) được những áp lực để giữ vững được sự “trong sáng” của pháp luật và bản chất sự việc, giữ vững được sự vô tư và độc lập trong phán quyết.