Hoạt động xét xử của Tòa án luôn luôn gắn liền với cơ sở vật chất, kỹ thuật. Nếu như các điều kiện đã được phân tích ở trên là các điều kiện chủ quan gắn liền với bản thân người Thẩm phán Tòa án các cấp thì điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật là điều kiện khách quan gắn liền với trụ sở Tòa án, phòng xét xử, nơi làm việc, các phương tiện kỹ thuật khác như: máy in, máy vi tính, máy photocopy, phương tiện nghe nhìn, sách báo chuyên ngành v.v.. Điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc xét xử của Tòa án. Vì vậy, muốn tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án các cấp thì không thể không tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Tòa án. Nhà nước bảo đảm các điều kiện phục vụ hoạt động tư pháp phù hợp với đặc thù của từng cơ quan tư pháp và khả năng của đất nước.
Trong Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nêu rõ: Nhà nước bảo đảm điều kiện vật chất cho hoạt động tư pháp phù hợp với đặc thù của từng cơ quan tư pháp và khả năng của đất nước. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ quan và hoạt động tư pháp theo hướng ngân sách tư pháp do Quốc hội phân bổ và giao các cơ quan tư pháp địa phương quản lý và sử dụng, có sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan tư pháp trung ương; có cơ chế cho phép địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cơ quan tư pháp từ khoản vượt thu ngân sách của địa phương.
Từng bước xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp khang trang, hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Ưu tiên trang bị phương tiện phục vụ công tác điều tra,
đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác xét xử, công tác giám định tư pháp. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động cả về chuyên môn nghiệp vụ và trong hoạt động quản lý, điều hành. Đảm bảo công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, đặc biệt là công khai bản án, quyết định của Tòa án trên cổng thông tin điện tử của TAND.
Tiểu kết chương 2
Xét xử hành chính có vai trò quan trọng trong đời sống nhà nước và đời sống xã hội ở nước ta hiện nay. Để nhận thức đúng đắn được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của xét xử hành chính là không đơn giản. Nhiều quốc gia trên thế giới có lịch sử hàng trăm năm về xét xử hành chính, trong khi chúng ta mới bắt đầu công việc này vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX. Để làm sáng tỏ những vấn đề về lý luận, làm cơ sở để đánh giá và đưa ra những quan điểm, giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh ở nước ta hiện nay, trong chương này luận án đã tập trung lý giải các vấn đề lý luận về quan niệm về khái niệm, đặc điểm, nguyên tắc, vai trò, phương pháp và nội dung của chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh. Ngoài ra, để có cơ sở cho việc đánh giá thực trạng và đề xuất quan điểm, giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các VAHC chúng ta đề cập sâu đến các điều kiện bảo đảm và các tiêu chí đánh giá chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh.
Đáng lưu ý trong chương này là đặc thù của xét xử các VAHC của TAND nói chung và của TAND cấp tỉnh nói riêng là việc tổ chức, công dân kiện “quan” và TAND xét xử, đưa ra phán quyết đối với hầu hết các hoạt động của hệ thống cơ quan HCNN (chủ thể đặc biệt). Bởi vậy, chúng tôi cũng đã tập trung giải quyết vấn đề lý luận trên nền tảng của tư tưởng “dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực” với tư cách nhánh quyền lực tư pháp kiểm soát, hỗ trợ và phối hợp với nhánh quyền lực hành pháp.
Chương 3